Chỉ cách nhau 1 bờ sông, nhưng 2 ngôi trường của Harvard lại có triết lý giảng dạy trái ngược nhau hoàn toàn

13/10/2016 08:00 AM | Kinh doanh

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du đã chia sẻ về góc nhìn mới về doanh nhân qua câu chuyện về 2 ngôi trường Havard nằm bên cạnh dòng sông Charles. Trong đó, một trường dạy về kinh doanh và một trường dạy về quản lý nhà nước.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, CafeBiz đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn và bài viết về các doanh nhân & chuyên gia, để lắng nghe những chia sẻ của họ về môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, cùng những câu chuyện kinh doanh, và câu chuyện cuộc đời của họ. Mời quý độc giả đón đọc.


Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016 do VCCI tổ chức, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ về góc nhìn của mình về doanh nhân trong thời đại hiện nay.

Ông cho rằng, bất kỳ một quốc gia nào đều cần 2 vấn đề, đó là công ăn việc làm cho người lao động và thuế cho chính quyền để cung cấp các dịch vụ công.

Không ai khác, chính doanh nhân và doanh nghiệp là những người tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, và chúng ta chỉ nên giới hạn vai trò của doanh nhân và doanh nghiệp dừng ở mức đó, không nên đòi hỏi bất cứ điều gì cao hơn.

Ông trích dẫn một câu nói của Adam Smith (nhà kinh tế chính trị học & triết gia đạo đức học, tác giả của lý thuyết "Bàn tay vô hình" nổi tiếng): "Chúng ta có được bữa ăn ngon không phải nhờ lòng tốt của anh hàng thịt, người nấu rượu hay gã làm bánh, mà nhờ họ quan tâm tới lợi ích của họ". Điều này có nghĩa là, nếu để những người làm ăn buôn bán chỉ tập trung vào một mục đích là lợi nhuận, thì xã hội sẽ tự động tốt lên, với sự điều khiển của những bàn tay vô hình.

Thêm dẫn chứng về doanh nhân trong thời kỳ hiện đại, ông Du kể về câu chuyện 2 bên bờ con sông Charles nước Mỹ là 2 ngôi trường của Havard. Phía Bắc là trường Havard Kennedy School, là ngôi trường giảng dạy về chính sách Nhà nước. Còn ở phía Nam là ngôi trường Havard Business School, giảng dạy về kinh doanh.


Ảnh: Google

Ảnh: Google

Ngôi trường Havard Kennedy đứng dưới góc nhìn của nhà nước, giảng dạy về các lỗ hổng, thiếu sót của thị trường, chỉ ra rằng, nhà nước cần làm gì để sửa chữa và hạn chế các lỗ hổng đó.

Trong khi đó, tại trường Havard Business, các giáo viên cũng dạy về các lỗ hổng, nhưng mục đích lại trái ngược hoàn toàn so với trường Kennedy, khi bàn về cách làm thế nào để tận dụng các lỗ hổng đó, biến chúng thành cơ hội, làm giàu nhất có thể cho mình.

2 ngôi trường, tuy ở cùng một nơi, nhưng gần như giảng dạy về 2 triết lý đối nghịch nhau, dưới 2 góc nhìn khác biệt hoàn toàn. Điều đó có nghĩa, vai trò của doanh nhân và nhà nước là những vai trò hoàn toàn khác nhau.

Đối với doanh nhân, họ chỉ cần làm sao kiếm được thật nhiều lợi nhuận trong điều kiện môi trường kinh doanh sẵn có.

Còn đối với nhà nước, trách nhiệm là tạo nên môi trường kinh doanh thật công bằng để không gây ra thất thoát.

Ông Du phân tích, từ cổ chí kim, tất cả doanh nhân chỉ cần tập trung vào một mục tiêu duy nhất mà thôi, đó là mục tiêu tạo lợi nhuận cho bản thân mình, và cho công ty mình.

Doanh nhân tạo ra càng nhiều lợi nhuận, có nghĩa là đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội và cũng đã tạo ra nhiều nguồn thu cho ngân sách.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM