Chàng trai thi đại học 14 lần, thu nhập hàng chục tỷ đồng: Có lần mất trắng 700 triệu trong 1 ngày vẫn "cắn răng" làm tiếp
Nếu người trẻ 1 lần thi đại học là phát ngán, thì chàng trai này lại từng thi đến 14 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khởi nghiệp năm 19 tuổi, bị chê "3 tháng là dẹp tiệm"
Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1987) sinh ra ở miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), từng là cựu sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội. Dưới sự hướng dẫn của cha, Mão bắt đầu những bài tập vỡ lòng với cây sáo đầu tiên năm lên 8 tuổi.
Đến khi lên đại học, phong trào chơi sáo của các bạn sinh viên khá phát triển nên 8X dần trở thành chủ nhiệm các CLB sáo trúc Hà Nội. Anh chàng thậm chí còn nhiều lần lặn lội về Nghệ An tìm nguyên liệu làm sáo để làm quà tặng cho các bạn cùng CLB.
(Ảnh chụp màn hình)
Một lần, Mão bán lại cây sáo với giá 100.000 đồng với lời đề xuất từ người bạn. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh, anh chàng chăm chút hơn cho việc chế tạo sáo khi làm rất nhiều loại khác nhau, mang những âm hưởng vùng miền khác nhau. Càng ngày tay nghề càng lên cao, 8X rút ngắn được chi phí sản xuất và thời gian hoàn thiện sản phẩm.
Thay vì bán theo giá thị trường 100.000-200.000 đồng, Mão chỉ bán với giá chưa đến một nửa là 50.000. Thời gian đầu có tuần chỉ bán được 5-7 cây, số tiền lãi còn chưa đủ về quê lấy thêm nguyên liệu. Tuy nhiên, Mão vẫn liều lĩnh mở cửa hàng để khách hàng có chỗ thử sáo, cũng như tạo sự chuyên nghiệp cho công việc kinh doanh.
Quyết định này của anh chàng bị phản đối rất nhiều bởi số tiền lãi cho một chiếc sáo không nhiều, việc bán hàng online sẽ thuận lợi và tiết kiệm chi phí hơn. Thậm chí, chủ mặt bằng còn thẳng thừng nói với Mão "chỉ 3 tháng là dẹp tiệm".
Những ngày đầu khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh của Mão bị phản đối kịch liệt
Cứ như vậy, sau khi tốt nghiệp đại học thì Mão đã có thu nhập ổn định 60-70 triệu/tháng; có xưởng sản xuất rộng 500m2 đặt tại Nghệ An với 21 cửa hàng ở Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An... Anh chàng cũng đăng ký sở hữu trí tuệ bản quyền sáo trúc, đồng thời từng lập kỷ lục GUINESS Việt Nam với chiếc sáo dài 2m.
Chuyển hướng kinh doanh ống hút tre, 8X thu về hàng chục tỷ đồng
Một ngày, một người bạn gợi ý cho Mão là ống hút tre đang đắt khách. Chàng trai không tin và quên luôn ý tưởng kinh doanh này. Bất ngờ 1 năm sau, người bạn khác làm xuất nhập khẩu lại đặt hàng Mão sản xuất thử 1.000 ống hút tre để xuất khẩu sang nước ngoài.
Tận dụng nguyên liệu và nhân công vốn đang làm cho sáo trúc, anh chàng chuyển đổi hình thức kinh doanh. Mão chọn những cây nứa đủ tuổi, đường kính 5-13mm, chiều dài đốt 20cm cắt gọt, phơi sấy, đánh bóng, luộc và sấy khô ở mức nhiệt 120 độ. Ống hút làm sạch và được đóng gói để tránh làm ẩm mốc, có thể bảo quản 2 năm sau khi sử dụng.
Trung bình 1 tháng, công ty Mão cung cấp tổng cộng 6 triệu ống hút tre
Mão đầu tư 650 triệu cho chiếc máy khắc chữ tạo dựng thương hiệu; các loại máy như máy sấy, nồi hơi, nồi luộc cũng tốn hết 1 tỷ đồng. Đặc biệt, khó khăn nhất vẫn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào. Bởi mặc dù có 10 năm kinh nghiệm làm thân sáo trúc, nhưng nhu cầu đặt hàng ống trúc tre ngày càng nhiều khiến Mão phải đắn đo dùng nguyên liệu nào vừa an toàn lại tiết kiệm nhất.
"Những ngày ngồi xe máy chạy hàng trăm cây số đến tận nơi để lấy nguyên hiệu về trực tiếp mày mò sản xuất là khó khăn nhất. Biết tiêu chuẩn của doanh nghiệp nước ngoài gắt gao nên mình kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đồng thời đăng ký sở hữu trí tuệ, thiết kế nhãn hàng".
Mão nhận ngày càng nhiều đơn hàng quốc tế từ Pháp, Đức..., cộng với nhu cầu trong nước nên mỗi tháng công ty cung cấp tổng cộng 6 triệu ống hút tre. Mức giá thấp nhất với đơn hàng 1 triệu ống trở lên là 1.200 đồng/chiếc. Tối thiểu một tháng, Mão thu được gần 10 tỷ đồng trong đó đã bao gồm chi phí nguyên vật liệu, hao phí máy móc và tiền nhân công.
Thu nhập khủng từ công việc kinh doanh giúp anh chàng sớm tậu được nhà lầu, xe hơi
Đóng 10 cửa hàng, "mất tiền tỷ nhưng hôm sau vẫn vô tư làm sáo"
Sau hơn 10 năm lăn lộn với nghề, Mão cũng tự mua được ô tô và căn nhà bạc tỷ để "an cư lạc nghiệp". Câu chuyện chàng sinh viên tay trắng trở thành ông chủ 21 cửa hàng, cung cấp sản phẩm cho khách quốc tế truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên, kinh doanh không phải lúc nào cũng "màu hồng"!
Mão tâm sự: "Thời mới làm ống hút tre, mình đánh 10 chuyến xe nguyên liệu từ Đồng Nai về nơi sản xuất. Nguyên liệu thô phải phơi nắng 3 tháng mới sử dụng được, nhưng sau đó quê tôi lại đổ cơn mưa lớn, thế là mất trắng 700 triệu chỉ trong 1 ngày. Những lần sau, mình nhận ra chỉ nên nhập nguyên liệu đã phơi rồi đồng thời xây dựng các kho hàng hoàn thiện hơn".
Ngoài sản xuất ống hút tre và sáo, Mão còn đầu tư nhiều mặt khác như bất động sản, nuôi cá... Nhưng hầu hết đều không hiệu quả khi có khoản thì hòa vốn, có khoản lại thua lỗ tiền tỷ. "Bố vẫn thường đùa tính mình vô tư, hôm trước mất tiền tỷ thì hôm sau vẫn đi làm như thường. Niềm đam mê nghệ thuật và sống cuộc đời sinh viên giúp mình suy nghĩ đơn giản hơn các doanh nhân khác".
Đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm khiến công việc kinh doanh của Mão trì trệ, 10 cửa hàng phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, Mão vẫn cho biết do tối ưu hoạt động kinh doanh nên chuỗi cửa hàng sáo trúc vẫn đạt doanh thu 500-600 triệu đồng/tháng, đủ chi phí để tiếp tục các dự án khác.
Chàng trai này từng tham gia chương trình giải trí trên sóng truyền hình
14 lần thi lại, từng học 4 trường đại học
Nếu 1 lần thi đại học với giới trẻ là phát ngán, thì Mão lại đi thi đến 14 lần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Anh chàng coi đây là đam mê đặc biệt, vừa thử thách bản thân lại khiến mình ngày càng trẻ ra. Bên cạnh đó, sinh viên cũng là một nguồn khách hàng tiềm năng nên 8X cũng muốn có thêm nhiều cơ hội hiểu hơn thị hiếu của nhóm này.
Thi đại học 14 lần nhưng điểm trung bình của anh chàng này khoảng trên 20 - đủ để đậu vào các trường top trung bình. Anh từng học các trường như: ĐH Kiến trúc - Đà Nẵng, ĐH Thủy lợi, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Công Đoàn, ĐH Thương mại...
"Mình không cần ôn thi, gần như không quên bài quá nhiều dù sách vở có thể thay đổi chút ít theo các năm. Mình làm được những câu hỏi ở mức trung bình - khá và hầu như năm nào cũng đỗ đại học, trở thành sinh viên năm nhất. Mình muốn trở thành tấm gương cho những người thi ĐH lần thứ 2, thứ 3... họ nhìn vào mình và thấy cứ đi thi đi, không sao hết.
Mình mong mọi người nhìn nhận một cách nhẹ nhàng rằng không bao giờ quá muộn để học tập. Chừng nào sức khỏe còn cho phép, mình vẫn sẽ tiếp tục đi thi và trở thành tân sinh viên".
Anh chàng này đã từng là tân sinh viên đến 14 lần! (Ảnh: Nhân vật cung cấp)