Chính phủ, Bộ nông nghiệp, ngành điện, ngân hàng, doanh nhân… dồn lực cho con tôm Việt

07/02/2017 13:46 PM | Xã hội

Mục tiêu ngành tôm Việt đạt 10 tỷ USD/năm đến năm 2025 hoàn toàn có thể đạt được khi được sự ủng hộ của toàn ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD/năm, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục tiêu này quá thấp và mong muốn phải đạt sớm hơn vào năm 2025.

Thủ tướng mong muốn Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Dưới đây là những cơ sở để mục tiêu 10 tỷ của tôm Việt có thể thực hiện được:

Con tôm thích ứng với xâm nhập mặn

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức: sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh, con tôm là đối tượng thích ứng được biến đổi khí hậu. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỉ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều.

Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, đặc biệt vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Trong khi đó, dự kiến xâm nhập mặn và nước biển dâng dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, từ đó chúng ta có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm.

Đã có doanh nghiệp xung phong đi đầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Công ty thủy sản Minh Phú đặt mục tiêu đạt 2 tỉ USD vào năm 2021 thì toàn tỉnh Cà Mau có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD.

Còn lại 6 tỉ USD, các tỉnh, thành ven biển có thể chung sức đạt được, để biến giấc mơ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD/năm của ngành tôm Việt Nam thành hiện thực vào năm 20250.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) cho rằng, cơ sở để tập đoàn đạt đến con số trên là sẽ thay đổi tư duy trong ngành nuôi tôm, xây dựng thương hiệu, công nghệ. Trong đó chú trọng việc thành lập các DN xã hội ở các hình thức nuôi; áp dụng công nghệ theo chuẩn 4.0…

Chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, chưa bị rớt giá hoặc khủng hoảng về giá.

Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc – đưa ra một ý tưởng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đó là mong muốn Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Theo ông Tuấn, hiện nay Việt Nam có đủ cơ sở và khả năng để làm chủ công nghệ nuôi, sản xuất giống, và là nước xuất khẩu hàng đầu về tôm trên thế giới. Chính vì vậy cần có bước đột phá để phát triển ngành tôm thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Sản phẩm tôm hiện nay đang là mặt hàng được ưa chuộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc khủng hoảng về giá.

Gấp rút triển khai dự án khu nuôi tôm công nghệ cao

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau vẫn đạt gần 1 tỉ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung thông tin, Bạc Liêu đang gấp rút triển khai dự án khu nuôi tôm công nghệ cao với trên 300 ha. Tỉnh này cũng quy hoạch vùng tôm sinh học, tôm công nghệ cao gắn với thị trường.

Không thiếu tiền cho các DN phát triển ngành tôm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Phước Thanh khẳng định ngân hàng không thiếu vốn để phát triển ngành tôm. Kể cả cho các DN đầu tư xuất khẩu, nuôi tôm, đầu tư công nghệ tôm.

“Ngân hàng đã đồng hành cùng người nuôi tôm, DN hoạt động trên lĩnh vực nuôi, chế biến xuất khẩu tôm nhiều năm nay. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ vốn riêng cho ngành tôm phát triển để các DN và hộ nuôi dễ tiếp cận vốn hơn”, ông Thanh đề xuất.

Ưu tiên điện cho vùng trọng điểm nuôi tôm

Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết, sẽ ưu tiên cấp điện cho các tỉnh có vùng trọng điểm nuôi tôm. Chúng tôi cam kết sẽ hạ thế, lắp đường dây tải 3 pha cho vùng trọng điểm nuôi tôm đã được quy hoạch.

Tập trung quy hoạch ngay vùng tôm nước lợ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần quy hoạch phải gắn với các nhà máy chế biến, chú ý đến từng khu vực nuôi có lợi thế; phương thức nuôi cụ thể

Không quy hoạch chạy theo người dân; tránh tình trạng nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào, tự phát…

Mai Lan

Cùng chuyên mục
XEM