Gần 10.000 tấn gạo Việt bị Mỹ, Nhật trả về vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép đã đi đâu?

11/11/2016 14:54 PM | Xã hội

Các doanh nghiệp đã làm gì với gần 10.000 tấn gạo và hàng trăm container gạo Việt xuất sang Mỹ và Nhật,… bị trả về do vượt mức dư lượng thuốc BVTV cho phép? Liệu chúng có bị tiêu hủy?

Theo Cục chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), tình trạng gạo Việt Nam bị các thị trường trả về ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật.

Ước tính trong vòng 4 năm qua, khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam xuất sang đã bị Mỹ trả về. Nguyên nhân là do một số dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép.

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài thị trường Mỹ thì gạo Việt Nam cũng từng nhiều lần bị Nhật Bản trả về do không đảm bảo chất lượng theo quy định.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là danh sách các DN này không được tiết lộ. Các lô hàng bị trả về sẽ xử lý ra sao thì không ai biết!

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo cho rằng, thực tế, nhiều DN có thể lựa chọn cách tiêu hủy những sản phẩm bị trả về song rất tốn kém. Do đó, nhiều khả năng các lô gạo bị trả về sẽ được DN tuồn vào tiêu thụ nội địa bằng nhiều cách.

Căn cứ đưa ra những ngoài nghi này theo ông Xuân là trước đó, các mặt hàng khác của Việt Nam bị trả về như tôm, cá tra, cá basa… cũng được chính DN đem tiêu thụ nội địa.

"Các DN không bao giờ chấp nhận mất cả chì lẫn chài nên bằng mọi cách sẽ đưa gạo quay trở lại trong nước và bán thị trường nội địa", chuyên gia này cho hay.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) - Nguyễn Như Tiệp, những sản phẩm xuất khẩu bị trả về có cơ chế để xử lý.

Cụ thể, những lô hàng đó sẽ được kiểm định lại, nếu dư lượng chất kháng sinh hay hóa chất khác vượt mức cho phép phải tiêu hủy, không vượt ngưỡng thì DN có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, việc giám sát nguồn hàng này chưa thực sự chặt chẽ. Hiện Cục cũng đang phối hợp với các DN để tìm ra giải pháp kiểm soát, quản lý một cách hiệu quả hơn.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM