Châu Âu bất ổn, 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ ra sao?
Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ có nhiều ảnh hưởng lên kinh tế châu Á, tuy nhiên mức độ tác động với mỗi nền kinh tế sẽ khác nhau.
Ngay sau khi kết quả Brexit được công bố vào ngày thứ Năm cách đây 2 tuần, Chính phủ nhiều nước châu Á đã phải đưa ra nhiều biện pháp cứu kinh tế. Ngày thứ Ba tuần liền sau đó, Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố gói chi tiêu 17,1 tỷ USD và đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.
Tại Nhật, Chính phủ Nhật đã ngay lập tức phải có nhiều cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố sẵn sàng bơm tiền hạ giá đồng yên khi cần thiết.
Đối với Trung Quốc, chính phủ nước này cũng thể hiện tâm lý lo lắng về tác động dài hạn của Brexit lên kinh tế Trung Quốc, ngoài ra là thương mại toàn cầu.
Như vậy, các nước châu Á sẽ không chịu ảnh hưởng trực tiếp mà sẽ chịu tác động gián tiếp từ Brexit. Khi mà chính phủ của 3 nền kinh tế hàng đầu châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng của mình để thích ứng với Brexit, các nền kinh tế châu Á cũng sẽ phải thay đổi theo.
Trung Quốc hiện đang là tâm điểm của những thay đổi trong kinh tế châu Á. Lộ trình thay đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa của kinh tế Trung Quốc đang không đi theo đúng kỳ vọng của chính phủ nước này. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đã giảm từ mức 8,9% ở thời điểm quý 1/2014 xuống mức trung bình chỉ 7% trong 3 quý gần đây.
Ngay cả xuất khẩu Trung Quốc cũng không tăng trưởng tốt. Lĩnh vực công nghiệp trong đó bao gồm sản xuất thép và đóng tàu cũng đang đối diện với vấn đề công suất thừa quá lớn. 2 thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc bao gồm châu Âu và Nhật đều đang gặp những vấn đề về kinh tế nên tiêu dùng tăng trưởng yếu.
Hậu quả, tính từ đầu năm 2015 đến nay, xuất khẩu của Trung Quốc chỉ có duy nhất 2 tháng đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Trong bối cảnh Brexit, kinh tế châu Âu và Nhật đều gặp khó, kinh tế và xuất khẩu Trung Quốc chắc chắn chịu nhiều tác động.
Không lâu nữa, chắc chắn chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phải đưa ra nhiều chính sách cải cách nền kinh tế và thị trường tài chính. Áp lực từ Brexit sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc, trọng tâm tăng trưởng sẽ chuyển dần từ xuất khẩu sang tiêu dùng.
Bất kỳ thay đổi nào của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ ngay lập tức tác động đến Hàn Quốc, trong năm 2015, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc chiếm đến 15% tổng GDP Hàn Quốc. Đối với Hàn Quốc, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không đáng sợ bằng cơn “ác mộng” Trung Quốc cũng đang hướng đến sản xuất để xuất khẩu nhiều mặt hàng giống Hàn Quốc, bao gồm hàng điện tử, tàu biển, sản phẩm hóa dầu và sau đó có thể là xe ô tô.
Thị phần của tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc Samsung đã giảm từ 31,1% vào năm 2013 xuống 22,3% vào năm 2015. Cùng lúc đó, các công ty Trung Quốc như Xiaomi, OPPO và Huawei ngày một lớn mạnh với thị phần trong cùng khoảng thời gian trên tăng từ 8,8% lên 15,3%. Những công ty này có phương thức tổ chức và hoạt động khác hoàn toàn so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Trung Quốc vốn rất cồng kềnh và lạc hậu.
Việc kinh tế Trung Quốc chững lại tác động đến Hàn Quốc là một phần, nhưng chính Trung Quốc cũng đang trở thành đối thủ cạnh tranh quan trọng của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực. Bất kỳ yếu tố bất ổn nào của kinh tế toàn cầu sẽ tác động rất xấu đến xuất khẩu của Hàn Quốc sang châu Âu và Anh, dù hoạt động thương mại giữa Hàn Quốc với Anh và châu Âu được bảo vệ bởi các hiệp định tự do thương mại.
Chính phủ Hàn Quốc đã không thể “ngồi yên”. Sau Brexit chỉ vài ngày, Hàn Quốc công bố gói kích cầu dành cho lĩnh vực xuất khẩu. Ai cũng hiểu bởi rất nhiều tập đoàn lớn hay còn gọi là chaebol của Hàn Quốc tồn tại dựa vào xuất khẩu, điều đó lý giải tại sao chính phủ không thể để các “con cưng” của mình khó khăn. Đối với Hàn Quốc, việc dịch chuyển trọng tâm nền kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng thậm chí còn khó hơn nhiều so với Trung Quốc bởi tỷ trọng thu ngân sách của Hàn Quốc từ xuất khẩu còn cao hơn Trung Quốc.
Kinh tế Nhật khó khăn thời kỳ hậu Brexit là điều không cần phải bàn cãi. Suốt hơn 2 thập kỷ qua, kinh tế Nhật gần như không tăng trưởng, khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra chương trình 3 mũi tên bao gồm kích thích tài khóa, kích thích tiền tệ và cải tổ cấu trúc, thành công của nhóm chính sách đó đến nơi mới chỉ ở mức độ hạn chế.
Thậm chí theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đến cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, chính phủ Nhật nhiều khả năng sẽ buộc phải ngưng lại chương trình nới lỏng định lượng bởi giới hạn mua trái phiếu chính phủ Nhật đã kịch trần.
Dường như chính phủ Nhật đã hết cách để kích thích kinh tế tăng trưởng ngoại trừ việc cứ hạ lãi suất xuống sâu hơn nữa dưới mức âm, quyết định này dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 7/2016. Brexit khiến chính phủ Nhật càng khó khăn hơn khi đồng yên tăng giá không ngừng.
Cả Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc đều đang trong quá trình chuyển đổi quan trọng mà những thay đổi đó sẽ có tác động không nhỏ đến diễn biến kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Brexit sẽ giúp quá trình thay đổi đó diễn ra nhanh và bất ngờ hơn.