Chiếc xe điện này như một cái cây di động: đi đến đâu, làm sạch không khí đến đó, phát thải dưới 0

11/11/2022 16:08 PM | Kinh doanh

Nếu một nhóm 35 sinh viên có thể thiết kế, phát triển và chế tạo một chiếc xe không phát thải trong vòng một năm, thì không thiếu cơ hội và tiềm năng cho cả một ngành rộng

Mơ ước một ngày nọ sẽ không còn phải chạy sau đuôi những chiếc ô tô thở khói đen sẽ sớm trở thành sự thật nhờ mẫu xe điện đặc biệt này. Một nhóm 35 sinh viên trường Đại học Công nghệ Eindhoven ở Hà Lan đã tạo ra chiếc xe điện ZEM (viết tắt của ‘Zero Emission Mobility’, tức ‘xe không phát thải’) và chạy thử nghiệm thành công ở Mỹ. Đây là một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện. Đặc biệt, xe có thể vừa chạy vừa hút khí CO2.

Phát thải các-bon âm, thu nhiều hơn thải

Ban đầu, nhóm sinh viên có tên TU/ecomotive này chỉ định tạo ra một chiếc xe phát thải bằng không. Nhưng họ đã đi xa hơn thế và phát triển một tấm lọc đặc biệt để làm sạch không khí. Xe hấp thụ CO2 nhiều hơn phần thải ra, tức là đạt mức phát thải âm. Hai tấm lọc được lắp trên ga-lăng trước sẽ giữ lấy các-bon từ luồng không khí ùa vào.

Chiếc xe điện này như một cái cây di động: đi đến đâu, làm sạch không khí đến đó, phát thải dưới 0 - Ảnh 1.

Nhóm ước tính, xe cứ chạy được 32.000 km thì hai tấm này hấp thu được khoảng 2 kg CO2. Nghe thì có vẻ không nhiều nhưng mười chiếc ZEM có thể hấp thu số lượng CO2 ngang ngửa với một cái cây bình thường. Chưa kể, nếu một tỉ chiếc xe con trên thế giới có thể áp dụng công nghệ này thì sẽ không khác gì một khu rừng di động. Nhóm sinh viên đang làm thủ tục cấp bằng sáng chế cho tấm lọc này, đồng thời có kế hoạch nâng cao năng suất hấp thụ trong vài năm tới.

Sinh ra từ tái chế, hết vòng đời lại được tái chế tiếp

Ngoài khả năng lọc không khí, ZEM còn là một mẫu xe rất ‘xanh’ trong suốt vòng đời sử dụng. Thiết kế xe mang phong cách thể thao, thấp thoáng nét hòa trộn giữa roadster của Tesla và coupe Alfa Romeo. Vẻ ngoài sành điệu nhưng nguyên liệu làm ra lại rất thân thiện. Phần lớn các bộ phận (ví dụ như thiết kế khung và vỏ nguyên khối) đều được in 3D từ nhựa tái chế. Nhờ công nghệ in 3D, bộ phận cấu thành sẽ được tạo ra với kích thước và hình dạng chính xác y như thiết kế. Không cần phải cắt, xén từ tấm nguyên liệu có sẵn gây ra các mẩu thừa, từ đó tránh được phung phí rất lớn.

photo-1668151156245

Nhóm TU/ecomotive cùng thành quả của mình.

Vỏ ghế xe làm từ giả da thực vật, cụ thể là lá dứa. Hết vòng đời, chúng có thể lại được tái chế tiếp. Tấm pin mặt trời lắp trên nóc đóng góp 15% năng lượng cho xe.

BMW mới đây cũng tuyên bố dùng nhựa tái chế từ lưới bắt cá trong quá trình sản xuất dòng xe điện NEUE KLASSE nhằm giảm thải tới 25%. Điều đó cho thấy đây có vẻ là một xu hướng mới trong chế tạo xe điện.

Công nghệ sạc-xả hai chiều

ZEM chạy bằng pin Li-ion của Cleantron, đi được 320 km sau mỗi lần sạc đầy. Ngoài ra, xe còn sử dụng công nghệ sạc-xả hai chiều, tức có thể trở thành một nguồn cung cấp điện cho hộ gia đình khi cần. Và đây là nguồn điện ‘sạch’ nhờ tấm pin mặt trời lắp trên nóc xe. Chỉ cần lật tấm biển xe lên là có thể cắm sạc.

photo-1668151166221

Nhờ đó, ngay cả khi không chạy, ZEM vẫn làm được điều gì đó ‘có ích’ cho môi trường xung quanh.

Tiềm năng của xe điện hút các-bon

Hấp thụ CO2 là bước tiên quyết để bù đắp lượng khí thải trong quá trình sản xuất và tái chế. Nhóm TU/ecomotive hy vọng mẫu xe điện hút các-bon này sẽ mở ra một xu thế mới trong ngành. Nikki Okkels, trưởng nhóm quan hệ công chúng chia sẻ: "Chúng tôi muốn nhắc khéo toàn ngành ô tô, cho người ta thấy được tiềm năng. Nếu một nhóm 35 sinh viên có thể thiết kế, phát triển và chế tạo một chiếc xe không phát thải trong vòng một năm, thì không thiếu cơ hội và tiềm năng cho cả một ngành rộng".

Vừa qua, xe điện ZEM đã thực hiện một tour chạy thử ba tháng San Francisco, Mỹ với điểm đến là các trường đại học và công ty.

Từ nhiều năm nay, công nghệ hấp thụ các-bon luôn được ưu tiên vì các quốc gia lẫn doanh nghiệp đều mong muốn giảm phát thải. Công nghệ này hiện đang chủ yếu được dùng trong ngành lọc dầu. Trong khi đó, tại các nước phát triển, giao thông và vận chuyển lại là nguyên nhân sinh ra nhiều khí nhà kính nhất, trong đó 60% phát thải đến từ xe con. Giao thông và vận chuyển cần những công nghệ thế này hơn bao giờ hết. Nếu đội ngũ của ZEM có thể tìm được sự hợp tác từ chính phủ hay doanh nghiệp, thì không những giải quyết được vấn đề vốn mà còn có thể mang mẫu xe tới thị trường đại chúng và tạo ra một sự thay đổi lớn lao.

Tham khảo từ: TU/ecomotive

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM