Chợ bán buôn lớn nhất thế giới mất điện trong thời gian dài, từ tiểu thương đến chủ nhà máy “thoi thóp trong bóng tối”

30/10/2021 21:54 PM | Kinh doanh

Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô của Trung Quốc vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dich, nay lại càng thêm khốn đốn vì cuộc khủng hoảng điện.

Nhà bán lẻ và nhà sản xuất lao đao vì thiếu điện

Chợ Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô là khu chợ bán buôn nổi tiếng của Trung Quốc. Đây là nơi bày bán mọi mặt hàng, từ đồ trang trí Giáng Sinh đến các bộ phận máy móc. Nhưng hiện tại, khu chợ này đang có tốc độ hoạt động chậm đi rất nhiều.

Các thang cuốn và điều hoà bên trong khu phức hợp rộng 4 triệu mét vuông đã dừng hoạt động. Các chủ cửa hàng vốn có hoạt động kinh doanh đói kém vì đại dịch Covid-19, phải tạm ngừng hoạt động cửa hàng trong cái nóng ngột ngạt.

Thành phố Nghĩa Ô cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Những hạn chế đi lại khiến khách hàng quốc tế không thể đến chợ, gây ảnh hưởng đến khu vực vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Hiện tại, chợ Nghĩa Ô đối mặt với một thách thức mới đó là vấn đề thiếu điện. Cuộc khủng hoảng điện đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cách chợ không xa là khu công nghiệp Nghĩa Ô. Các chủ nhà máy lo lắng về việc sản xuất sẽ bị gián đoạn nhiều hơn. Bà He Meiling, chủ sở hữu nhà máy đóng gói ở Nghĩa Ô, nói rằng: "Dường như mọi người không còn cách nào để kiếm sống". Nhà máy của bà He Meiling chỉ hoạt động một nửa công suất do những hạn chế về nguồn điện.

Bà He nói rằng thị trường hiện đang rối tung. Giá nguyên liệu thô tăng chóng mặt, lương công nhân tiếp tục tăng, tiền thuê mặt bằng cũng tăng, nhưng việc sản xuất thì bị giới hạn và lợi nhuận của các nhà sản xuất giảm.

Khi các nhà máy đóng cửa và sản xuất chậm lại, chuỗi cung ứng vừa hồi phục sau đại dịch của Trung Quốc lại một lần nữa gặp khó khăn, gây tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung.

Ngay cả khi các nhà máy tiếp tục hoạt động nhờ máy phát điện chạy bằng dầu diesel, việc kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Những nhà máy sử dụng máy phát điện không thể hoạt động 24/7 vì tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư.

Không như các nhà bán lẻ ở Nghĩa Ô có thể hoạt động mà không có điều hoà, các nhà máy sản xuất sẽ phải ngưng hoạt động nếu thiếu điện. Công việc tại nhà máy đang bị cắt giảm.

Tại Ngọc Hoàn, thành phố cấp huyện phía đông nam tỉnh Chiết Giang, các nhà máy đã giảm sản xuất xuống còn 2 hoặc 3 ngày một tuần. Nhưng nhiều công nhân phải tăng thời gian làm việc lên 15 tiếng một ngày để giải quyết các đơn hàng tồn đọng.

Đối với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ ở tỉnh Chiết Giang, khủng hoảng điện đang gây thêm nhiều áp lực về chi phí lên lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, vốn đã bị ảnh hưởng từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Bà Lu, người đã cùng chồng kinh doanh trong hơn ba thập kỷ, chứng kiến những công ty khác phá sản trong vòng hai năm qua. Bà nói: "Mọi người đều đang trải qua thời gian khó khăn. Khách hàng chi tiêu ít hơn, chúng tôi bán được ít hàng hơn và các nhà máy nhận được ít đơn đặt hàng hơn nên sản xuất đi xuống. Chúng tôi chỉ đang cố gắng tồn tại và hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn".

Chợ bán buôn lớn nhất thế giới mất điện trong thời gian dài, từ tiểu thương đến chủ nhà máy “thoi thóp trong bóng tối”  - Ảnh 1.

Bên trong chợ Nghĩa Ô. Ảnh: Luna Sun/SCMP

Mức độ tác động tuỳ thuộc quy mô doanh nghiệp

Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng điện đến mỗi doanh nghiệp là không đồng đều. Mức độ ảnh hưởng tuỳ vào từng khu vực phụ thuộc ít hay nhiều hoặc những công ty lớn làm ăn tốt hơn những doanh nghiệp nhỏ.

Các công ty lớn như SANY Heavy Industry, nhà sản xuất thiết bị hạng nặng đa quốc gia, dường như không bị ảnh hưởng. Nhà máy của công ty ở thủ đô đã điều chỉnh hoạt động về đêm để tránh tiêu thụ điện năng giờ cao điểm.

Nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ đã không có sự chuẩn bị tốt như vậy. Nhiều công ty phàn nàn về việc liên lạc ngắt quãng và không có thông báo cắt điện.

Nhà máy dệt may Huang Feng ở Nghĩa Ô bị bất ngờ về việc cắt điện không báo trước. Vì bị cắt điện đột ngột, nhà máy sản xuất mũ, khăn và các phụ kiện từ trung và cao cấp bị trì hoãn sản xuất và hậu quả là lỡ mất chu kỳ sản xuất, gây thiệt hại hơn 15.600 USD.

Tuy nhiên, công ty này có thể kiểm soát và thích ứng được với vấn đề vì là một công ty lớn với mạng lưới các nhà máy trên toàn quốc. Công ty này có một số nhà máy ở các tỉnh không bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện.

Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động, tỷ suất sinh lợi nhuận thấp hơn nên dễ bị áp lực về chi phí.

Tuy nhiên. ông Huang cho rằng việc cắt điện thực ra không phải điều xấu. Điều này giúp rà soát và loại bỏ những thành phần gây ảnh hưởng đến thị trường.

Mặc dù Trung Quốc kêu gọi tăng nhập khẩu than và gia tăng sản lượng nội địa, các nhà phân tích dự đoán khủng hoảng điện sẽ kéo dài ít nhất đến mùa xuân năm sau. Đầu tháng này, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tự do hóa giá cả trong lĩnh vực điện nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện.

Cơ quan xếp hạng Moody's cho biết các thị trường toàn cầu sẽ phải chống chọi với những tác động tiềm tàng từ cuộc khủng hoảng điện năng Trung Quốc, nếu nó tiếp tục trong một thời gian dài.

Tham khảo South China Morning Post

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM