Chỉ một câu hỏi về trời mưa và sấm sét, người Do Thái có cách dạy con tư duy sâu sắc mà các bậc cha mẹ Việt đều nên học hỏi
Đặt câu hỏi là thói quen của mỗi người dân Do Thái, vì họ biết rằng người có trí tuệ là người biết hoài nghi và biết cách đặt câu hỏi.
Ở Israel, có một cậu bé tên là Kuhn, tính cậu rất hiếu kỳ, hầu như ngày nào cũng hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia.
Vào một ngày mưa, Kuhn vội vàng chạy đến trước mặt người cha đang đọc báo và hỏi: "Ba ơi, ba có biết vì sao hôm nay trời có sấm và mưa không ạ?". Cha cậu gấp tờ báo lại, xoa đầu cậu và nói: "Con đặt câu hỏi hay lắm, nhưng ba sợ khó giảng giải cho con hiểu rõ vấn đề này, ba nghĩ con nên đi hỏi thử "Bách khoa toàn thư" xem sao". Nói xong, cha cậu lấy cuốn "Bách khoa toàn thư" trên giá sách xuống đưa cho Kuhn.
Thế là, Kuhn giở "Bách khoa toàn thư" và chăm chú đọc. Kuhn thấy, cuốn "Bách khoa toàn thư" chẳng khô khan chút nào, ngược lại, cậu còn thấy nó rất thú vị và cậu rất lấy làm ngạ nhiên cũng như vui mừng về điều đó. Một lát sau, Kuhn sung sướng nhảy cẫng lên, rồi chạy đến chỗ cha và nói: "Ba, ba, con đã biết vì sao trời có sấm chớp và mưa rồi".
"Hóa ra, trên trời có rất nhiều hơi nước, sau khi gặp khí lạnh chúng sẽ biến thành giọt nước nhỏ, hơn nữa những giọt nước này sẽ tích tụ với nhau, khi giọt nước đó đủ lớn, không khí không thể giữ chúng lại được nữa và chúng sẽ rơi xuống thành mưa".
"Câu trả lời này rất hay, nhưng tại sao lại có sấm chớp trên trời?". Cha cậu khen ngợi rồi hỏi lại.
"Cái này con vẫn chưa tìm được đáp án, có điều con sẽ nhanh chóng tìm thấy thôi". Nói xong, Kuhn lại nghiêm túc cầm cuốn "Bách khoa toàn thư" lên nghiên cứu.
Phương pháp dạy con của người cha trong ví dụ trên rất hay. Ông biết nhưng không trả lời câu hỏi của con, mà dùng cách của riêng ông khiến cậu bé tự tìm lời giải. Đặt câu hỏi là thói quen của mỗi người dân Do Thái, vì họ biết rằng người có trí tuệ là người biết hoài nghi và biết cách đặt câu hỏi. Và đồng thời, mỗi đứa trẻ đều là nhà phát vấn bẩm sinh. Đối với bọn trẻ, thế giới rất mới lạ, vạn vật trên đời đều khiến chúng vô cùng tò mò. Vì thế, cha mẹ Do Thái thường cổ vũ trẻ dám nghi ngờ, dám đặt câu hỏi. Khi trẻ có khả năng nghi ngờ, câu hỏi của chúng sẽ ngày càng nhiều, khi đi tìm lời giải cho câu hỏi đó, đáp án đều là tương đối chính xác.
Có lẽ, có không ít cha mẹ Do Thái cho rằng, nhiều khi câu hỏi của trẻ căn bản không phải câu hỏi. Nhưng họ cũng biết rằng: Trẻ đã đưa ra câu hỏi, chứng tỏ trẻ có suy nghĩ, nếu bản thân trẻ có thể tự tìm ra câu trả lời đúng thì nó sẽ từng bước khơi lên hứng thú học tập của trẻ. Cho nên, cha mẹ không chỉ cần cổ vũ trẻ chăm đặt câu hỏi, mà còn cần nghiêm túc, nhẫn nại lắng nghe từng câu hỏi của trẻ. Hơn nữa, khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ ngàn vạn lần không nên vội vàng đưa ra đáp án, cách tốt nhất là cho trẻ thời gian suy nghĩ, sau đó để trẻ chủ động tìm tòi suy nghĩ và đi tìm câu trả lời.
Trẻ biết chủ động đặt câu hỏi, dùng câu hỏi để học tập, điều này giúp ích rất lớn cho sự phát triển tư duy của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ thói quen muốn hỏi, dám hỏi và biết cách hỏi. Đương nhiên, muốn trẻ học cách đặt câu hỏi, chúng ta cần làm theo cách của cha mẹ Do Thái như sau:
Tích cực trả lời câu hỏi của trẻ
Trẻ nhỏ rất thích hỏi những câu hỏi kỳ lạ. Đối diện với những câu hỏi này, một số cha mẹ vì bận rộn hoặc tâm trạng không vui, thường không để ý hoặc không trả lời những câu hỏi của con, thậm chí, có cha mẹ còn quát mắng trẻ, không cho trẻ hỏi những câu linh tinh như vậy.
Tuy nhiên, cha mẹ Do Thái không bao giờ làm như thế, dù có bận rộn thế nào, tâm trạng có buồn bực ra sao, họ luôn tích cực trả lời câu hỏi của con, họ luôn kiên nhẫn trả lời, nếu lúc đó không trả lời được, họ sẽ cùng con tìm đáp án. Mục đích của những hành động này là để bồi dưỡng cho con thói quen đặt câu hỏi để học tập thêm tri thức.
Tích cực hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi
Phương pháp được cha mẹ Do Thái thường xuyên sử dụng là tạo tình huống để kích thích trí tò mò của trẻ. Từ đó, khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi. Ví dụ, khi chơi trò mê cung, cha mẹ Do Thái sẽ đưa ra một số ám thị thích hợp cho trẻ; khi kể chuyện, đến đoạn hấp dẫn, cha mẹ Do Thái cố ý dừng lại, để trẻ tò mò hỏi kết quả…
Như vậy, cha mẹ đã phát triển tư duy hoài nghi của trẻ. Ngoài việc tích cực hướng dẫn trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ Do Thái còn đặc biệt chú ý đến việc trẻ đặt câu hỏi có lễ phép hoặc rõ ràng không… Nếu câu hỏi không rõ ràng hoặc hành vi của trẻ không lễ phép, bố mẹ sẽ nghiêm khắc nhắc nhở và nhẫn nại chỉ bảo cho con sửa lại câu hỏi.
Đặt ra nhiều câu hỏi cho trẻ
Đặt nhiều câu hỏi cho trẻ cũng là phương pháp được cha mẹ Do Thái sử dụng phổ biến, đặc biệt là khi cùng trẻ chơi trò chơi mang tính gợi mở, cha mẹ thường hỏi trẻ những câu như: "Nếu không như vậy thì sẽ thế nào?", "Làm thế nào mới qua được trò chơi đó?", "Con có thể nói cho bố mẹ biết con chơi như thế nào không?"…
Hiệu quả của những câu hỏi này rất rõ ràng, sau khi trẻ tiếp nhận câu hỏi, đầu tiên sẽ căn cứ vào phán đoán của mình phân tích câu hỏi, sau đó chọn ra một số cách có hiệu quả để đi tìm câu trả lời câu hỏi đó. Có thể nói, quá trình trẻ trả lời câu hỏi chính là quá trình "suy nghĩ theo câu hỏi và học tập từ câu hỏi".
Tóm lại, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng: Đặt câu hỏi trong quá trình học tập có thể giúp trẻ tiến bộ nhanh, cổ vũ trẻ đặt nhiều câu hỏi có thể kích thích khả năng tư duy của trẻ. Đồng thời muốn bồi dưỡng "ý thức đặt câu hỏi" cho trẻ, bố mẹ cũng phải là người chịu khó suy nghĩ và quan sát cuộc sống, để có thể hướng dẫn trẻ đặt ra những câu hỏi sâu sắc giúp trẻ trở thành người hữu dụng trong tương lai.