Châu Âu tham vọng vẽ lại bản đồ năng lượng nhờ đường ống khí đốt mới trị giá 250 triệu USD
Đường ống này sẽ vận chuyển 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, thậm chí có thể mở rộng lên tới 5 tỷ mét khối để đảm bảo nguồn cung.
Xung đột Nga-Ukraine đang tái định hình thị trường năng lượng toàn cầu. Việc châu Âu nhập khẩu một khối lượng lớn khí đốt từ Nga để sưởi ấm các hộ gia đình và phục vụ ngành công nghiệp điện có thể sẽ không còn được thấy trong tương lai, khi mà khu vực Eurozone đang muốn giảm sự phụ thuộc đáng kể vào Nga. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt khan hiếm, Liên minh châu Âu (EU) đặt kỳ vọng có thể vẽ lại được bản đồ năng lượng châu lục nhờ vùng biên giới xa xôi và đồi núi giữa Hy Lạp-Bulgaria.
Tại đây, theo hãng thông tấn AP, một đường ống dẫn dầu mới đã được xây dựng nhằm đảm bảo lượng lớn khí đốt tự nhiên chảy giữa 2 quốc gia, qua đó hỗ trợ quá trình sản xuất điện và sưởi ấm các hộ gia đình.
Đường ống này có tên Kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgari (Gas Interconnector Greece-Bulgaria), được thi công ngay từ trong giai đoạn dịch COVID-19 và dự kiến đi vào hoạt động thương mại từ tháng 6 này.
Các máy hạng nặng đang lắp đặt một đường ống gần thị trấn Komotini, phía bắc Hy Lạp
Được biết đường ống vùng biên giới Hy Lạp-Bulgaria trị giá 250 triệu USD sẽ vận chuyển 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, thậm chí có thể mở rộng lên tới 5 tỷ mét khối để đảm bảo nguồn cung. Với sự hỗ trợ tài chính từ Bulgaria, Hy Lạp, EU, cùng sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ từ Mỹ, đường ống mới này được kỳ vọng sẽ đảm bảo lưu thông một lượng lớn khí đốt lớn giữa Hy Lạp-Bulgaria trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine leo thang, còn Điện Kremlin đe dọa cắt đứt nguồn cung nhiên liệu sang châu Âu.
Với chiều dài 180km, dự án Gas Interconnector sẽ cho phép Bulgaria tiếp cận các cảng láng giềng Hy Lạp - nơi đang nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời dẫn khí đốt từ Azerbaijan thông qua hệ thống đường ống kết thúc tại Italy. Đây được coi là một trong số những dự án đầu tiên giúp Liên minh Đông Âu và các quốc gia muốn gia nhập khối 27 thành viên có thể tiếp cận thị trường khí đốt toàn cầu.
“Bulgaria và Hy Lạp sẽ tiếp tục hợp tác về an ninh và đa dạng năng lượng. Chúng tôi đều tự tin về việc hoàn thiện dự án Kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria đúng tiến độ”, Thủ tướng Bulgari Kiril Petkov nói.
Hai công nhân tại điểm thi công đường ống ở phía Bắc Hy Lạp vào tháng 3/2021
Kế hoạch này chỉ là một trong số rất nhiều nỗ lực của các thành viên liên minh EU trong công cuộc sắp xếp lại ngành năng lượng. Hồi đầu tháng 3, Bộ Kinh tế Đức cũng cho biết Ngân hàng Tái thiết KfW đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất điện hàng đầu RWE và nhà điều hành mạng lưới Hà Lan Gasunie để xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) ở thị trấn cảng Brunsbuettel. Tất cả nhằm một mục đích thay đổi chính sách và cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, phát ngôn viên EU phụ trách Năng lượng Tim McPhie cho biết, châu Âu sẽ "chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga vào năm 2027". EU cũng ước tính có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết sẽ được công bố vào cuối tháng 5 tới.
Máy móc hạng nặng lắp đặt đường ống gần thị trấn Komotini, phía Bắc Hy Lạp
"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong những tuần gần đây cùng với tất cả các bên liên quan để nhập khẩu ít năng lượng hóa thạch hơn từ Nga và mở rộng cơ sở cung cấp", ông Habeck nói. "Việc các hợp đồng cung ứng chấm dứt sẽ ít nhiều gây tổn thương cho Nga".
Theo: Theo Daily Freeman