Châu Phi và 'hành trình quả bơ' tái cân bằng thương mại với Trung Quốc

03/08/2019 21:47 PM | Kinh doanh

Khi hơn 50 quốc gia châu Phi tham gia hội chợ triển lãm kinh tế và thương mại Trung Quốc - châu Phi đầu tiên vào tháng 6, họ đang thực hiện một nhiệm vụ. Đó là tham gia vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Trong số các nhà xuất khẩu tại triển lãm ở trung tâm thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có các công ty Kenya quảng bá hoa tươi và các nhà chế biến Rwanda bán nước ép trái cây.

Với lượng nhập khẩu từ Trung Quốc lớn hơn nhiều so với xuất khẩu sang nước này, các quốc gia châu Phi đang cố gắng tái cấu trúc mối quan hệ thương mại với gã khổng lồ châu Á và thu hẹp khoản thâm hụt thương mại khổng lồ hiện có lợi cho Trung Quốc.

Hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng 20 lần kể từ đầu thiên niên kỷ, trong đó có tới 14 năm Trung Quốc đạt thặng dư thương mại.

Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, đồng, coban, quặng sắt, kim cương, vàng và titan, phục vụ nhu cầu công nghiệp và sản xuất. Đổi lại, châu Phi nhập khẩu máy móc, thiết bị điện tử và hàng tiêu dùng sản xuất.

Nhưng giờ đây nhiều nước châu Phi - từ Ethiopia đến Namibia - đang cố gắng đẩy mạnh chuỗi giá trị xuất khẩu, một sự thay đổi đòi hỏi phải tìm được những gì người tiêu dùng Trung Quốc cần và đưa thứ đó đến với họ.

Châu Phi và hành trình quả bơ tái cân bằng thương mại với Trung Quốc - Ảnh 1.

Các quốc gia châu Phi muốn dựa vào nông sản để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Mất cân bằng thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh năm 2018.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nêu ra những tác động kinh tế đối với lục địa này, cho rằng Trung Quốc và châu Phi nên nỗ lực cân bằng cấu trúc thương mại giữa hai bên.

"Phần lớn hàng xuất khẩu từ châu Phi là nguyên liệu thô và sản phẩm khởi đầu, phần lớn sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng thành phẩm", ông Ramaphosa nói.

"Chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc những gì được khai thác từ đất, Trung Quốc xuất khẩu cho chúng tôi các sản phẩm trong nhà máy của họ. Điều này giới hạn khả năng của các nước châu Phi trong việc tận dụng tối ưu toàn bộ giá trị tài nguyên thiên nhiên phong phú và tạo công ăn việc làm cho người dân".

Phương án được đưa ra là một kế hoạch hành động, trong đó Bắc Kinh cam kết tăng nhập khẩu các sản phẩm phi tài nguyên từ các nước châu Phi, đặc biệt là hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp giá trị gia tăng.

"Trung Quốc sẽ khởi động một chương trình thuận lợi hóa thương mại. Chúng tôi đã quyết định tăng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm phi tài nguyên từ châu Phi", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tại hội nghị.

"Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động tiếp thị cho sản phẩm thương hiệu của Trung Quốc và châu Phi".

Ở Kenya, trà, hoa và cà phê là nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất, các sản phẩm cao cấp được bày bán rộng rãi trên toàn thế giới. Nhưng những hàng hóa này không thuộc nhóm hàng nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc. Thay vào đó, khai thác mỏ - chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong nền kinh tế Kenya - là nền tảng của mối quan hệ thương mại. Trong số hàng hóa trị giá 127 triệu USD mà Trung Quốc nhập khẩu từ Kenya năm 2017, 63% là quặng titan và các khoáng chất khác như niobium, tantalum, vanadi và zirconium.

Một loại quả có thể tạo ra sự khác biệt. Kenya, nước xuất khẩu bơ lớn nhất ở châu Phi, đã ký một thỏa thuận về an toàn thực phẩm, thực vật và động vật cho phép nước này xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, bao gồm bơ, sang thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Nhờ các lợi ích về sức khỏe, bơ đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, trở thành một mặt hàng quen thuộc trong các siêu thị thay vì một sản phẩm ít người biết đến khoảng 10 năm về trước.

Châu Phi và hành trình quả bơ tái cân bằng thương mại với Trung Quốc - Ảnh 2.

Người trồng bơ ở Kenya đặt mục tiêu là thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Sự phổ biến này được phản ánh qua các con số. Trung Quốc chỉ nhập khẩu 31,8 tấn bơ trong năm 2011, và tăng tới hơn 36.000 tấn vào năm 2018 - nhưng hầu hết được nhập khẩu từ Mỹ Latinh.

Các nhà sản xuất tại Kenya đang hy vọng tận dụng xu hướng tăng trưởng này. Vào tháng 4, Trung Quốc và Kenya đã đạt được thỏa thuận cho phép xuất khẩu bơ đông lạnh sang Trung Quốc.

"Trung Quốc đã sẵn sàng nhập khẩu bơ đông lạnh Kenya. Hai bên đang đàm phán một thỏa thuận xuất khẩu bơ tươi", đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi cho biết.

Nhưng có một vấn đề. Để tiếp cận thị trường bơ Trung Quốc, Kenya phải đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt bao gồm đông lạnh trái cây trong quá trình xuất khẩu, đòi hỏi nông dân đầu tư vào máy làm lạnh.

Bộ trưởng Thương mại Kenya Peter Munya cho biết thỏa thuận cũng sẽ cho phép xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Kenya khác sang Trung Quốc, bao gồm đậu Pháp, hoa tươi, thảo mộc, xoài, đậu phộng và thịt.

"Mục tiêu của Kenya là đảm bảo tất cả các sản phẩm sẽ tiếp cận được với thị trường tính đến cuối năm nay", Munya nói.

Kenya chỉ là một trong hơn 10 quốc gia châu Phi được tạo điều kiện xuất khẩu một số sản phẩm nhất định sang Trung Quốc.

Nam Phi cũng nhận được sự chấp thuận, từ đó những người trồng hoa quả hy vọng tận dụng được cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để tiến vào Trung Quốc.

Vào tháng 6, Nam Phi đã chuyển lô hàng cam quýt đầu tiên tới Trung Quốc và Nhật Bản sau khi hai nước xem xét một thỏa thuận, cho phép vận chuyển đồng thời lượng lớn cam quýt sang Trung Quốc và các nước khác. Điều này giúp người bán có thể sử dụng một con tàu để chở hàng tới nhiều quốc gia trong khu vực.

Hiệp hội người trồng cam quýt có trụ sở tại Durban, Nam Phi, tỏ ra lạc quan khi xuất khẩu cam quýt sang Trung Quốc tăng nhưng cho biết vẫn còn những rào cản.

"Năm 2018, 140.000 tấn cam quýt - không kể chanh - đã được xuất khẩu sang Trung Quốc", Giám đốc điều hành của Hiệp hội, ông Justin Chadwick, cho biết.

"Lý do không có chanh là vì quy định vẫn yêu cầu xử lý khử trùng lạnh, vì chanh được xử lý lạnh không hiệu quả. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nam Phi và Trung Quốc để xét lại quy định".

Nam Phi cũng đã nối lại xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc sau khi Bắc Kinh dỡ lệnh cấm vào tháng 1 do dịch lở mồm long móng, Lin Songtian, đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, tuyên bố hôm 30/7.

Các sản phẩm khác cũng đóng vai trò trong quá trình đa dạng hóa thương mại. Namibia đã thắng lớn khi bắt đầu xuất khẩu thịt bò sang thị trường Trung Quốc vào tháng 3 sau nhiều năm đàm phán từ 2005. Nước láng giềng không giáp biển Botswana cũng có thể bắt đầu xuất khẩu thịt bò và phụ phẩm sang Trung Quốc vào tháng 10 sau khi hai nước ký kết thỏa thuận.

Tại vùng Sừng châu Phi, Trung Quốc đã đồng ý cho phép nhập khẩu cà phê arabica từ Ethiopia, nước trồng cà phê lớn thứ 6 thế giới và là nhà sản xuất lớn nhất trên lục địa. Ethiopia cũng dự kiến bắt đầu bán đậu nành ở Trung Quốc khi quốc gia châu Á này quyết định giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Mỹ.

Châu Phi và hành trình quả bơ tái cân bằng thương mại với Trung Quốc - Ảnh 3.

Tại Kenya, nông dân trồng cam quýt đang lạc quan về việc xuất hàng sang Trung Quốc. Ảnh: Alamy.

Rwanda, một nhà sản xuất cà phê khác ở châu Phi, đã ký một thỏa thuận với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, giúp nông dân bán cà phê và các sản phẩm khác qua nền tảng thương mại Tmall của Alibaba.

Benjamin Nkurunziza, trưởng bộ phận tiếp thị tại Rwandan Farmers Coffee, một trong những công ty sử dụng các chợ trực tuyến của Alibaba, cho biết nền tảng mua bán này mang lại triển vọng tốt hơn.

"Chúng tôi cung cấp cà phê cho các kho của họ và sau đó Alibaba quản lý việc bán và phân phối trực tuyến", Nkurunziza nói nhưng không cung cấp số liệu.

"Chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ phát triển".

Moritz Weigel, giám đốc sáng lập của China Africa Advisory, trụ sở Đức, cho rằng châu Phi nên tập trung vào việc tăng giá trị cho hàng xuất khẩu hiện có, cả sản phẩm tài nguyên và phi tài nguyên.

Đối với các sản phẩm phi tài nguyên, các quốc gia nên tập trung vào thương hiệu thay vì hàng hóa, chẳng hạn như xuất khẩu các sản phẩm của một thương hiệu cà phê cao cấp thay vì hạt cà phê thô, ông nói.

Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cần nâng cao kiến ​​thức về thị trường tiêu dùng đang phát triển của Trung Quốc, xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, thách thức và cơ hội thâm nhập thị trường.

"Các nhà sản xuất của châu Phi nên phát triển một chiến lược thâm nhập thị trường cho Trung Quốc và xem xét các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn, kể cả trên các nền tảng thương mại điện tử", Weigel nói.

"Chính phủ châu Phi nên tăng cường nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu đối với Trung Quốc và hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà sản xuất trong nước".

Những trở ngại khác bao gồm thiếu kiến ​​thức về các thủ tục như tiêu chuẩn và chứng nhận bắt buộc, và lỗ hổng trong hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh. Ngoài ra còn có các vấn đề tài chính, tính kinh tế quy mô và sự thiếu hiệu quả trong hậu cần và hải quan ở phía châu Phi.

Dù vậy, với một số quốc gia, cơ hội phát triển phía trước là rất lớn.

"Châu Phi sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nhập khẩu nông sản trong tương lai", theo Weigel.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM