Chiến tranh thương mại = Khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới?
Nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, điều đó có thể "tác động trực tiếp và rất tiêu cực đến toàn thế giới, đặc biệt là với châu Âu và Eurozone", theo Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire.
Le Maire cho rằng trận chiến thuế quan, khởi đầu hồi năm ngoái, đã vượt ra ngoài hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trò chuyện với CNBC vào cuối tuần qua tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 ở Fukuoka, Nhật Bản, ông nói rằng châu Âu đang thể hiện tồi tệ hơn so với bình thường do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.
Cụ thể, ông đã chỉ ra các nền kinh tế Pháp và Đức là những ví dụ về các trường hợp bị "dính đạn" trong trận chiến này.
"Chúng ta hiện không có được những con số tăng trưởng mà lẽ ra phải có, vì những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Le Marie nói.
"Tôi muốn nói rất rõ rằng một cuộc chiến thương mại cũng đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu", ông nói với CNBC.
Le Maire nói rằng trong một cuộc họp gần đây với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, ông này cho biết muốn tránh leo thang chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc gặp rất được mong đợi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này.
Một sự khác biệt rõ ràng
Khi được hỏi liệu Pháp sẽ tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Mỹ, cấm thiết bị mạng thế hệ tiếp theo từ gã khổng lồ trong ngành viễn thông Trung Quốc, Huawei, hay không, Le Maire trả lời rằng đó không phải là chuyện về công ty cụ thể này. Thay vào đó, đất nước của ông tập trung vào bức tranh lớn hơn, đó là đảm bảo chủ quyền quốc gia ở Pháp.
Ông nói thêm rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc sử dụng công nghệ 4G của Pháp. Bất kể quyết định nào về Huawei, chính phủ Pháp cũng sẽ rất thận trọng nhằm đảm bảo rằng công nghệ 5G sẽ không gây hại cho chủ quyền hay độc lập.
Một số người cho rằng chiến dịch chống lại Huawei gần đây của Washington là một phần trong nỗ lực giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Về phần mình, Le Maire nói rằng các chính phủ không nên "trộn lẫn" những vấn đề thương mại và phi thương mại.
"Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa chủ quyền, các công nghệ chủ chốt và thương mại", ông nói.
"Thuế quan thương mại không liên quan gì đến công nghệ. Chúng tôi muốn có một sự giao dịch thương mại công bằng. Chúng tôi muốn xây dựng một giao dịch hiệu quả hơn, mà sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và vì thế chúng tôi phải tránh gây tổn thất cho các nước bằng những thuế quan mới, cũng như tránh tham gia vào một cuộc chiến thương mại", ông nói thêm.
Nhà Trắng cũng bị chỉ trích vì "trộn lẫn" thuế quan với các vấn đề phi thương mại vì những lời đe dọa đánh thuế Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm để tìm kiếm sự ủng hộ về vấn đề nhập cư.
Trong khi đó, ông Mnuchin lại bảo vệ cách tiếp cận của Trump, và khi được hỏi liệu thương mại có thể được sử dụng làm vũ khí một lần nữa trong các tranh chấp phi thương mại hay không, ông đã nói rằng "tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng tôi có tất cả những công cụ này, và chúng tôi đang sử dụng chúng".
Còn về chuyện Huawei, vị Bộ trưởng Tài chính này đã tuyên bố rằng các hành động của Mỹ không phải là về vấn đề thương mại - nhưng cho rằng ông Trump có thể giảm bớt những hạn chế cứng rắn mà Mỹ đã dành cho công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này sau khi cảm thấy hài lòng về vấn đề thương mại.