Maj Invest – công ty bí mật đứng đằng sau sự thất bại của Lingo.vn
Việc ra đi của Lingo là tất yếu khi nhà đầu tư là Yellow Star Invesment không còn đổ tiền vào. Tuy nhiên, cái tên của công ty nước ngoài này gần như không thể tìm thấy dù là trên Google. Bởi thực chất, một loạt các ‘Yellow Star Investment’ vốn được lập ra tại Singapore để đầu tư vào Việt Nam, và đứng sau nó là một pháp nhân khác.
Ở Việt Nam, có tới 5 công ty TNHH tư nhân mang tên Yellow Star Investment. Các công ty này cùng có điểm chung là được lập văn phòng tại Singapore, và thực hiện đầu tư vào Việt Nam.
Điểm khác duy nhất của 5 công ty này là con số cuối tên gọi. Công ty rót vốn vào CTCP Thương mại điện tử Lingo (website Lingo.vn) là Yellow Star Invesment 3.
Nhận xét về Việt Nam, Maj Invest cho biết: Lực lượng dân số trẻ khá lớn với thu nhập ngày càng tăng đang hình thành một nền tảng lực lượng tiêu dùng rất hấp dẫn. Tỷ lệ biết chữ cao cũng là tiền đề cho lực lượng lao động có kỹ năng. Hơn nữa, những nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định và cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô đã dần trở thành hiện thực. Do đó, Việt Nam đang một lần nữa trở thành điểm đến khá triển vọng cho các nhà đầu tư.
Với Lingo, Maj Invest cho rằng đây là một trong những “tay chơi” thương mại điện tử B2C hàng đầu Việt Nam với các mặt hàng chủ yếu là đồ dùng gia đình, sản phẩm gia dụng và các sản phẩm chăm sóc em bé.
Website Lingo.vn một thời.
Tháng 8/2015, Maj Invest Equity Vietnam I K/S (MIV - tên gọi cũ là LD Vietnam Invest K/S) – một trong 4 quỹ đầu tư quốc tế của Maj Invest - đã đàm phán để mua 100% cổ phần của Lingo và việc mua lại được chia thành hai đợt. Đợt 1, thông qua công ty con Yellow Star Invesment 3 để mua lại 74,9% cổ phần của Lingo từ VMG Group, tương đương vốn góp 68,6 tỷ đồng.
Đợt 2, mua nốt cổ phần còn lại, dự kiến việc mua lại sẽ hoàn thành vào tháng 6/2016.
Là một phần của thương vụ, như nhiều thương vụ khác, Maj Invest tuyển dụng và cử một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và nhiệt tình. Trong đội ngũ mới, ông Kyle Phạm – người từng giữ vị trí CEO của Nhóm Mua và Phó tổng giám đốc của VinEcom đã được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Lingo từ tháng 8/2015.
Kyle Phạm chính là người thay thế Tom Trần tại Nhóm Mua sau vụ lùm xùm giành quyền lãnh đạo, mà kết quả là sự sụp đổ rất nhanh của Nhóm Mua trên thị trường.
Để phát triển doanh nghiệp và điều chỉnh dịch vụ cho phù hợp hơn với thị trường nội địa, Lingo cũng được thay đổi cách thức kinh doanh thương mại điện tử bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận đa kênh (omni-channel) với sự hiện diện ở cả 2 kênh online và offline để phục vụ tốt hơn cho các khách hàng địa phương.
Muốn đi đường dài với Lingo, nhưng sau 1 năm đầu tư công ty này buộc phải ngừng rót vốn
Nhằm tạo giá trị trong các công ty đầu tư, bên cạnh việc đưa đội ngũ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết, MIV cho biết quỹ này còn tập trung vào việc tạo ra giá trị hoạt động lâu dài, dựa trên những cải tiến và đổi mới mang tính bền vững.
Đồng thời, họ cũng sẽ sở hữu công ty đầu tư dài hạn hơn so với việc sở hữu các công ty cổ phần tư nhân thông thường.
Tuy nhiên, mối duyên với Lingo chỉ kéo dài vẻn vẹn 1 năm.
Năm 2015, Lingo ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận vẫn ở mức âm.
Theo báo cáo tài chính của MIV, Lingo đã lỗ 31,4 tỷ đồng trong năm 2015.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở Lingo.
Lợi nhuận năm 2015 của MIV đã sụt giảm mạnh, chỉ bằng 37,4% so với lợi nhuận năm 2014. Lợi nhuận năm 2015 đã được cộng thêm một phần khoản exit (bán lại cổ phần) tại Golden Gate.
Nguồn: Maj Invest.
Tại Việt Nam, MIV đã thoái hoàn toàn khỏi Golden Gate, Bianfishco và VIBI.
Ngoài Lingo, MIV cũng rót tiền vào 3 công ty khác qua các Yellow Star Invesment khác nhau.
- Yellow Star Invesment 4 đầu tư vào Công ty giáo dục Việt – Úc, tỷ lệ sở hữu 25,5%
- Yellow Star Invesment 5 sở hữu 28,4% cổ phần Công ty nội thất AA
- Yellow Star Invesment 6 đầu tư vào VMG Media – công ty mẹ của Lingo, tỷ lệ sở hữu trên 22%
Ngoài Lingo, tất cả công ty trên đều ghi nhận mức lãi từ 79 – 130 tỷ đồng.
Trích báo cáo tài chính 2015 của Maj Invest Equity Vietnam I K/S.