Chi thường xuyên lên đến hơn 83% tổng chi ngân sách

05/03/2018 09:18 AM | Kinh tế vĩ mô

Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước trong 2 tháng đầu năm đã lên đến 83,1%; trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 4,2%.

Báo cáo mới công bố của Bộ Tài chính cho thấy, tổng chi ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 177.675 tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 147.783 tỷ đồng, chiếm 83,1% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi đạt 21.990 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng chi; chi đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 7.487 tỷ đồng, chiếm 4,2%.

Báo cáo cho biết thêm, 2 tháng đầu năm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 212.765 tỷ đồng, bằng 16,1% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Những con số trên cho thấy cơ cấu chi tiêu đang rất đáng lo ngại, khi chi đầu tư phát triển ngày càng nhỏ lại. Trong khi đó, nợ xây dựng cơ bản vẫn đang là vấn đề gây đau đầu.

Biên chế cứ "phình" ra thì không thể cơ cấu lại ngân sách

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu không có giải pháp tái cơ cấu chi tiêu thường xuyên như hiện nay Việt Nam sẽ gặp sức ép rất lớn khi nguồn thu từ thuế sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do thực hiện yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do.

“Trong cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn. Muốn chi thường xuyên giảm xuống có nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta “thắt” chỗ này thì lại “phình” ra ở chỗ khác”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

Theo ông Doanh, cần phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn, đó chính là phải tập trung tiết kiệm chi. Cùng với đó là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương.

Thực tế cho thấy, nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được. Cần có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành thì NSNN mới từng bước được đưa về tình hình lành mạnh.

Do vậy, theo TS Lê Đăng Doanh, muốn mục tiêu này đạt được thì cần có quyết tâm, trong đó, nhấn mạnh việc giảm vai trò quản lý nhà nước ở nhiều ngành, lĩnh vực. Việc này không chỉ để giữ cân đối ngân sách mà còn để thay đổi tư duy, nâng cao hiệu quả chi tiêu.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, bộ máy của chúng ta hiện quá lớn, muốn giảm chi thường xuyên thì không còn cách nào khác là tinh giản biên chế.

“Thực tế hiện nay là vẫn cứ “thắt” được chỗ này thì lại “phình” chỗ kia. Không giảm được bộ máy thì không có cách gì giảm được chi thường xuyên. Một số ngành hiện đang đề xuất giảm biên chế như Bộ Công thương, Bộ Nội Vụ hay như Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án chuyển đổi biên chế sang hợp đồng... Tuy nhiên, để thực hiện được thì không nhanh và cực kỳ khó khăn. Muốn làm được thì phải thực sự cầu thị, thực sự có quyết tâm”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh./.

VEPR: Chi thường xuyên vẫn ở mức cao, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước VOV.VN -Theo VEPR, trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Theo Cẩm Tú

Cùng chuyên mục
XEM