Sở hữu 22% số giải Nobel, 41% số giải Nobel kinh tế, chiếm 11% số tỷ phú trên toàn cầu, nhưng vì sao người Do Thái lại 'khó sống' ở châu Âu?

05/11/2018 19:02 PM | Xã hội

Tờ Economist nhận định tư tưởng bài Do Thái hiện vẫn còn khá mạnh ở nhiều quốc gia, bất kể người Do Thái đã đóng góp nhiều cho kinh tế, xã hội của khu vực đó.

Tương tự như nhiều dân tộc khác tại Mỹ, những người Do Thái tại thành phố New York có một cuộc sống khá bình yên. Những hội thánh Do Thái như Kehilath Jeshurun tại Manhattan vẫn đều đặn làm lễ công khai. Vào dịp lễ Sabbath, người con rể Do Thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, anh Jared Kushner và vợ là Ivanka Trump vẫn đến đây cầu nguyện. Họ chỉ ngừng đến vào năm trước khi buộc phải chuyển vào Nhà Trắng với những quy định an ninh nghiêm ngặt.

Những ngôi trường Do Thái tại New York nằm xen kẽ với những gia đình theo đạo Công giáo và bầu không khí có vẻ khá hiền hòa. Các cửa hàng Do Thái với biển hiệu bằng chứ Hebrew xuất hiện nhan nhản. Tuy nhiên, câu chuyện lại hoàn toàn khác ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Phân biệt đối xử

Tờ Economist nhận định tư tưởng bài Do Thái hiện vẫn còn khá mạnh ở nhiều quốc gia, bất kể người Do Thái đã đóng góp nhiều cho kinh tế, xã hội của khu vực đó. Nếu người Do Thái giàu, các phần tử cực đoan cho rằng họ ăn cắp từ nền kinh tế để làm giàu riêng. Nếu người Do Thái nghèo, họ cho rằng chính người Do Thái đã khiến tỷ lệ tội phạm tăng cao.

Trên thực tế, nếu xét về bảng thành tích, thế giới có chưa đến 0,2% là người Do Thái nhưng dân tộc này lại chiếm đến 22% số giải Nobel, 41% số giải Nobel kinh tế, 11% số tỷ phú trên toàn cầu và 20% trong số 50 người giàu nhất thế giới.

Sở hữu 22% số giải Nobel, 41% số giải Nobel kinh tế, 11% số tỷ phú trên toàn cầu, nhưng vì sao người Do Thái lại khó sống ở châu Âu? - Ảnh 1.

Dấu hiệu người Do Thái dưới thời Đức Quốc xã

Hàng loạt những cái tên như Albert Einstein, Sigmund Freud, George Soros… được nhắc tới như biểu tượng thành công của người Do Thái.

Tuy nhiên, những xung đột và thành kiến của người Phương Tây với Do Thái chưa bao giờ chấm dứt, kể cả khi chủ nghĩa phát xít đã thất bại. Thậm chí với sự trỗi dậy của tư tưởng dân túy bảo thủ, xu thế bài Do Thái lại có dấu hiệu tăng dần ở hàng loạt các nước châu Âu.

Nếu bạn đến thủ đô Amsterdam của Hà Lan, rất khó để có thể tìm ra Trung tâm văn hóa Do Thái (JCC). Du khách hầu như không thể tìm thấy những biển hiệu hay bảng đề bằng tiếng Do Thái (Hebrew) trên đường phố.

Trong khi đó, những ngôi trường của người Do Thái được rào chắn bằng hàng rào với camera nghiêm ngặt. Hệ thống an ninh cho những người Do Thái ở châu Âu đã tăng cao đáng kể từ khi một vụ khủng bố nhằm vào người Do Thái diễn ra tại Brussels-Bỉ vào năm 2014.

Giờ đây, hàng nghìn người Do Thái đã rời bỏ châu Âu bất chấp việc Đức Quốc xã đã sụp đổ. Sự phân biệt đối xử cũng như kỳ thị đã buộc những người Do Thái phải rời bỏ mảnh đất khởi nguyên của nền văn minh tư bản hiện đại.

Sở hữu 22% số giải Nobel, 41% số giải Nobel kinh tế, 11% số tỷ phú trên toàn cầu, nhưng vì sao người Do Thái lại khó sống ở châu Âu? - Ảnh 2.

Số vụ tấn công người Do Thái trên toàn cầu

Đối với những người Do Thái di cư, Israel là lựa chọn hàng đầu khi quốc gia Do Thái này luôn chào đón những người con trở về đất mẹ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người Do Thái cũng sang Mỹ, nơi văn hóa và tôn giáo cởi mở hơn rất nhiều so với châu Âu.

Trớ trêu thay, vụ tấn công khiến 11 người Do Thái thiệt mạng ngày 27/10/2018 vừa qua tại Pittsburgh-Mỹ lại khiến cộng đồng này dậy sóng. Mặc dù số vụ tấn công người Do Thái trên toàn cầu đã suy giảm từ năm 2014 đến nay nhưng Đức Quốc xã đã thất bại kể từ năm 1945. Vậy điều gì khiến tư tưởng thù địch người Do Thái vẫn còn tồn tại?

Chúa trời hay nhà tiên tri?

Quay ngược dòng lịch sử, Chúa Jesus của người Công Giáo ra đời trong một gia đình Do Thái. Mẹ của chúa Jesus là Đức mẹ Mary là một phụ nữ Do Thái sinh ra tại Nazareth. Như một hệ quả tất yếu, cộng đồng người Do Thái là đối tượng chính chịu ảnh hưởng từ sự truyền đạo của Chúa Jesus. Chính điều này đã tạo nên xung đột với giới chức sắc tôn giáo Do Thái, một trong những tôn giáo độc thần (chỉ thờ 1 vị thần) đầu tiên trên thế giới.

Đỉnh điểm là khi Chúa Jesus bị lính La Mã bắt, chính áp lực của giới chức sắc Do Thái đã khiến Chúa bị đóng đinh.

Kể từ đây, mẫu thuẫn bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Trong khi những người theo Công giáo cho rằng Chúa Jesus là hiện thân của Chúa trời, được so sánh với nhà tiên tri Moses trong Do Thái giáo thì những người Do Thái lại cho rằng Chúa Jesus chỉ là nhà tiên tri như những nhà tiên tri trước đó.

Rất nhiều người Phương Tây, hoặc theo Công giáo hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Cơ đốc đã cho rằng người Do Thái phản chúa khi đóng đính Chúa Jesus.

Đối với những người theo đạo Hồi, tư tưởng bài Do Thái chỉ mạnh lên sau khi chính quyền Israel thành lập trên vùng đất Palestine, kéo theo đó là hàng loạt cuộc chiến tranh tại vùng Trung Đông. Cho đến tận ngày nay, Israel vẫn là một quốc gia nằm lọt thỏm xung quanh những nước Hồi giáo khác cùng với cuộc xung đột chưa hồi kết với những người Palestine sống tại đó.

Sự khác biệt về tôn giáo lẫn lối sống khiến người Do Thái trở thành tâm điểm công kích của các tôn giáo khác. Mặc dù tư tưởng này đã dần suy giảm trong những năm gần đây nhưng chúng chưa thể chấm dứt hoàn toàn đối với những người sùng đạo.

Về quan điểm kinh tế, người Do Thái bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra đói nghèo và khủng hoảng kinh tế. Luận điểm này được củng cố và truyền bá rộng rãi sau Thế chiến I khi người dân các nước Châu Âu chìm trong khủng hoảng kinh tế. Những nhà chính trị đã hướng sự hận thù của xã hội trong thời kỳ khủng hoảng vào người Do Thái để lên nắm quyền và tiêu biểu là sự trỗi dậy của Đức Quốc xã.

Sở hữu 22% số giải Nobel, 41% số giải Nobel kinh tế, 11% số tỷ phú trên toàn cầu, nhưng vì sao người Do Thái lại khó sống ở châu Âu? - Ảnh 3.

Dù chế độ phát xít đã thất bại kể từ năm 1945 nhưng tư tưởng của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Rất nhiều người Phương Tây vẫn mặc định quan niệm rằng người Do Thái là những thương nhân vô nhân tính, chỉ quan tâm đến lợi nhuận và gây tổn hại đến lợi ích kinh tế vĩ mô. Bằng chứng rõ nhất là phong trào "bài Soros" từng rộ lên khi tỷ phú Do Thái này bị cáo buộc là nguyên nhân gây nên các cuộc khủng hoảng ở Châu Á lẫn Châu Âu.

Chính bởi vì những nguyên nhân này mà dù người Do Thái sinh sống ở mọi tầng lớp xã hội, thậm chí cả trong giới thượng lưu nhưng họ vẫn bị bài xích ở vài nơi trên thế giới và những vụ việc thương tâm như ở Pittsburgh vẫn sẽ còn tiếp tục tái diễn.

AB

Cùng chuyên mục
XEM