Ông Hoàng Nam Tiến: Đã qua cái thời có thể đánh cướp, dùng quan hệ và đồng tiền mà giàu nhanh, đây là lúc thực học mới thành công

07/09/2024 08:55 AM | Kinh doanh

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên: Bỏ tất cả những thứ phù phiếm đi và trả lời 3 câu hỏi.

Ông Hoàng Nam Tiến: Đã qua cái thời có thể đánh cướp, dùng quan hệ và đồng tiền mà giàu nhanh, đây là lúc thực học mới thành công- Ảnh 1.

“Có một câu hỏi mà các lãnh đạo trẻ từng đặt ra với tôi: Tại sao có những người kiếm được quá nhiều tiền một cách nhanh chóng và thành đạt quá nhanh đến vậy?” – Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT cho biết tại sự kiện “Từ số 0 tới doanh nghiệp tỷ đô” do Gapowork và Newing tổ chức vừa qua.

Ông Tiến nói rằng: “Đã qua rồi cái thời kỳ có thể đánh cướp, có thể nhờ quan hệ, nhờ đồng tiền mà thành đạt nhanh chóng. Đây là thời chúng ta có thể nói đàng hoàng với nhau rằng, thực học mới có thể thành công”.

Điều này được khẳng định bằng một thành tựu của Tập đoàn FPT trong năm 2023 vừa qua, đó là doanh thu 1 tỷ USD hoàn toàn từ xuất khẩu phần mềm.

Con số 1 tỷ USD này từng được ông Hoàng Nam Tiến đặt ra trong cuộc họp nhiều năm trước của FPT và bị coi là “chém gió”. Cho đến lúc này, khi được hỏi vì sao FPT làm được những điều không tưởng, ông Tiến hay nói rằng đó là nhờ sự may mắn.

“Nhưng may mắn đó chỉ đến được khi chúng ta có niềm tin mãnh liệt, có sự chăm chỉ mỗi ngày và mỗi 1 giờ đều phải sáng tạo, đổi mới… 1 tỷ đô la đó đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và thanh xuân tuổi trẻ của các anh em FPT Software” – Ông Tiến nói.

Ông Hoàng Nam Tiến: Đã qua cái thời có thể đánh cướp, dùng quan hệ và đồng tiền mà giàu nhanh, đây là lúc thực học mới thành công- Ảnh 2.

Những vấn đề mà ông Hoàng Nam Tiến nói đến là minh chứng cho sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp – khái niệm mà nhiều người vẫn còn cảm thấy trừu tượng nhưng đã và đang tạo nên động lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp ngày nay.

Theo Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, đến một ngày nào đó, khi so sánh với nhau, người ta sẽ so sánh bằng văn hóa. Hiện tại, khi nói về tất cả các phương pháp quản trị hiện đại nhất thế giới thì phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hướng đến sự bền vững, sự phát triển lâu dài đều nói câu chuyện phải quản trị bằng văn hóa.

Nhìn lại quá khứ, vào ngày 13/12/2006, FPT lên sàn chứng khoán. Chỉ qua 1 đêm, Tập đoàn có 150 triệu phú đô la. Bệnh đột kim khiến FPT “mắc bệnh” tin rằng mình luôn đúng. Họ hồ hởi thành lập ngân hàng, công ty chứng khoán, lấn sân sang làm bất động sản…

Chỉ 3 năm sau đó, ông Trương Gia Bình nhận ra rằng, không ai giỏi tất cả mọi thứ, và quyết định thoái vốn, quay lại những gì là giá trị cốt lõi của FPT. Đó là con người và công nghệ.

Nhắc về chuyện này, ông Hoàng Nam Tiến đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp: “Hãy nhìn lại – bỏ tất cả những thứ phù phiếm đang quảng cáo trên website đi và trả lời 3 câu hỏi: Đâu là giá trị cốt lõi của công ty mình, đâu là năng lực cốt lõi của mình, và đâu là những con người cốt lõi?

Đó là những con người mà khi rơi vào hoàn cảnh khó quá, phải “đuổi” từ Phó Tổng giám đốc đến Tổng giám đốc nhưng vẫn phải giữ họ lại. Trả lời được 3 câu hỏi đó, mới có thể nói tiếp được câu chuyện doanh nghiệp có văn hóa hay không và có thể quản trị bằng văn hóa doanh nghiệp hay không”.

Ông Tiến cũng nói thêm, nếu một công ty có thể “thay ai cũng được”, chỉ cần duy nhất ông chủ mà vẫn có thể vận hành và phát triển, thì cũng không thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

“Trên đời không có ai là hoàn hảo, không có doanh nghiệp nào hoàn hảo nhưng chúng ta có quyền rất lớn là quyền tự học, thay đổi, tự phát triển để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình qua mỗi ngày” – Ông Hoàng Nam Tiến kết luận.

Theo Lan Hạ

Cùng chuyên mục
XEM