Chiến binh áo trắng Yên Bái trong "tâm dịch" Bắc Giang: Xác định "chiến đấu" đến khi hết dịch mới về

21/05/2021 21:32 PM | Xã hội

Khi biết tin tỉnh Bắc Giang cần nhân viên y tế hỗ trợ, bác sĩ Tiến tại Yên Bái không một chút do dự khi điền tên tham gia chi viện cho tỉnh bạn.

Cuộc chiến kẻ thù sẽ còn kéo dài

Những ngày hè tháng 5, Bắc Giang đã trở thành "tâm dịch" của cả nước với số ca mắc liên tục tăng. Biết được tỉnh Bắc Giang thiếu thốn nhân lực BSCKII Lê Đình Tiến, Trưởng đoàn công tác của Yên Bái đã xuống Bắc Giang chi viện chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Tiến trên có mẹ già ngoài 80 tuổi, dưới còn nuôi 1 người con khuyết tật bẩm sinh, thế nhưng anh không chút do dự, nhanh chóng điền tên mình vào danh sách tham gia.

Đoàn có 15 người thì 10 cán bộ làm công tác truy vết, 5 cán bộ còn lại đến các điểm dịch lấy mẫu xét nghiệm."Cũng như những cán bộ của CDC Bắc Giang, nhóm nhân viên y tế của Yên Bái làm việc từ sáng đến đêm. Mấy hôm đầu chưa quen nên mọi người có chút mệt, thậm chí bị say nắng. Thế nhưng ai cũng tràn đầy nhiệt huyết và không hề kêu ca nửa lời. 

Tôi thường động viên mọi người: Các tỉnh bạn "binh hùng, tướng mạnh", họ tăng cường hàng trăm người. Mình tỉnh nghèo, quân ít, lực yếu nên anh em càng phải cố gắng nhiều hơn", BS Tiến chia sẻ.

Chiến binh áo trắng Yên Bái trong tâm dịch Bắc Giang: Xác định chiến đấu đến khi hết dịch mới về - Ảnh 1.

15 y bác sĩ tỉnh Yên Bái chi viện cho Bắc Giang.

KTV Mai Thị Dung (sinh năm 1997, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) chia sẻ, "Các anh chị ở CDC Bắc Giang làm việc từ đầu đợt dịch đến nay mới mệt, chúng em vừa lên tham gia được mấy ngày đã ăn thua gì đâu. 

Mà quyết định lên đường của chúng em cũng ghi rõ rồi: "Đến khi tỉnh Bắc Giang kiểm soát được tình hình dịch bệnh mới trở về". Thế nên chúng em xác định tâm lý và sẵn sàng chiến đấu lâu dài rồi", Mai Dung nói.

Trước khi xuống Bắc Giang cô gái trẻ đã lường được những gian khổ, hiểm nguy khi vào tâm dịch. Thế nhưng Dung cũng như 13 anh còn lại trong đoàn ai cũng đồng lòng, đồng sức với quyết tâm cao nhất giúp tỉnh bạn sớm khống chế dịch bệnh.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết: "Chúng tôi rất cảm ơn tấm lòng của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Yên Bái. Sự hỗ trợ của lực lượng y tế tỉnh bạn lúc "nước sôi lửa bỏng" là rất cần, rất quý. Không có sự chi viện kịp thời của Yên Bái và các địa phương là Bắc Giang làm không xuể, công tác dập dịch cũng sẽ khó khăn hơn".

Được biết, đến thời điểm này đã có 5 tỉnh thành chi viện cho tỉnh Bắc Giang về nhân sự để chống dịch COVID-19 gồm: 200 y bác sĩ Quảng Ninh; 250 cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương; "Đội đặc nhiệm" của Hà Nội gồm 20 cán bộ, y, bác sĩ và chuyên gia; 15 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên "tốt nhất có thể" của ngành y tế Yên Bái và 51 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của tỉnh Thái Nguyên.

Hỗ trợ Bắc Giang 2.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm

Đến thời điểm này chúng tôi đang kiểm soát tốt tình hình, ngoài 1 ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung thì trên toàn tỉnh chưa có bất cứ ca F0 nào khởi phát hoặc lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối với Bắc Giang, do dịch Covid-19 bùng phát trong khu công nghiệp, tốc độ lây nhiễm nhanh, nên một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải truy vết thần tốc và xét nghiệm nhanh trên diện rộng để sớm khoanh vùng, dập dịch; chỉ cần phát hiện sớm được 1 ca F0, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người khác".

Với tinh thần đó, dù chưa nhận được đề nghị nhưng tỉnh Yên Bái đã quyết định lựa chọn từ 5 đơn vị trong ngành y tế (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC và 3 Trung tâm y tế cấp huyện) để cử một đoàn cán bộ đến tham gia cùng các lực lượng phòng chống dịch tại Bắc Giang.

Ngoài hỗ trợ về con người, tỉnh Yên Bái cũng hỗ trợ 2.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm realtime PCR xét nghiệm SARV-CoV-2 trị giá khoảng 1 tỉ đồng cho tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác xét nghiệm.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM