‘Cháy hàng’ vải thiều xuất Mỹ, Nhật, châu Âu

28/05/2023 14:45 PM | Kinh doanh

Trái ngược với bức tranh ảm đạm của một số mặt hàng khác, xuất khẩu vải thiều đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp cho biết đã nhận đủ đơn hàng trước khi vào mùa vụ.

Hơn nửa tháng nay, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - liên tục chạy đôn, chạy đáo để vừa ký hợp đồng với đối tác, vừa đốc thúc nhân viên tăng ca sản xuất, tích cực kết nối với bà con để tăng thu mua vải, chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Chia sẻ với Tiền Phong, bà Hồng cho biết, năm nay thời gian thu hoạch vải hơi muộn so với mọi năm, phải từ ngày 28 - 29/5 các địa phương mới bắt đầu có hàng để xuất khẩu. Tuy nhiên, vụ vải “được mùa, được giá” , nên bà con trồng vải rất phấn khởi.

Theo bà Hồng, thời điểm này, doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu vải sang các thị trường với sản lượng hơn 2.000 tấn vải tươi, tăng khoảng 1.000 tấn so với vụ vải năm 2022. Trong đó, khoảng 500 tấn vải sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, số lượng còn lại sẽ xuất sang Singapore, Australia, Mỹ và nhiều quốc gia khu vực châu Âu.

‘Cháy hàng’ vải thiều xuất Mỹ, Nhật, châu Âu - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi các nước.

Đặc biệt, đối với thị trường Nhật Bản, sau vài mùa vụ nhập khẩu chính ngạch, các đối tác nước này đều đánh giá rất cao chất lượng loại quả được mệnh danh đặc sản “tiến Vua” của Việt Nam. Năm nay, nhiều siêu thị, đối tác Nhật đã liên hệ trực tiếp với công ty để đặt hàng, mà không phải qua trung gian.

“Dù chưa bước vào vụ vải chính, doanh nghiệp đã ký đủ đơn hàng, với khối lượng xử lý tối đa công suất của nhà máy. Điều đáng mừng, năm nay chúng tôi nghiên cứu được công nghệ bảo quản mới, hiện đại nên giúp quả vải vận chuyển bằng đường biển trong 20 ngày vẫn giữ được mã đẹp, và chất lượng”, bà Hồng nói.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho hay, ngày 2/6 tới, các chuyên gia Nhật bắt đầu sang Việt Nam để giám sát khâu xử lý kỹ thuật. Để đảm bảo đủ sản lượng, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã, bà con nông dân ở vùng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương với mức giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Dự kiến ngày 4/6, lô hàng đầu tiên trong năm nay của doanh nghiệp sẽ lên đường xuất khẩu.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ chia sẻ, hiện doanh nghiệp đã ký đủ các đơn hàng rau quả trong năm 2023, trong đó có vải thiều. Vừa qua, doanh nghiệp tổ chức đưa các đối tác nước ngoài đi thăm các vùng sản xuất vải, nhãn, cơ sở đóng gói Hải Dương, Bắc Giang.

‘Cháy hàng’ vải thiều xuất Mỹ, Nhật, châu Âu - Ảnh 2.

Vải thiều chinh phục được các thị trường cao cấp giúp người dân yên tâm về đầu ra.

“Đến nay, vải của Việt Nam đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe nhất của các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Úc…nên đầu ra hoàn toàn yên tâm. Khi các thị trường khó tính chấp nhận, giá thu mua và đầu ra của sản phẩm trở nên ổn định hơn, người dân yên tâm. Trồng vải theo tiêu chuẩn thị trường đang là hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam", đại diện công ty này cho hay.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, vải Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu có giá khoảng 450.000 - 500.000 đồng/kg, sang thị trường Nhật có giá khoảng 18 - 20 USD/kg, tương đương hơn 400.000 đồng/kg. Chưa kể vải thiều loại đặc biệt, mẫu mã đẹp để làm quà tặng có thể lên đến cả triệu đồng.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, sản lượng vải năm nay dự kiến khoảng từ 200.000 - 250.000 tấn, trong đó chủ yếu tập trung tại Bắc Giang, Hải Dương.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu quả vải đi các thị trường cơ bản đã hoàn tất. Với thị trường Trung Quốc, trung bình hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 80.000 - 120.000 tấn vải. Đến nay các doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc đã xúc tiến thỏa thuận tiêu thụ vải thiều với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.

Đối với thị trường Mỹ và Úc, ông Trung cho biết, các nước yêu cầu quả vải phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ. Trong đó, thị trường Úc được thực hiện ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Còn với riêng thị trường Mỹ, hiện Việt Nam và nước này đã đàm phán lắp thêm cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội (ngoài TPHCM và Long An), giúp doanh nghiệp không phải vận chuyển xa, gây tốn kém thêm chi phí như mọi năm.

Với thị trường Nhật Bản, nước này đã thông báo đầu tháng 6 sẽ có các đoàn chuyên gia sang giám sát việc xử lý kỹ thuật vải, khi đó những lô vải đầu tiên trong mùa vụ sẽ chính thức lên đường.

Theo Dương Hưng

Cùng chuyên mục
XEM