Chia tay Lingo, VMG lãi lớn và quyết định lên sàn chứng khoán

15/08/2016 15:18 PM | Kinh doanh

Lợi nhuận năm 2015 của VMG tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Website thương mại điện tử lingo.vn đã đóng cửa sau khi liên tục thua lỗ, làm ăn không hiệu quả.

Công ty cổ phần truyền thông VMG vốn là chủ sở hữu trang thương mại điện tử Lingo.vn với tỷ lệ 96%. Tuy nhiên, trong năm 2015, VMG đã bán 6,6 triệu cổ phần tại Lingo và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 25,09%. 3 triệu cổ phần còn lại được xác định có giá trị khoảng 3,74 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 so với giá gốc.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, tỷ lệ sở hữu này giảm tiếp xuống chỉ còn 20%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của VMG xác định, 3 triệu cổ phần giờ đây giá trị bằng 0, đồng nghĩa với việc Lingo đã lỗ toàn bộ số vốn của mình. Đầu tháng 8 vừa qua, trang web Lingo.vn đã chính thức đóng cửa, với lý do được đưa ra là nhà đầu tư không còn rót vốn và dự án hoạt động không hiệu quả.

Theo số liệu từ VMG, Lingo lỗ hơn 31 tỷ đồng năm 2014 và lỗ tiếp hơn 60 tỷ đồng năm 2015. Sau khi bán bớt vốn tại Lingo năm 2015, lợi nhuận VMG tăng mạnh, đạt 83 tỷ đồng, tăng gần 40% so với kết quả năm 2014.

6 tháng đầu năm nay, sau khi Lingo đã gần như không còn gì để lỗ thêm, lợi nhuận VMG đạt 40 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Mới đây, VMG đã quyết định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Công ty đã được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã ABC. VMG hiện 3 cổ đông lớn là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (28,3%), NTT Docomo Inc (24,52%) và Yellow Star Investment 6 (22,07%).

VMG hiện có 2 công ty con là Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT (Epay - dịch vụ thanh toán điện tử), Công ty cổ phần công nghệ OCG, và 1 công ty liên kết Công ty cổ phần truyền thông VNNPlus làm dịch vụ truyền thông.

Liên quan đến việc hàng loạt website thương mại điện tử phải đóng cửa thời gian gần đây do thua lỗ, ông Nguyễn Đưc Tài, CEO Thế giới Di động nhận định, có 2 vấn đề chính khiến thương mại điện tử chết yểu. Một là chi phí trả cho đối tác như Google, Facebook, trả cho các báo để đăng banner, chi phí marketing... Thứ hai là chi phí để mua khách hàng, như voucher, giảm giá... Các trang thương mại điện tử thường dùng voucher giảm giá để lôi kéo khách hàng vào trang web của mình mua hàng.

Cuối năm nay, Thế giới Di động sẽ cho ra mắt trang thương mại điện tử khác biệt hoàn toàn với 2 chuỗi thegioididong.com và dienmayxanh.com. Ông Tài cho biết, trang thương mại điện tử này sẽ hướng đến việc xây dựng cho khách hàng nơi mua bán tiện lợi, chứ không chạy đua mua quảng cáo hay voucher.

Thị trường thương mại điện tử hiện vẫn còn rất nhiều tay chơi lớn, như Adayroi, Tiki, Lazada...

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM