Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh

29/07/2024 08:30 AM | Sống

Suốt gần 7 năm qua, Sùng A Cải (SN 1992, Yên Bái) vẫn luôn kiên trì từng ngày cho ước mơ thật lớn của mình - ước mơ triệu cây xanh.

Chàng trai người Mông lớn lên cùng thiên tai

Lớn lên cùng mảnh đất núi rừng Yên Bái, chàng trai người Mông Sùng A Cải với vóc dáng nhỏ bé, tự nhận chỉ là một “biên tập viên xoàng” nhưng lại mang trong mình một ước mơ thật lớn về triệu cây xanh được trồng trên mảnh đất quê hương mình với dự án phi lợi nhuận “Ước mơ triệu cây xanh”.

Với mục tiêu rõ ràng và đam mê không ngừng, mỗi cuối tuần được nghỉ làm Anh Cải đều về quê thăm những đồi cây đã trồng hoặc từng bước hiện thực ước mơ của mình thông qua việc đi khảo sát địa điểm, nghiên cứu sự thích nghi của cây đối với đất đai, khí hậu, cũng như lên kế hoạch trồng cây, thời gian trồng phù hợp. 

Ngay cả trong những giờ nghỉ ngơi buổi trưa, buổi tối hiếm hoi, anh cũng không ngừng trao đổi với bạn bè, đối tác và tình nguyện viên về kế hoạch trồng cây - niềm vui và đam mê của mình. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần kiên trì, chàng trai này đang từng bước hiện thực hóa ước mơ xanh hóa các vùng đất trống ở quê nhà.

Anh Sùng A Cải cho hay, tất cả khởi nguồn từ ước mơ thời tấm bé, khi tận mắt chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở, mất mùa… liên miên tàn phá mảnh đất quê hương, khiến cuộc sống bà con vốn đã khó khăn lại càng thêm cơ cực.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 1.

Anh Sùng A Cải (bên phải)

Anh vẫn không khỏi ám ảnh nhớ lại cảnh tượng mình từng chứng kiến khi học lớp 6, vào năm 2006:

“Lũ quét, sạt lở đất tàn phá ruộng, nương... bùn đất xâm lấn đồng ruộng làm mất mùa. Ngay chính gia đình mình cũng phải mất tới 2 năm mới có thể khắc phục xong những thiệt hại nặng nề do lũ quét gây ra. Điều mà chúng ta vẫn coi là bình thường, như đủ lương thực để ăn, lại trở thành một khát vọng lớn lao với người dân vùng cao khi thiên tai xảy ra.

Sùng A Cải cùng các em nhỏ trồng cây ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Là con thứ 3 trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, bố lại đau ốm nên mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai gầy của người mẹ cũng như các anh chị em trong nhà.

Không phụ lòng cha mẹ và người thân, anh Cải đã nỗ lực vươn lên, giành được giải Ba quốc gia môn Địa lý trong năm lớp 12. Thành tích này đã giúp anh được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội, theo học chuyên ngành Địa lý. 

Chính môi trường đào tạo chuyên sâu này đã mở rộng tầm nhìn của anh. Anh nhận ra rằng, nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn, cơ cực mà anh và bà con mảnh đất quê hương phải chịu đựng chính là do tác động của biến đổi khí hậu. Và chặt phá rừng nhất là rừng đầu nguồn là một trong những yếu tố chính gây nên những thiên tai ấy.

Nếu như không có sự thay đổi, điều này sẽ ngày càng thay đổi tồi tệ hơn.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 2.

Nếu như không có sự thay đổi, điều này sẽ ngày càng thay đổi tồi tệ hơn.

Với tình yêu thương, mong ước cháy bỏng được làm những điều ý nghĩa cho quê hương, ngay sau khi tốt nghiệp, vào ngày 11/11/2017, anh Sùng A Cải đã bắt đầu dự án “Ước mơ triệu cây xanh” với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo mạch nước ngầm, bảo vệ đất, môi trường, đồng thời tạo sinh kế cho các hộ dân phát triển bền vững.

Người dân sẽ được dự án toàn bộ hoặc một phần giống cây lâu năm, bao gồm cây lim xanh, lát hoa, trắc, mỡ... để trồng ở các khu vực đất dốc, đồi núi trọc dễ bị sạt lở hoặc các khu vực ở gần rừng đầu nguồn.

Cùng với đó, anh Cải cũng nhận thấy tình trạng sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, đồng thời tình trạng ruộng nương bị bỏ hoang khi nhiều người dân ra thành phố kiếm việc làm. Đây cũng là lý do để chàng trai người Mông quyết tâm thực hiện dự án trồng cây này bắt đầu ngay trên chính mảnh đất của quê hương.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 3.

“Mình nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần vận động được người dân địa phương trồng cây thì chỉ sau 5 – 10 năm, họ đi làm xa về đã có một khối tài sản rất lớn ở nhà. Khi đó, họ có thể khai thác số tài sản này để cải thiện cuộc sống”, anh Cải tâm sự.

Và giống như một câu hát mà anh Cải rất thích, “có một cây là có rừng” - cây đầu tiên bao giờ cũng là cây khó khăn nhất nên anh Cải quyết tâm là người khởi đầu với mong muốn có thể làm nên những điều phi thường.

“Phương châm của dự án là mỗi ngày một cây, 365 ngày 365 cây – mỗi người một cây, triệu người triệu cây. Nếu chúng ta trồng được cây đầu tiên thì các cây sau sẽ dễ trồng hơn. Mỗi người có đóng góp dù chỉ một chút cũng có thể tạo nên những điều phi thường”, anh Cải chia sẻ.

"Về quê thấy cây mình trồng bị chết mà rớt nước mắt"

Khi quyết định thực hiện sẽ trồng rừng ở mảnh đất quê hương anh đã khiến gia đình không khỏi ngỡ ngàng. “Nhà có mỗi mảnh đất để trồng ngô. Giờ con đòi trồng mấy cây lâu năm như trắc, mỡ, keo dậu… thì nhà lấy gì mà sống”, mẹ anh lên tiếng phản đối khi nghe anh nói về việc mong muốn có thể xin đất gia đình để trồng rừng.

Tuy nhiên, do việc trồng ngô không năng suất lại mất mùa nên cuối cùng anh vẫn thuyết phục được bố mẹ đồng ý cho cậu con trai từng là “niềm tự hào của gia đình” thử sức trồng cây.

Sau khi thử trồng cây trên chính mảnh đất của gia đình, anh Cải mạnh dạn vận động bà con và mua giúp cây giống cho họ trồng. Biết chuyện, bố anh mắng sa sả: “Đừng lo chuyện bao đồng! Sau này họ có cái ăn, họ có nhớ tới mình không?”.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 4.

Những ngày đầu thực hiện dự án không hề dễ dàng nhưng rồi nhận thấy quyết tâm trong anh, không những bố mẹ mà cả anh chị em trong gia đình đều ủng hộ anh thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, những khó khăn anh Cải gặp phải không chỉ dừng lại ở đó. Trong quá trình thực hiện dự án, anh Sùng A Cải chia sẻ rằng điều khó khăn nhất chính là vấn đề thiếu kinh phí mua giống cây, thậm chí cây bị chết do ảnh hưởng của thời tiết. Cùng với đó, thời gian đầu, anh Cải không thể theo dõi sát sao về sự phát triển của cây do làm xa.

“Nhiều khi về quê thấy cây mình trồng bị chết mà rớt nước mắt”, anh Cải tâm sự.

May mắn, anh Cải luôn nhận được sự giúp đỡ từ mọi người, đặc biệt là các tình nguyện viên cũng như các trường học, tổ chức... ủng hộ chi phí để mua cây giống duy trì dự án. Được biết, toàn bộ chi phí để thực hiện dự án “Ước mơ triệu cây xanh” là sự đóng góp từ cộng đồng, gây quỹ thông qua việc bán nông sản địa phương và tham gia các cuộc thi.

Với chi phí là 30.000 đồng/cây, dự án sẽ trồng và chăm sóc cây trong vòng 3 năm cùng với người dân, Đoàn Thanh niên địa phương nơi dự án triển khai, bao gồm chi phí cây giống, trồng và chăm sóc; phân bón, xử lý thực bì; phòng trừ rủi ro.

“Có bạn chuyển công tác và có bạn gia nhập đồng hành nên số thành viên cũng biến động đôi chút. Còn nhóm mình chủ yếu có 5 bạn hoạt động chính, thường xuyên cho các hoạt động.” - anh Cải thông tin thêm.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 5.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 6.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 7.

Mỗi chuyến đi trồng cây xanh của anh Cải cũng luôn có sự đồng hành và tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng Đoàn Thanh niên. Sau khi trồng, những cây xanh này sẽ được các hộ gia đình, tình nguyện viên ở địa phương tham gia chăm sóc.

“Khoảng 2 – 3 tháng, tôi sẽ về thăm các cây đã trồng và khảo sát thêm những nơi cần trồng cây. Tôi và các tình nguyện viên sẽ đi thăm hỏi, động viên và trò chuyện với các hộ gia đình tham gia dự án”, anh Cải chia sẻ.

Trong tương lai gần, anh Cải chia sẻ bản thân cũng sẽ thu xếp về quê ở hẳn để thuận lợi thực hiện dự án.

Đến một triệu cây xanh được trồng

Sau 7 năm hoạt động, những quả đồi, cánh rừng thưa thớt ngày nào đã được bao phủ bởi màu xanh từ sự cố gắng, nỗ lực của anh Cải và những người đồng hành.

“Một số nơi trồng cây đã xuất hiện mạch nước ngầm trở lại và nhiều đàn chim cũng bắt đầu trở về rừng để làm tổ. Ôm thân cây mình tự tay trồng, lắng nghe tiếng chim hót rộn vang cả cánh rừng mới, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và tin tưởng về cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn tại chính quê hương mà mình sinh ra và lớn lên.”, anh Cải vui mừng chia sẻ.

Nếu phạm vi của dự án ban đầu chỉ tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa và nghèo khó như các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải tại Yên Bái thì sau gần 7 năm hoạt động, đến thời điểm hiện tại, đã mở rộng thêm là các địa phương khác bao gồm Hòa Bình, Sơn La, Nam Định, Hà Nội, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số cây được dự án trồng đã lên đến 82.000 cây, số cây do người dân được vận động trồng lên tới hơn 950.000 cây. Trong đó, số cây trồng được nhiều nhất là ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi anh Cải sinh ra và lớn lên.

“Định hướng trong năm tới, bên mình sẽ trồng thêm ở ven biển, tiếp tục trồng ở các vùng đất trồng đồi núi trọc và các khu bảo tồn (khu vực bị lấn rừng).” - Anh Cải vui vẻ chia sẻ.

Trong thời gian tới, anh Sùng A Cải cho biết muốn chọn thêm một số loại cây dược liệu, cây tầm thấp để trồng nhằm gia tăng thu nhập cho các hộ dân. Đây cũng là cách tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 8.

Bên cạnh việc những cây xanh cứ vậy lớn dần phủ xanh đồi trọc, bên cạnh tiếng hót líu lo của những bầy chim về làm tổ, một trong những điều khiến anh Cải không khỏi vui mừng chính là ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng ngày càng được nâng cao.

Khi thực hiện được một thời gian, bản thân mình nhận thấy người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn, đơn cử như việc nhiều hộ dân đã có thể tự tạo vườn ươm cây giống để gia đình có thể đa dạng loại cây trồng hơn. Có một số nhà có ý thức phát triển việc đa canh (trồng nhiều loại cây, nhiều tầng và thời gian thu hoạch khác nhau), một số hộ có nguồn thu từ các cây trồng và tiếp tục tái đầu tư trồng cây.

Đó chính là tin vui với chúng mình, đi đúng hướng chúng mình mong muốn “trao cần câu và hướng dẫn người dân sử dụng để câu được cá một cách bền vững, vừa có trách nhiệm với tự nhiên hiện tại, vừa để lại cho thế hệ sau những giá trị của rừng”.

Không chỉ trao đi, anh Cải cũng đồng thời học tập được rất nhiều bài học quý giá từ bà con trong quá trình thực hiện dự án:

“Đó có thể chỉ là những câu chuyện dung dị về cây, về rừng và nỗi niềm của họ về tương lai, về giáo dục con trẻ và tương lai của thế hệ trẻ.

Mình rất khâm phục câu chuyện của anh Vàng A Giống ở Văn Chấn, Yên Bái. Khi tham gia dự án với chúng mình từ những ngày đầu, giờ gia đình anh đã thoát nghèo, có thể mua được tủ lạnh và biết cách sử dụng đồng tiền rất hợp lí, tự tạo tủ thuốc gia đình,…”

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 9.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 10.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 11.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 12.

Ngoài trồng cây, anh Sùng A Cải và những người bạn của mình còn làm thư viện sách, thư viện cộng đồng, tổ chức các hoạt động giao lưu cho học sinh vùng cao, trò chuyện với các bạn trẻ là tình nguyện viên tham gia trồng cây.

Với những thành quả đã đạt được ở hiện tại, anh Cải cùng “Ước mơ triệu cây xanh” đang triển khai dự án “Rừng và Em” với hoạt động định hướng nghề và hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số có ý chí vươn lên trong học tập đến khi các em có nghề nghiệp ổn định, tự nuôi sống được bản thân.

Chàng trai dân tộc Mông lớn lên cùng thiên tai, lũ lụt cùng người dân trồng hơn triệu cây xanh- Ảnh 13.

“Hi vọng, với sức nhỏ bé thì chúng mình có thể vững bước đi xa hơn.” - Đây là điều anh Cải mơ ước.

Anh Cải chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án “Ước mơ triệu cây xanh”, anh chỉ mong có thể đóng góp sức mình nhỏ bé để xây dựng quê hương. Anh Sùng A Cải hy vọng: “Trong thời gian tới, sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm tới việc trồng cây và phát triển sinh kế bền vững cho những người yếu thế ở vùng cao, góp phần mang lại nhiều giá trị lâu dài cho các thế hệ mai sau”.

Theo Phạm Trang

Cùng chuyên mục
XEM