Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Sứ mệnh của Masan – Trusting Social là hỗ trợ tất cả người dân Việt Nam tiếp cận được tín dụng với lãi suất thấp nhất
Theo Chủ tịch Tập đoàn Masan – Nguyễn Đăng Quang: 2 rào cản chính cho sự phát triển của Việt Nam là hầu hết người dân không tiếp cận được tín dụng có lãi suất thấp và thói quen xem ‘tiền mặt là vua’, khiến doanh nghiệp nếu có vay được vốn từ ngân hàng phải trả lãi suất cao. Vậy nên, sứ mệnh của Masan – Trusting Social sắp tới là góp phần thay đổi thực trạng này.
Với chiến lược mới – phục vụ đủ mọi nhu cầu đời sống của người dân Việt Nam, Tập đoàn Masan đang dần thoát khỏi danh xưng ‘vua sản xuất hàng tiêu dùng’, khi bắt đầu cấp tập lấn sân sang các mảng miếng hấp dẫn khác. Một trong số đó chính là mảng tài chính cá nhân.
Quyết tâm đánh chiếm mảng tài chính cá nhân – tiêu dùng của Masan thể hiện rõ ở chỗ: họ vừa bỏ ra 65 triệu USD để đầu tư vào Trusting Social – một startup về chấm điểm tín dụng cá nhân cùng nhiều dịch vụ liên quan khác.
Không những thế, Masan còn để ông Nguyễn An Nguyên – Founder và Giám đốc điều hành của Trusting Social diễn thuyết trong ĐHCĐ 2022; và bản thân Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cũng có một bài nói chuyện thú vị về mảng tài chính cá nhân mới của tập đoàn.
Mục tiêu của Masan - Trusting Social là sẽ mở 1 triệu tài khoản tín dụng cho người dân Việt Nam trong năm 2022. Tài khoản này sẽ có 1 thẻ tín dụng tên EVO: vừa có chức năng của 1 thẻ tín dụng, vừa là thẻ khách hàng thân thiết của của hệ thống WinMart và nhà mạng ảo Reddi.
Sự khác biệt của thẻ tín dụng EVO so với các thẻ tín dụng thông thường khác là người dùng không cần phải có 1 tài khoản ở Ngân hàng. Người dùng chỉ cần đăng ký thông tin như bình thường sau đó căn cứ vào điểm tín dụng của mỗi người mà Trusting Social đã tính toán được, người dùng sẽ được cấp thẻ EVO hay không và nếu được thì hạn mức tín dụng tối đa mỗi tháng sẽ là bao nhiêu. Người dùng chỉ cần thao tác đăng ký qua online và thời gian trả kết quả khoảng vài phút.
Sau đây là bài phát biểu của Chủ tịch Masan – Nguyễn Đăng Quang trong ĐHCĐ 2022 của Tập đoàn, về lý do vì sao Masan lại tìm đến với Trusting Social và sứ mệnh chính của cả hai trong thời gian tới ở mảng tài chính tiêu dùng là gì.
------------
Chúng ta có niềm tin: 1 triệu thẻ tín dụng cho khách hàng bình dân có thể trở thành 1 hiện thực mới ở Việt Nam. Ở nơi mà 80% người tiêu dùng không có tài khoản ngân hàng, không có thu nhập cố định. Vì thế, ngân hàng không có cái gì nhìn vào để nói rằng: bạn có thu nhập thế - thế kia, vì thế chúng tôi có thể tính ra được lifetime value, vì thế chúng tôi có thể cấp cho bạn hạn mức tín dụng phù hợp. Điều đó chưa xảy ra ở Việt Nam!
Hệ quả: người tiêu dùng Việt Nam – cụ thể là những người tiểu thương – nông dân trồng trọt chăn nuôi ở nông thôn, họ chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu tài chính của mình theo những cách không chính thống nên khá rủi ro.
Chắc mọi người Việt Nam đều biết về hụi – 1 dạng tín dụng cộng đồng, 10 đến 15 người tụ lại góp tiền, sau đó người lấy trước người lấy sau và quay vòng. Vậy nên, tại Việt Nam mới có việc, cứ lâu lâu chúng ta lại nghe chuyện vỡ hụi. Hoặc họ sẽ tiếp cận với ‘tín dụng đen’ cùng lãi suất cao khủng khiếp.
Với Masan Meat, chúng tôi thường tiếp cận và làm việc sâu sát với các chủ trang trại nuôi heo. Mọi người có biết: người nông dân nuôi heo không có vốn, họ sẽ nhận cám từ các đại lý. Còn người trồng lúa sẽ nhận giống – phân trong cả vụ đấy từ các đại lý và họ sẽ trả tiền cho các đại lý sau khi thu hoạch xong.
Và mọi người có biết cost of fund – chi phí trồng trọt hoặc chăn nuôi của người nông dân theo phương cách nói trên là bao nhiêu không? Từ 2 đến 5%. Chúng ta nghe con số quen quen phải không? Nhưng đây không phải lãi mỗi năm mà là mỗi tháng.
Và với lãi suất tín dụng như vậy, thì nông dân chúng ta nghèo vẫn hoàn nghèo cộng rủi ro kinh doanh vô cùng cao. Và chính vì thế, nó là rào cản của sự phát triển kinh tế của đất nước.
Rào cản thứ hai chính là quan điểm – thói quen, ‘tiền mặt là vua’. Khi chúng ta có tiền mặt trong túi – ví dụ như người nông dân, họ sẽ cảm giác như ‘mình là vua’. Nhưng chúng ta đang trả giá cho thói quen này rất đắt bởi thị trường – hệ thống ngân hàng không có nguồn vốn để cung ứng tín dụng.
Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có lãi suất tiết kiệm rất cao. Từ góc độ người có vốn – đó là tin vui, vì bạn gửi tiền vào Ngân hàng với lãi suất 5% - 6%, có những lúc tốt lên đến 25% - 26%; nhưng đó sẽ là gánh nặng với những người cần vốn kinh doanh.
Ngược lại, ở châu Âu hoặc nước Nhật, khi bạn bỏ tiền vào Ngân hàng, bạn phải trả thêm phí quản lý tài sản cho Ngân hàng. Hay nói nôm na, ở những phát triển, khi bạn đi gửi tiền ở ngân hàng sẽ có lãi suất âm.
Tức là, khi chúng ta không làm gì và lấy tiền gửi vào ngân hàng ở Nhật 100 đồng, thì hết 1 năm bạn sẽ có 99 đồng. Còn ở Việt Nam, bạn bỏ 100 đồng vào Ngân hàng, cuối năm bạn sẽ có 105 đồng.
Câu hỏi ở đây là vì sao các Ngân hàng ở Việt Nam phải làm thế? Trả lời: do người dân có thói quen thích tiền mặt, khiến các Ngân hàng buộc phải bỏ 5% - 6% để mua tiền mặt trong dân bỏ vào hệ thống ngân hàng.
Tất nhiên, tiền vốn đắt sẽ dẫn tới tiền vay đắt và chuỗi tiền vay đắt dẫn tới chi phí sản xuất đắt, chi phí sản xuất đắt dẫn tới việc kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro và không hiệu quả. Chuỗi vòng tròn này tạo ra hiệu quả thấp cho nền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy, các Ngân hàng của chúng ta luôn nói và tìm cách để tiền gửi vào ngân hàng lãi suất càng thấp càng tốt. Để làm sao người tiêu dùng và người nông dân có thể tiếp cận được tiền vốn với lãi suất chấp nhận được.
Tuy nhiên, câu chuyện này khá dài và giải pháp rất phức tạp, chúng ta nên quay lại câu chuyện giữa Trusting Social và Masan.
Đây là sự hợp tác với nguồn lực – tri thức – trí tuệ dồi dào; vì chúng ta đang cố gắng thay đổi phần nào đó thực trạng của thị trường. Đầu tiên là cơ hội để người tiêu dùng có thể tiếp cận tín dụng và lãi suất tín dụng – cost of fund một cách thấp nhất. Chúng ta tin rằng, nếu làm được điều này sẽ tạo ra, không những giá trị cho người tiêu dùng mà cho cả xã hội.