Video Trung Quốc đưa tàu lên sao Hỏa bị nghi "copy" clip năm 2011 của NASA đến từng khung hình
Tuần trước, Trung Quốc vừa làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa thành công.
Tuy nhiên, một số hình ảnh được sử dụng trong sự kiện này hiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận, sau khi một số cư dân mạng phát hiện nhiều điểm trùng hợp với một video cũ của NASA .
Cụ thể, theo Newsweek, sau khi tàu thám hiểm Chúc Dung của Trung Quốc đáp thành công lên sao Hỏa , truyền thông của nước này đã đăng tải đoạn video tóm tắt các bước quan trọng trong quá trình này - bao gồm việc tàu đổ bộ tách khỏi tàu bay theo quỹ đạo sao Hảo và đáp xuống bề mặt của Hành tinh Đỏ vào ngày 15/5, theo giờ Bắc Kinh.
Được biết, đoạn video này do Học viện thứ 5 của Tập đoàn hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) sản xuất. CASC là nhà thầu chính cho chương trình không gian do Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) điều hành.
Đoạn video so sánh từng khung hình trong 2 đoạn clip minh họa quá trình đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa của Trung Quốc và NASA
Khi theo dõi video nói trên, một số cư dân mạng quốc tế đã phát hiện nhiều điểm tương đồng giữa đoạn video do phía Trung Quốc công bố và đoạn video minh họa do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) sản xuất vào năm 2011.
Đoạn video do JPL phát hành là bản minh họa dự đoán quá trình đưa tàu thám hiểm Curiosity lên sao Hỏa vào tháng 8/2012. Mặc dù chất lượng hình ảnh trong video của Trung Quốc năm 2021 sắc nét hơn, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm giống nhau từ hiệu ứng, bố cục, thời gian cho đến ánh sáng trong hai đoạn video.
Một số người dùng mạng xã hội của Trung Quốc đã bày tỏ sự bức xúc và cáo buộc đây là một sản phẩm "đạo nhái".
Trong khi đó, người phát ngôn của NASA cho biết: "Hình ảnh của NASA được cung cấp miễn phí cho công chúng" - và không bình luận gì thêm về nghi vấn đạo nhái.
Newsweek đã liên hệ với CNSA nhưng chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan này./.
(Theo Newsweek)