Con tôm Việt Nam mong một ngày như Joseph Schooling - vượt qua Michael Phelps lên ngôi vương thế giới

17/08/2016 10:48 AM | Xã hội

Ví ngành tôm Việt với hình ảnh Joseph Schooling, Facebook, đại diện doanh nghiệp Việt Nam cũng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) luôn đặt kỳ vọng một bước đi đột phá cho ngành nông nghiệp Việt.

"Chúng ta không thể cam chịu phận nhược tiểu mãi được!"

Sáng ngày 13/8, tại Olympic Rio 2016, cả làng bơi thế giới chấn động khi tay bơi trẻ Joseph Schooling người Singapore đã vượt qua “siêu ngư lôi” Michael Phelps (Mỹ) để đoạt HCV ở nội dung 100m bướm. Điều đặc biệt, Michael Phelps chính là thần tượng của anh khi đã chụp ảnh chung 13 năm về trước.

Câu chuyện về tân kỷ lục Olympic Schooling không chỉ là bài học cho các vận động viên bơi trên thế giới, mà còn được ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn sản xuất tôm Việt- Úc dẫn ra để nói về khát vọng vươn lên của ngành tôm Việt nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) ngày 15/8 vừa qua.

Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, ngành tôm Việt Nam phải có đủ khát vọng để nâng tầm trở thành cường quốc, thành công xưởng sản xuất tôm cho cả thế giới như hình ảnh cậu bé 13 tuổi sau 8 năm đã trở thành kỷ lục gia.

Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng ASEAN với 600 triệu dân, nên giờ làm con tôm không phải cho 90 triệu người trong nươc ăn, mà cho cả 600 triệu người. Đó là chưa kể tới 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Đặc biệt, nếu tham gia TPP, thì nghiễm nhiên ngành tôm Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này không được tham gia hiệp định. Trong khi đó, Mỹ, Nhật, Úc nằm trong khối này sẽ là các quốc gia nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam.


Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: K.L.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: K.L.

Trong bối cảnh đó, ông Tuấn nhận định: “Chúng ta không thể cam chịu phận… nhược tiểu mãi được!”.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang đầy tiềm năng.

Theo ông Hoàng Anh, thực tế cho thấy chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt nên đây là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico, trong khi giống tôm sú thì khai thác ngoài tự nhiên.

Bên cạnh đó, bất cập nhất trong khâu giống vẫn là còn hiện tượng cơ sở nuôi tôm giống bắt tôm thịt về làm tôm bố mẹ, thậm chí lấy nguồn tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất thậm hay nhập giống không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho người nuôi.

Trong khi đó, ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty giống Châu Phi cho rằng, hiện nay Việt Nam mới tập trung nghiên cứu tôm bố mẹ thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng cao để nuôi thâm canh trong khi tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh để nuôi quảng canh chưa được chú ý nhiều.

Trong khi diện tích nuôi quảng canh, cải tiến đang chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở Việt Nam. Khoảng gần 600.000 ha hiện năng suất mới chỉ đạt 150-300 kg/ha/năm. Trong khi đó, tại Ecuado, với chương trình chọn tạo giống kháng bệnh của họ ở quy mô không lớn lắm nhưng họ đã đạt năng suất nuôi khoảng 2.300 tấn/ha/năm.

Đâu cũng là lúa thì sẽ không hiệu quả!

Chia sẻ tại chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức cực lớn, nếu không giải quyết được sẽ bị thụt lùi.

Theo đó, thứ nhất nông nghiệp nước ta là một nền sản xuất nhỏ dựa trên 12 triệu hộ nông dân. Thứ 2, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ 3, tham gia hội nhập sâu rộng, nghĩa là Việt Nam trở thành thị trường mở của thế giới (mở 2 chiều), vẫn còn nhiều thách thức.

"Nếu chúng ta cứ đi theo hướng Đồng bằng sông Cửu Long là lúa, cây ăn trái, là thủy sản còn miền Bắc - miền Trung cũng là lúa, chỗ nào cũng lúa thì sẽ không hiệu quả. Khi hội nhập toàn cầu, Việt Nam không giải được sẽ khó chiến thắng, thậm chí chắc chắn thua ngay trên sân nhà", Bộ trưởng cho hay.


Tôm giống Việt Nam đang là vấn đề nan giải khi nhiều hộ dân tự lấy nguồn trôi nổi trên thị trường, thậm chí là hàng Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng. Ảnh: K.L.

Tôm giống Việt Nam đang là vấn đề nan giải khi nhiều hộ dân tự lấy nguồn trôi nổi trên thị trường, thậm chí là hàng Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng. Ảnh: K.L.

Từ những thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có 2 nguyên lý: cái gì mạnh thì làm hay nói đúng hơn là lợi thế; thứ hai làm là phải khoa học công nghệ, một chuỗi giá trị sâu nhất, ở đó chúng ta chiếm thị phần lớn nhất về chuỗi giá trị.

Theo Bộ trưởng, con tôm có thị trường rất rộng tới cả 7 tỷ người trên thế giới. Khác với lợn, bò, hiện có rất ít người kiêng ăn tôm. Trong khi đó, điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay sẽ là cơ hội biến thách thức thành lợi thế đối với Việt Nam. Nhất là đồng bằng sông Cửu Long, khi nước biển dâng hay hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một bộ phận từ lúa sang thủy sản, trong đó có con 7 tỷ người ăn là con tôm.

Chúng ta phải có bước đi táo bạo hơn kể cả sản phẩm giống, thức ăn, công nghệ, phải đi có những quyết sách đi nhanh hơn, không cần tuần tự.

Câu chuyện Facebook trả lời ta việc đó. Bằng khoa học công nghệ, bằng khát vọng con người, Facebook chỉ đi từ 2-3 năm vẫn về đến đích, trong khi những tập đoàn trước đó đi hàng trăm năm. Câu chuyện với con tôm Việt cũng vậy”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần “sốc lại đội hình”, một mặt duy trì chiến lược, một khác duy trì thương mại tốt để ổn định cơ cấu thị phần.

Bên cạnh chuẩn bị nền tảng có sẵn là một chiến lược cạnh tranh quyết liệt, thì cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực để phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.​

Ngọc Lan

Cùng chuyên mục
XEM