Chính phủ sẽ phải trả tới 75% nợ trong nước trong 3 năm tới

03/06/2016 15:47 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong khi các khoản vay ODA của World Bank sẽ chấm dứt vào giữa năm 2017, và ODA của ADB sẽ ngừng vào cuối năm 2018, 75% các khoản vay trong nước cũng đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tới.

“Khó khăn vĩ mô đặt ra nhiều thách thức cho cải cách tài chính công, làm gia tăng bội chi ngân sách và làm tăng tỷ lệ nợ công, tăng bội chi ngân sách Nhà nước ở cả trung ương và địa phương” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại buổi đối thoại cấp cao về cải cách chi tiêu công sáng 3/6.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia cấp cao Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng dư nợ tăng do bội chi ngân sách tăng liên tục. Đáng chú ý, các khoản nợ liên quan đến khu vực ngân hàng và nợ của DNNN đang làm trầm trọng hơn và có nguy cơ dễ bị tổn thương với lộ trình nợ hiện nay.

Tỉ trọng các khoản nợ trong nước cũng ngày càng tăng. Mặc dù điều này làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá, song lại làm tăng lãi suất bình quân và rút ngắn đáng kể kỳ hạn của nợ công. Điều này dẫn đến chi trả lãi hiện nay chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

“Nhìn lại quãng thời gian 2011 - 2015, chúng ta đã tập trung tăng huy động vốn vay rất lớn từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước cho đầu tư phát triển. Huy động vốn vay của Chính phủ năm 2015 đã tăng gấp đối với năm 2011, trong đó huy động thông qua phát hành TPCP trong nước năm 2015 tăng gần 3,5 lần.

Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua và điều đó dẫn đến 2 khó khăn”, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính từng giãi bày trên Cổng TTĐT của Bộ.

Theo ông Long, khó khăn thứ nhất là tăng mức chi trả nợ/tổng thu ngân sách. Điều này dẫn đến nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn (vay đảo nợ).

Khó khăn thứ hai là áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (03 năm) trong những năm 2011-2013, tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015-2017.

Theo chuyên gia WB, cơ cấu chi đã thay đổi đáng kể theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cụ thể, chi đầu tư đã giảm nhưng chi trả lãi đang tăng lên; chi thường xuyên ngoài (không bao gồm chi trả lãi) tăng về tỷ trọng; chi lương tăng lên cả do yếu tố tăng biên chế và tăng lương.

Xét về hiệu quả chi tiêu, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận: “Chất lượng công trình thì tiền nào của ấy, nhưng tôi thấy giá đường cao tốc cao mà chất lượng không đảm bảo. Điều này vô cùng quan trọng đến hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước”.

Bộ trưởng cũng cho rằng: Giao thông chỉ chú trọng và đầu tư đường bộ, còn cảng biển và đường sắt chưa quan tâm nhiều. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm 2 vấn đề: chi phí cho đầu tư xây dựng (ví dụ chi phí cho một km đường cao tốc so với khu vực và trên thế giới), và vấn đề chất lượng đầu tư.

Chuyên gia của WB cho rằng nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ. Theo đó, cần có biện pháp để đảm bảo tài khóa bền vững; Tối ưu hóa chi phí và kỳ hạn nợ công; tăng cường nguồn thu và hành thu trên cơ sở ổn định và tăng dần tỷ lệ thu trên GDP; nâng cao hiệu suất chi tiêu trên cơ sở hạn chế và từng bước giảm tỷ lệ chi trên GDP.

Theo khuyến nghị của bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, tình hình tài khóa hiện nay cho thấy cần phải có kế hoạch củng cố tài khóa trong trung hạn, khi mà nợ công đang tăng lên cao. Với mục tiêu đảm bảo thâm hụt ngân sách, giảm xuống mức 4% trong năm tới thì cần phải có biện pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách và hiệu quả chi tiêu.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM