Chỉ bỏ ra vài đô lẻ là thành đồng sở hữu tòa nhà triệu đô: Hình thức đầu tư “mua chung nhà đất” đang lên ở Hàn Quốc
Xu hướng đồng đầu tư bất động sản đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ đang nản lòng trước giá bất động sản cao ngất ngưởng ở nhiều nơi.
Kang – một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20, mới đây đã trở thành một trong số hơn 2.000 người đồng sở hữu một tòa nhà thương mại ở quận Gangnam (Seoul) giá 10 tỷ won (8,47 triệu USD) với tiền vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 5.000 won (tương đương 4,2 USD).
"Đầu tháng 12 năm ngoái, tôi tham gia vào dự án đầu tư chung do một công ty fintech khởi xướng để mua một tòa nhà 8 tầng tên là Yeoksam London Vill ở Gangnam. Tôi đã đầu tư 5.000 won và nhận 38 won tiền cổ tức vào tháng 7 vừa qua. Tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 3,14%", Kang chia sẻ với Korea Herald.
Kang là một trong số ngày càng nhiều người thuộc thế hệ MZ (sinh từ những năm 1980 đến 2010) để ý đến hình thức sở hữu chung tài sản, ngay cả khi chỉ bằng một khoản tiền rất nhỏ.
Mua chung
Theo Kasa Korea – công ty fintech điều hành ứng dụng đầu tư bất động sản Kasa, tổng cộng đã có 2.694 nhà đầu tư cá nhân như Kang tham gia vào dự án mới nhất của họ diễn ra từ 8-16/9 – một tòa nhà thương mại 21 tầng ở Yeoksam-dong, Seoul. Công ty đã huy động được 8,4 tỷ won.
Kasa Korea cho biết, những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 chiếm gần 60% số nhà đầu tư, tiếp theo là nhóm 40 tuổi (chiếm 26%), 50 tuổi (12%) và từ 60 tuổi trở lên (3%).
Mua chung bất động sản đang là hình thức thu hút nhiều người trẻ Hàn Quốc (Ảnh: Internet).
Ra mắt vào tháng 9 năm ngoái, nền tảng di động Kasa dùng công nghệ blockchain để phát hành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, có giá từ 5.000 won để sở hữu một tòa nhà do Kasa Korea mua. Công ty sẽ chia sẻ doanh thu cho thuê của tòa nhà với các nhà đầu tư dưới hình thức cổ tức, 3 tháng/lần.
Đây được coi là dịch vụ tài chính sáng tạo, hướng đến việc hạ thấp ngưỡng đầu tư cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong thị trường bất động sản có khả năng sinh lời. Xu hướng đầu tư bất động sản kiểu này đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ đang nản lòng trước giá bất động sản cao ngất ngưởng ở nhiều nơi.
Một nhà đầu tư 31 tuổi cho biết: "Tôi từng đọc bài báo nói rằng người có thu nhập trung bình phải tiết kiệm toàn bộ tiền kiếm được và không tiêu đồng nào trong hơn 10 năm thì mới mua được một căn nhà ở Seoul. Khi thị trường bất động sản nóng như hiện nay, gần như bất khả thi để tôi mua bất động sản với thu nhập của mình. Do đó, tôi chọn cách đầu tư này dù tỷ suất lợi nhuận không quá cao".
Mua chung bất động sản cũng đang nổi lên như một hiện tượng quốc tế. Tại Mỹ, số người xa lạ mua chung nhà đã tăng 771% từ năm 2014 đến 2021, theo một công ty phân tích bất động sản.
Cùng mua đất, xây nhà
Trong khi đó, một số nhà đầu tư lại cùng hùn tiền để mua đất và xây chung cư. Được biết đến với cái tên "hiệp hội nhà ở địa phương cho dự án căn hộ", một nhóm người không có nhà sống cùng thành phố, cùng góp thành khoản tiền lớn để mua một khu đất (được chính quyền địa phương chấp thuận) và chi trả chi phí xây dựng chung cư.
Kim – một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul, gần đây đã trở thành thành viên của hiệp hội này ở Sadang-dong, Dongjak-gu. Họ có kế hoạch xây dựng một khu chung cư gồm 961 căn hộ ở gần ga Isu.
Tuy chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách để kìm chế giá nhà tăng cao trong 4 năm qua, giá trung bình của một căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi lên 1,21 tỷ won vào tháng trước, từ mức 607 triệu won vào tháng 5/2017. Bên cạnh đó, giá nhà ở trung bình trên toàn quốc cũng tăng 11,98% trong giai đoạn tháng 1 – tháng 9, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm qua.
Cùng chia sẻ không gian sống
Thị trường nhà ở tại Hàn Quốc cũng tạo gánh nặng tài chính cho những người sống trong các căn hộ cho thuê.
Để đối phó với tình trạng giá nhà tăng cao, một số người trẻ quyết định chuyển tới sống ở những ngôi nhà chung – loại hình cho thuê mà mọi người cùng chia sẻ nhà bếp hoặc phòng tắm nhưng có phòng ngủ riêng. Tiền đặt cọc và tiền thuê hàng tháng của loại này thấp hơn những căn hộ cho thuê thông thường.
Kim Joo-hye – nhân viên văn phòng 28 tuổi, từng sống trong một căn hộ studio ở tỉnh Gyeonggi. Hiện nay, cô đã chuyển tới một ngôi nhà chung ở gần chỗ làm, chủ yếu để tiết kiệm chi phí và đi lại thuận tiện.
"Nhân viên văn phòng trẻ, mới bắt đầu sự nghiệp như tôi phải đối mặt với gánh nặng tiền thuê nhà và nhiều chi phí khác. Sống cùng người khác sẽ giúp giảm bớt áp lực này", cô cho biết.
Thuê chung nhà cũng là lựa chọn phổ biến với những sinh viên không sống trong ký túc xá. Các chuyên gia nhận định xu hướng này có thể sẽ tiếp tục phát triển do giá nhà và số hộ gia đình độc thân ngày càng tăng.
Một giáo sư tại Đại học quốc gia Seoul nói: "Dưới áp lực gia tăng lạm phát, thế hệ trẻ không có điều kiện tài chính, đặc biệt là những hộ gia đình độc thân, sẽ tìm mọi cách để giảm chi phí nhà ở thông qua các hình thức như thuê nhà chung".
Nguồn: Korea Herald