Chiến binh của tuyển nữ Việt Nam: Khi "nàng Kiều" biết đá bóng, mơ World Cup và câu nói "hết hồn" của bố mẹ khi thấy máu đỏ trên đùi con gái
Chương Thị Kiều sinh năm 1995. Sau chung kết SEA Games 30 tối 8/12, người hâm mộ tự hào gọi cô là "chiến binh" khi thi đấu lăn xả với đùi rớm máu, để rồi khi hạnh phúc nằm lại phần nhiều trên sân là nỗi đau âm ỉ bởi vết thương chưa lành.
Chương Thị Kiều cùng đội tuyển nữ Việt Nam “đóng quân” tại khách sạn Century Park, cách SVĐ Rizal Memorial chưa đầy 500m. Hẹn gặp cô gái sinh năm 1995 sau một đêm khó ngủ không khó nhưng phải lên tận phòng mới được gặp gỡ.
Cô gái 24 tuổi ấy không thể đi xuống sảnh khách sạn, không được đi đâu chơi khi đùi vẫn còn đau âm ỉ, chẳng thể mặc quần dài vì sẽ cọ xát vào vết thương. Cả cuộc phỏng vấn, hình ảnh cô gái phải giữ nguyên tư thế ngồi nghiêng nghiêng sang một bên nhưng vẫn dư dả niềm vui đã để lại nhiều cảm xúc.
Đáng lẽ được đi chơi ở Manila sau khi giành HCV SEA Games nhưng Chương Thị Kiều phải ở lì trong phòng do vết thương ở đùi còn đau âm ỉ. Ảnh: Hiếu Lương.
Cuộc gọi điện sau tấm HCV SEA Games 2019
- Phóng viên: Xin chào Kiều, vết thương của bạn giờ thế nào rồi?
Chương Thị Kiều: Hiện tại, tôi vẫn còn cảm thấy đau và hơi nhức, nhức nhiều hơn cả khi còn đá trên sân.
- Bị trầy xước như vậy, da lại xấu đi một chút có thấy buồn bã?
Lúc bị thương thấy chị em hô hào thì cảm thấy nhiều động lực. Khi ấy, tôi nghĩ không thể bỏ đồng đội mà đi ra ngoài được. Thấy mọi người trên sân là muốn cố gắng cùng nhau thi đấu.
Về rồi thì cũng chạnh lòng, tủi thân vì chấn thương chứ. Con gái có ai thích sẹo. Con gái chơi bóng đá thì tránh sao được sẹo nhiều. Tôi theo bóng đá vì đam mê. Đam mê thì không thể chọn lựa.
- Thế nhưng, vết thương kiểu này có nhằm nhò gì với những lần khác trong sự nghiệp của Kiều không?
Hồi trước, tôi còn bị đứt dây chằng đầu gối cơ. Tôi không sợ chấn thương khiến mình phải nghỉ thi đấu, không thể nào vì sợ mà bỏ đam mê được. Có đau tôi cũng chữa trị và thi đấu được.
- Ở nhà, bố mẹ Kiều xem trên TV, thấy con gái thi đấu như vậy có nhắn nhủ điều gì sau trận?
Sau chiến thắng tối qua, tôi gọi về cho bố mẹ và anh chị em ở nhà đầu tiên. Bố mẹ nói "trời ơi, xót quá, trời ơi, mày đá thế này tao ở nhà muốn chết" (cười). Còn anh chị em ở nhà thì chỉ hỏi xem vết thương có sao không rồi động viên nhiều thôi.
Ở tuổi 24, Chương Thị Kiều đeo băng đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam thay cho đàn chị Huỳnh Như phải rời sân vì bị căng cơ. Ảnh: Tiến Tuấn.
- Thế trước đây bố mẹ có phản đối nhiều về việc Kiều chọn đi đá bóng không?
Hồi bé, tôi đi thi bơi ở tỉnh Kiên Giang, cũng từng giành huy chương nhưng chỉ thi đấu được hai lần. Rồi một chị chơi bóng đá thấy mình, thấy cả hoàn cảnh khó khăn nên rủ lên chơi cùng.
Mẹ thì đồng ý, bố thì không vì con gái, còn trẻ, sợ lên TPHCM không biết gì nên không cho đi. Lúc đấy, tôi phải xin bố nhiều lắm. Hồi xưa nhà nghèo, ăn uống ít nên cũng cho đi theo thể thao. 11 tuổi tôi lên TPHCM và theo bóng đá từ đấy.
- Giờ gia đình đã ổn định hơn về kinh tế chưa?
Mỗi lần về quê, tôi vẫn phụ gia đình làm việc nhà hay đi làm ruộng là nhiều. Bóng đá ở trên sân thì chơi hết sức, về nhà cũng vậy.
Tôi lên đội tuyển quốc gia thì còn có thêm nhiều tiền. Nếu chỉ thi đấu ở CLB (TPHCM) thì chỉ đủ ăn uống, gửi về cho gia đình là hết. Dù sao vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác.
Cô gái này được gọi là chiến binh của đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết SEA Games 2019 với người Thái. Ảnh: Hiếu Lương.
Mơ được dự World Cup nên chưa nghĩ tới chuyện có bạn trai
- Kiều có thể kể lại một ngày điển hình của cầu thủ nữ như mình không?
(Cười) Sáng vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Sau 1 tiếng rưỡi, tôi đi tập ít nhất 2 tiếng rồi về tắm rửa ăn cơm trưa. Xong có thời gian thì ngủ, chiều lại đi tập, tập xong lại ăn cơm. Sau bữa tối là đi ngủ, hết một ngày.
- Nghe chừng có vẻ nhàm chán nhỉ?
Ban đầu thì nhàm chán thôi chứ lâu thành quen. Ngày xưa, tôi ở chung với các chị, chơi ít mà tập luyện nhiều. Có hôm tập xong không tắm mà đi ngủ luôn. Nhưng hồi xưa mê tập luyện lắm, cảm thấy thích lắm, tập không ngủ cũng được. Nhiều hôm tập mệt quá ngủ luôn. Giờ thì ít thích rồi.
- Tập luyện, thi đấu đằng đẵng như vậy chắc quên luôn cả chuyện yêu đương mất?
Hiện tại, tôi chưa có người yêu, chưa tính đến chuyện kết hôn. Tôi chưa từng nghĩ đến những việc ấy vì còn bận tập trung nhiều hơn việc khác. Một ngày có 24 tiếng thì đã dành một nửa cho tập luyện rồi, còn lại là ăn ngủ. Bạn bè cũng không đi chơi nhiều. Tôi cũng chưa tính chuyện xa xôi, hiện tại chỉ biết cố hết sức cho bóng đá thôi.
- Kiều sinh năm 1995, cũng bằng tuổi Công Phượng, Xuân Trường,… Có bao giờ Kiều thấy ghen tị với những gì các bạn ấy đạt được?
Có chứ. Là con gái, mình phải lo nghĩ nhiều chuyện khó nói. Thanh xuân thì ngắn hơn con trai lại ít được quan tâm hơn. Con trai thì được đi đây đi đó, tới nhiều nơi. Bóng đá nữ thì ít được thế nên cũng thấy hơi buồn.
Hồi trước, người hâm mộ bóng đá nữ ít còn giờ đã khác. Tôi cũng thấy bản thân phải tốt lên, mỗi ngày phải tiến bộ hơn một chút. Tôi hy vọng các đồng nghiệp của mình cũng nghĩ vậy để CĐV nhìn vào và cổ vũ cho mình nhiều hơn. Mình có thành tích thì mọi người cũng chú ý đến nhiều hơn.
- Vậy sau tấm HCV SEA Games 2019, Kiều hướng tới điều gì tiếp theo?
Tôi và các đồng đội, cùng bác Chung (HLV Mai Đức Chung) đều mong muốn đội tuyển nữ Việt Nam một lần được dự World Cup.
- Xin cảm ơn Kiều về cuộc phỏng vấn. Chúc Kiều thành công cùng bóng đá nữ Việt Nam!
Chương Thị Kiều sinh năm 1995 tại Kiên Giang. Cô lên TPHCM học đá bóng từ năm 11 tuổi và sớm được thi đấu chuyên nghiệp từ năm 15 tuổi. Năm 16 tuổi, Kiều đã được đôn lên ĐTQG và giờ trở thành trụ cột khó thay thế ở trung tâm hàng phòng ngự.
Kiều từng giành HCB SEA Games 2013, HCV SEA Games 2019. Năm 2017, cô lỡ hẹn SEA Games vì chấn thương. Cô gái này còn từng giành Quả bóng bạc Việt Nam năm 2016 và cùng CLB TPHCM giành chức vô địch quốc gia năm 2015.
Hậu vệ Chương Thị Kiều chia sẻ về việc miệt thị giới tính trong bóng đá nữ.