‘Chiến thần review’, ‘Nữ hoàng livestream’ đều đã hết thời ở Trung Quốc, chính những ‘ông già bà cả’ mới là xu thế bán hàng trực tuyến hiện nay
Suốt 2 năm dịch bệnh đã khiến người già Trung Quốc buộc phải làm quen với công nghệ, nhưng chính điều này đã khiến họ phát hiện ra thế giới mới, mở ra cơ hội giao tiếp xã hội cũng như kinh doanh.
Tại Trung Quốc, những “Nữ hoàng livestream” Vi Á hay “Ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ đều từng bị điều tra tội trốn thuế và phải có thời gian ở ẩn. Trong khi Vi Á không thể quay lại ngành thì Lý Giai Kỳ dù có bán hàng trở lại cùng gặp nhiều trắc trở vì vết nhơ trốn thuế.
Theo tờ Sixth Tone, thời của những ông hoàng, nữ hoàng, chiến thần bán hàng giờ đã qua khi chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý kinh doanh online. Tuy nhiên đây lại là khoảng thời gian hoàng kim của những “ông già bà cả” lên mạng livestream.
Chuyện nghe như đùa nhưng với dân số lão hóa nhanh, ngày càng nhiều người độc thân có tuổi thèm được giao tiếp, mua sắm qua mạng hoặc kiếm người đồng điệu sở thích với mình đã khiến lượng người già dùng mạng xã hội tăng mạnh ở Trung Quốc.
Người nổi tiếng
Tại một nhà hàng cao cấp trung tâm thành phố Nanjing, cô Li Yaozhu đang quay phim giúp cho mẹ mình, nay đã 83 tuổi, để làm một video đăng lên mạng xã hội.
Ngồi bên cửa sổ, mẹ của cô Li đang thắt một chiếc khăn Hermes bằng lụa hạng sang. Sau đó cô sẽ chỉnh lại video để đăng lên mạng cho mẹ.
Mẹ của cô Li dù là một nhân viên ngành thời trang đã nghỉ hưu nhưng với con mắt thẩm mỹ của mình, bà vẫn thu hút được lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội.
Bản thân cô Li cũng bắt đầu quay các video về cuộc sống, thời trang, sở thích của mẹ mình từ năm 2020. Ban đầu đây chỉ là những thú vui giết thời gian trong mùa dịch nhưng với độ nổi tiếng lan nhanh, công việc này bắt đầu trở thành thói quen, thậm chí là cơ hội kinh doanh cho gia đình.
Hiện tài khoản mạng xã hội trên Xiaohongshu của mẹ cô Li đã có gần 70.000 lượt theo dõi với vô số người chờ đợi những video mới ra lò. Đây là nền tảng mạng xã hội nhưng cũng là một cổng thương mại điện tử nổi tiếng tại Trung Quốc.
“Mẹ tôi chẳng biết tên thương hiệu là gì hay giá của nó là bao nhiêu cả. Thế nhưng bà lại có gu thẩm mỹ rất tốt, khiến vô số người theo dõi muốn được nhìn thấy những bộ thời trang mà bà phối đồ hàng ngày”, cô Li nói.
Tờ Sixth Tone cho biết những người già cả như mẹ cô Li hiện đang tràn ngập trang mạng xã hội kiêm thương mại điện tử Xiaohongshu vài tháng trở lại đây, đánh dấu thời hoàng kim của những người bán hàng lớn tuổi tại Trung Quốc đã đến.
Nền tảng Xiaohongshu có khoảng hơn 200 triệu người dùng nhưng ứng dụng này thường chỉ nhắm đến giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ thích kết hợp mạng xã hội với mua sắm. Thế nhưng mọi thứ đang dần thay đổi khi tầng lớp trung niên, người già tại Trung Quốc ngày một nhiều.
Với lượng tiền tiết kiệm lớn và cuộc sống dư dả, những đối tượng này bắt đầu quan tâm hơn đến mạng xã hội khi bị giãn cách mùa dịch. Hệ quả là ngày càng nhiều người già lên mạng và trở thành người nổi tiếng (KOL).
Thế giới mới
Trong suốt 2 năm dịch, hàng triệu người trên 60 tuổi tại Trung Quốc đã tải các ứng dụng cũng như học một số thao tác công nghệ cơ bản về giao hàng, thanh toán trực tuyến, điều mà trước đây họ chẳng muốn làm vì quá khó.
Vì yêu cầu mua hàng không tiếp xúc hoặc liên quan đến xét nghiệm Covid, tiêm chủng vaccine nên những người già này bắt buộc phải thành thạo với công nghệ.
Thế nhưng chính điều này lại khiến tầng lớp cao tuổi phát hiện ra cả một thế giới mới trên Internet, kích thích làn sóng quay phim, đăng ảnh hay thậm chí livestream.
Số liệu của Xiaohongshu cho thấy lượng nội dung của chủ tài khoản trên 50 tuổi đăng lên mạng xã hội này đã tăng hơn 100% trong 12 tháng qua.
Giáo sư Zhu Qin của trường đại học Fudan cho biết các mạng xã hội như Xiaohongshu thu hút người già là bởi họ có cơ hội được giao tiếp với mọi người, từ giới trẻ cho đến người cao tuổi. Đây là sức hút không thể cưỡng lại với những người lớn tuổi vốn đang khát được giao tiếp, nhất là trong mùa dịch.
Điều này cũng là nguyên nhân khiến lượng bài đăng của người già Trung Quốc tăng mạnh, đồng thời lượng tương tác cũng bùng nổ.
“Những người có tuổi thường cô đơn và điều này khuyến khích họ lên các nền tảng xã hội để giao tiếp với mọi người”, giáo sư Zhu nói.
Bên cạnh đó, mức sống tăng cùng với lượng tiền tiết kiệm khá dồi dào của những người già Trung Quốc đã khiến Xiaohongshu phải thay đổi cách nhìn so với việc chỉ tập trung vào giới trẻ trước đây.
“Mọi người ngày nay đều có cuộc sống tốt hơn, kể cả với người già. Mức sống được nâng lên khiến những người cao tuổi ngày càng khát khao được giao tiếp với mọi người”, phát ngôn viên của Xiaohongshu nhận định.
Truyền cảm hứng và bán hàng
Quay lại với câu chuyện mẹ của chị Li ở Nanjing, giờ đây bà thường quay 2 video mỗi tuần về rất nhiều chủ đề, từ cuộc sống hàng ngày cho đến những sở thích cá nhân.
Chị Li cho biết có rất nhiều bình luận tích cực về những video của mẹ mình khi giới trẻ cảm thấy yêu đời hơn.
“Có rất nhiều bạn trẻ bị áp lực cuộc sống, chịu đựng chứng trầm cảm nhưng được giải tỏa khi chứng kiến những gì người già chúng tôi có thể làm được. Những điều này giúp họ hồi phục và là việc có ích cho xã hội”, cụ Lin Wei, một người dùng mạng xã hội Douyin cho biết.
Theo thống kê, phần lớn những người theo dõi các tài khoản KOL lớn tuổi trên Douyin lại là thế hệ thanh thiếu niên 18-24 tuổi. Hầu như mọi người đều háo hức khi các cụ già sinh sống, thể thao, thử những thứ mới ở độ tuổi của họ. Những nội dung này không chỉ khơi dậy ý chí sống, làm việc của giới trẻ mà còn truyền tải những thông điệp nhân văn về cuộc sống.
Tất nhiên, sự nổi tiếng cũng đi kèm với cơ hội kinh doanh. Ngay khi tài khoản của mẹ cô Li nổi tiếng thì nhiều đại diện, môi giới trong ngành kinh doanh trực tuyến đã đến tiếp xúc gia đình cô. Tuy nhiên họ đều bị từ chối.
“Tài khoản Xiaohongshu như một cuốn nhật ký online của mẹ tôi vậy, nó mang tính riêng tư khá lớn. Nếu tôi kết hợp với đội ngũ làm truyền thông bán hàng thì mọi thứ sẽ thay đổi, chẳng còn gì là tự nhiên nữa. Thế rồi cuộc sống làm thương mại điện tử cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của gia đình”, cô Li nói.
Tất nhiên, cô Li cũng biết cách kiếm chút lợi từ tài khoản có lượng lớn người theo dõi này khi mỗi chủ nhật lại livestream vài giờ, giới thiệu một số sản phẩm như quần áo, trang sức...
Mặc dù vậy, cô Li cho biết việc livestream không phải mục đích kiếm lợi nhuận mà giao lưu với người hâm mộ là chính.
Theo các dự báo, số người trên 60 tuổi tại Trung Quốc sẽ tăng từ 280 triệu năm 2022 lên 402 triệu người năm 2040. Thậm chí lượng người dùng Internet hiện nay tại Trung Quốc chủ yếu là tầng lớp trung niên và cao tuổi chứ không phải giới trẻ.
Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã phải yêu cầu các website lớn thiết kế sao cho thân thiện với người già, như làm chữ to rõ hơn, bôi đậm cho dễ đọc...
Một cuộc khảo sát cùng năm cũng cho thấy 51% số người trung niên và cao tuổi dùng Internet hơn 4 tiếng mỗi ngày, cao hơn mức bình quân của mọi lứa tuổi trên toàn quốc.
Thậm chí, một mạng xã hội dành riêng cho người già mang tên Meipian cũng đã được thành lập với khoảng 200 triệu người dùng, một nửa trong số đó trên 45 tuổi.
“Tôi rất hạnh phúc khi có những mạng xã hội như vậy. Những video tôi đăng tải sẽ là tải sản vô giá với gia đình khi mẹ tôi qua đời. Nhờ đó mà tôi sẽ có vô số ngày kỷ niệm với mẹ mình”, cô Li cho biết.
*Nguồn: Sixth Tone