Chỉ với câu hỏi này, hàng ngàn người đi xin việc đã "rớt từ vòng gửi xe", riêng một ứng viên bất ngờ được tuyển thẳng
Với câu trả lời xuất sắc và hoàn hảo của mình, chàng trai trẻ đã được tuyển thẳng vào công ty mà không qua bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào nữa.
Một câu chuyện kể rằng, công ty nọ vì có hàng ngàn người đến xin việc nên đã đưa ra một đề thi tuyển dụng nhằm mục đích sàng lọc để tìm ra những ứng viên ưu tú nhất bước vào vòng phỏng vấn chính thức.
Tuy nhiên sau cùng chỉ có một cá nhân trả lời đề thi này một cách hoàn hảo và khiến tất cả các lãnh đạo trong công ty hài lòng. Điều này đồng nghĩa với việc, ứng viên ấy đã được tuyển thẳng vào công ty mà không cần qua bất kỳ một vòng phỏng vấn nào như dự định trước đó.
Nội dung của đề thi như sau:
Vào một đêm gió bão, khi bạn lái xe đi ngang qua trạm xe buýt thì nhìn thấy 3 người, bao gồm 1 bà cụ đang ốm nặng cần đến bệnh viện cấp cứu gấp, 1 vị bác sĩ là ân nhân cứu mạng bạn trước kia và 1 cô nàng mà bạn thầm thương trộm nhớ đã lâu. Trên xe chỉ còn dư 1 chỗ ngồi, vậy bạn sẽ chọn chở ai?
Đối diện với đề thi này, hàng nghìn ứng viên xin việc đã nhanh chóng suy luận và đưa ra câu trả lời của mình.
Nào là chọn chở cụ bà vì bà ấy quá đáng thương, cần phải cứu gấp bằng không sẽ nguy hiểm tính mạng; nào là chọn chở vị bác sĩ, bởi khi đưa bác sĩ đến bệnh viện, ông có thể điều động một đội ngũ y tế tới cứu cụ bà; nào là chọn chở cô gái vì rất có thể cô ấy chỉ đang thử lòng mình bằng cách nhờ sự trợ giúp của bác sĩ và bà cụ,...
Tuy nhiên, tất cả số ứng viên lựa chọn 1 trong 3 người trên, bất kể là bà cụ hay bác sĩ hay cô gái đều bị loại. Trong khi đó, chàng trai duy nhất được tuyển thẳng vào công ty đã xuất sắc trả lời như sau:
“Tôi sẽ đưa chìa khóa cho vị bác sĩ chở bà cụ đến bệnh viện, tin chắc rằng ông và các đồng nghiệp của mình có thể giúp cứu sống cụ ấy dễ dàng bởi trong lúc chở, ông phần nào đã hỏi được bệnh tình của cụ. Còn tôi, tôi sẽ xuống xe để cùng đón xe buýt cùng người thầm thương trộm nhớ”.
Quả thật, từ câu chuyện trên có thể thấy rằng, hầu hết đa số chúng ta khi đối diện với những sự lựa chọn đều không chịu từ bỏ thứ mà mình đang có (chiếc xe ấm cúng mà mình đang ngồi) do đó một cái kết vẹn toàn và hoàn hảo đã không bao giờ có thể xảy đến. Bản chất của chọn lựa tức là đánh mất nhưng một khi chọn lựa sai và không chịu buông bỏ, chúng ta sẽ mất nhiều hơn mình tưởng.
Trong môi trường công sở cũng vậy, đôi khi vì sự thành công của một tập thể mà mỗi cá nhân phải chấp nhận hy sinh, điển hình như việc bác bỏ cái tôi của chính mình trước khi yêu cầu đồng nghiệp cùng team phải như thế này, như thế nọ. Bạn có thể tài giỏi, có thể nhạy béng đấy nhưng sống và làm việc cùng nhau, bạn sẽ không thể nào thành công nếu khư khư nghĩ đến mình và quyền lợi cá nhân của mình đầu tiên.
Ví dụ như khi sếp giao cho team bạn một dự án lớn, dù có đủ tài và sức để đảm đương các công việc quan trọng nhất, khó khăn nhất, nhưng sẽ tốt hơn biết mấy nếu bạn biết nhường nó cho những đồng nghiệp khác đang cần trau dồi thêm kinh nghiệm. Bởi một tập thể mà chỉ có một người tài, việc gì cũng làm được trong khi những người còn lại lơ ngơ lác ngác thì sẽ rất khó có thể đi lâu dài cùng nhau.
Chưa kể, lúc bạn ốm đau hoặc có chuyện riêng tư buồn bã thì việc khó ai có thể thay bạn làm? Nên nhớ, trong môi trường công sở, san sẻ ánh hào quang, san sẻ công việc mới là chân lý giúp cho bạn nâng cao giá trị của mình: vừa được đồng nghiệp yêu quý giúp đỡ những lúc khó khăn, vừa nâng cao được chất lượng của team mình nói riêng và toàn công ty nói chung.
(Tổng hợp)