Chỉ dẫn địa lý trong EVFTA: Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

30/09/2020 13:30 PM | Kinh doanh

Khi Hiệp định EVFTA đặt ra những cam kết rất cao về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đó có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ có các doanh nghiệp, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi rất nhiều.

Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam EVFTA có hiệu lực từ ngày 01-08-2020, hai bên đã bắt đầu phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong các cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Theo đó, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) tại thị trường EU, và ngược lại Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (phần lớn là rượu và thực phẩm) tại thị trường Việt Nam.

Việc EU đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đặt ra những cam kết cao về nội dung này đối với cả 2 phía trong Hiệp định EVFTA cũng mang lại những lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Quyền sở hữu trí tuệ trong các "FTA thế hệ mới"

Hiệp định EVFTA được coi là một "FTA thế hệ mới", với những cam kết sâu rộng và bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bảo hộ chỉ dẫn địa lý được EU đặc biệt quan tâm. Về đối tượng bảo hộ, các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA chỉ áp dụng đối với 04 nhóm sản phẩm: rượu vang, đồ uống có cồn, nông sản và thực phẩm. Trên thực tế thì 04 nhóm này cũng bao quát gần như phần lớn các sản phẩm có thể là đối tượng của chỉ dẫn địa lý. Đối tượng được bảo hộ gồm tên gọi, địa phương xuất xứ, nước xuất xứ của 169 sản phẩm của EU và 39 sản phẩm của Việt Nam thuộc diện được bảo hộ đương nhiên, không cần qua các thủ tục thẩm định, thông báo, khiếu nại… theo quy trình thông thường.

Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

Để kịp thời nắm bắt cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường EU và nhập khẩu các mặt hàng EU về Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn nữa những điểm quan trọng về hàng rào kỹ thuật đi kèm với danh sách 169 chỉ dẫn địa lý của EU. Ví dụ như Rượu Champagne, Pho mát Mozzarella cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời của EU và đang được sử dụng như tên gọi thông thường ở Việt Nam. Tuy nhiên với hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thay đổi cách gọi của mình trong những năm tới, tùy theo từng trường hợp nhất định.

Người tiêu dùng được bảo vệ trước tiên

Nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, thậm chí, EVFTA còn có các quy tắc bảo hộ riêng như là chủ thể quyền phải được phép ngăn cản việc sử dụng các chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm không xuất phát từ nước xuất xứ được liệt kê, ngăn cản việc sử dụng các thiết kế hoặc trình bày theo bất kỳ cách nào khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ của sản phẩm vốn không có xuất xứ tại đó…

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Tuy nhiên, hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính như phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật... Chính vì chưa đủ sức răn đe nên nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc đã và đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội trong nhiều năm qua. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Với những cam kết rất cao về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng trong Hiệp định EVFTA, đó sẽ là cơ sở để thu hút sự quan tâm và nâng cao ý thức của toàn xã hội về vấn đề này. Đồng thời, chính các doanh nghiệp, chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ là một lực lượng quan trọng, phát hiện kịp thời, ngăn cản các hành vi làm giả sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng và mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM