Chiếc hồ lớn nhất thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, và mọi chuyện có lẽ đã quá muộn để thay đổi
Vấn đề nằm ở chỗ, chuyện này đã luôn bị bỏ qua bởi công chúng và cả cộng đồng khoa học. Và rồi, mọi thứ đã quá muộn để thay đổi.
Chúng ta hẳn đã biết biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào với đại dương. Tuy nhiên, quy mô ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở đó. Sâu trong đất liền, mọi thứ cũng đang diễn ra theo chiều hướng xấu!
Nhiệt độ Trái đất nóng lên khiến các dòng sông băng tan chảy, đẩy nước ngọt ra ngoài đại dương. Cộng thêm hạn hán, những chiếc hồ và hồ nước mặn trong lục địa đang mất dần lượng nước quý giá của mình. Như Biển Caspian là một ví dụ.
Dù tên là biển, nhưng Caspian thực chất là một cái hồ, thậm chí là hồ lớn nhất thế giới. Và theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên Communications Earth & Environment, chiếc hồ ấy đang bị hủy hoại trầm trọng.
Các chuyên gia cho biết, lượng nước mặn trong Biển Caspian sẽ giảm khoảng 9 - 18m vào cuối thế kỷ 21, nếu như tình trạng phát thải vẫn tiếp tục gia tăng. Đây là mức giảm khổng lồ, có thể khiến gần như toàn bộ bờ phía bắc và một phần phía đông nam của Caspian biến mất. Khu vực phía đông cũng có thể khô cạn toàn bộ.
Trong bối cảnh tệ nhất - mực nước giảm tới 18m, các mô hình nghiên cứu cho thấy ít nhất 34% bề mặt của hồ sẽ thu lại, tạo ra một cơn khủng hoảng sinh thái toàn diện. Tuy nhiên, ý thức của công chúng hoàn toàn không để tâm đến sự việc này, kể cả trong cộng đồng khoa học.
Trên thực tế, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã không để ý gì đến việc những chiếc hồ trong lục địa bị khô cạn do tác động của biến đổi khí hậu. Liên hợp Quốc (UN) cũng không đưa vấn đề này vào trong những mục tiêu phòng chống của mình.
"Việc ngó lơ hiện tượng này có thể ảnh hưởng rất mạnh, với khả năng tàn phá tương đương với việc mực nước biển toàn cầu gia tăng, đe dọa sự sống của hàng triệu người trên thế giới," - tác giả bài viết cho biết.
Biển Caspian có kích cỡ rất lớn - khoảng 371.000 km2 cùng nồng độ muối khoảng 1,2%. Đó là lý do vì sao nó được gọi là biển, dù thực chất chỉ là một cái hồ. Nhưng nếu không sớm can thiệp, Caspian sẽ dần dần rút gọn chỉ thành một cái hồ đúng nghĩa.
Tác giả bài báo nhận định nếu không có gì thay đổi, tác động đến môi trường sẽ là rất lớn. Hệ sinh thái trong hồ vốn rất đặc biệt, và nó sẽ gây ảnh hưởng đến các loài cá, chim và hải cẩu. Các "vùng chết" (dead zone) sẽ sớm xuất hiện do nhiệt độ ngày càng tăng khiến nồng độ oxy trong nước thất thoát, giống như những gì xảy ra tại một số đại dương trên thế giới.
Hệ quả kinh tế cũng sẽ là rất lớn. Nền kinh tế địa phương phụ thuộc rất nhiều vào ngư nghiệp và giao thương qua biển Caspian, và giờ họ sẽ thấy tổn hại rất nhiều.
Quan trọng nhất là đây sẽ không phải vấn đề của riêng biển Caspian. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mực nước trên các hệ thống hồ toàn cầu đang giảm đi. Nguyên nhân cũng vì biến đổi khí hậu.
Có lẽ đã quá muộn
Theo các nhà khoa học đánh giá, tình hình của biển Caspian có lẽ đã là quá muộn để thay đổi nếu chỉ dựa vào việc giảm khí phát thải. Hiện tại, lượng nước đã giảm đi với tốc độ 6 - 7cm mỗi năm. Do đó, sẽ cần đến những nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ trong khu vực, bắt đầu từ ý thức của công chúng. Bởi lẽ trong hàng thập kỷ, việc mực nước hồ giảm trong đất liền đã không được ai để ý, kể cả các chuyên gia.
Dựa trên tình trạng của biển Caspian, tác giả nghiên cứu kêu gọi một chiến dịch ở quy mô toàn cầu nhằm gia tăng nhận thức của công chúng và cả giới khoa học về vấn đề này. Chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu rồi.
"Nhiều người thậm chí không để ý rằng những chiếc hồ đang bị co rút nghiêm trọng," - trích lời Matthias Prange, chuyên gia từ ĐH Bremen (Đức).
"Điều này cần phải thay đổi. Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu thêm về hậu quả của biến đổi khí hậu."
Nghiên cứu được công bố trên Communications Earth & Environment.