Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê

24/04/2023 08:36 AM | Sống

Với tư cách là thợ đóng giày, không bất ngờ khi Lee Trung xuất hiện trong bộ quần áo chỉnh tề cùng đôi bespoke (giày thủ công làm theo số đo riêng) da cá sấu màu nâu. Anh cho biết, để làm đôi giày này cần đến 4 tháng thiết kế và hoàn thiện. Đó là giày thiết kế cho bản thân. Giày khách đặt hàng thì khác, cần khoảng 6 tháng đến một năm, hay có trường hợp chờ 3 năm mới nhận được sản phẩm.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 1.

Trước khi chạm ngõ với nghề đóng giày thủ công, Lee Trung từng là kỹ sư IT ở Việt Nam, có mức thu nhập không nhỏ. “Khoảng 10 năm trước thì mức lương cho lập trình viên ở Việt Nam, làm cho công ty nước ngoài rơi vào tầm 1.500-2.000 USD, tuỳ vào năng lực. Đồng lương như vậy lúc đó là rất cao rồi”, anh chia sẻ. Đến năm 2013, Lee Trung rời quê hương để sang Nhật Bản làm việc. Tại đây, sự nghiệp của anh có bước ngoặt đáng kể.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 2.

  • Đang làm kỹ sư ở Việt Nam, vì sao anh quyết định chuyển sang Nhật Bản sinh sống và làm việc?

Hồi ấy tôi đang làm kỹ sư cho công ty nước ngoài và ở trong ngành này, mọi người giao tiếp bằng tiếng Anh khá nhiều. Vào thời điểm đó, không ít công ty Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam nên tôi học thêm tiếng Nhật và tìm hiểu văn hoá của họ. Hơn nữa, tôi luôn băn khoăn rằng dù nước bạn gặp không ít thiên tai, họ vẫn có thể hồi phục rất nhanh chóng. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy lôi cuốn.

Rồi tôi thấy một công ty ở nước mình đang tuyển người thì đăng ký đi phỏng vấn. Anh giám đốc lúc ấy nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, hỏi về kinh nghiệm và thấy tôi phù hợp với công việc ở Nhật nên tôi nhận lời sang đó làm việc. Họ đào tạo tiếng cho tôi trong vòng 2 tháng xong thì tôi sang Nhật. Thời gian đầu chưa rành tiếng lắm, còn chưa viết được, may thay tôi được các anh ở công ty chỉ dạy, vừa làm vừa học thêm. Sau khoảng 1-2 năm thì khả năng tiếng Nhật của tôi cũng tốt hơn.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề đóng giày thủ công?

Ở Nhật được khoảng một năm, tôi làm kỹ sư cầu nối cho các công ty nước ngoài, nhận dự án về cho công ty mẹ ở bên này.

  • Một hôm, bạn tôi giới thiệu đến chỗ đóng giày bespoke của thợ có tiếng. Tôi vào xưởng thì thấy họ làm ra những đôi giày rất đẹp và không giống với những đôi tôi đang đi. Từ chất da, màu sắc đến kiểu dáng, gì tôi cũng thấy thu hút. Tôi quyết định đặt một đôi đi thử, về dùng thì thấy êm lại không đau chân. Mà công việc của tôi gặp khách hàng nhiều, có đôi giày đẹp làm tôi thấy tự tin và trông mình chỉn chu hơn, dùng nhiều lại càng thấy thích.

Tôi lên mạng, vào mấy trang về giày nổi tiếng để tìm hiểu họ đóng giày ra sao, thấy tỉ mỉ quá, mọi công đoạn đều làm thủ công và chẳng dùng đến máy móc. Càng đi sâu tìm hiểu thì tôi càng thấy hứng thú, song quyết định “cắp sách” đến học đóng giày với 2 người thợ thủ công ở Nhật, mất khoảng 5 năm. Tôi dành ra khoảng 1-2 tiếng buổi tối để học nghề, do ban ngày còn có công việc kỹ sư, còn cuối tuần ở nhà thì tôi rèn luyện thêm.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 3.

Đến năm ngoái, tôi quyết định nghỉ hẳn việc kỹ sư và năm nay về Việt Nam để tập trung vào việc phát triển thương hiệu. Tôi còn mục đích khác nữa là muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mình đã tích luỹ được khi ở Nhật cho đội ngũ tại Việt Nam, tạo công việc cho các bạn có tình yêu với giày bespoke.

  • Anh có gặp khó khăn gì trong giai đoạn đầu theo nghề đóng giày thủ công?

Nghề này đòi hỏi người thợ phải thật sự kiên trì và bền bỉ, vì mọi thứ đều làm tỉ mỉ bằng tay. Người Nhật kỹ tính, chẳng hạn việc cắt miếng da, bạn phải làm sao cho đường cắt thẳng đẹp, chỉ hơi lệch chút xíu hay may thừa một nét chỉ là không đạt tiêu chuẩn rồi.

Cũng nhờ học nghề, tôi rèn thêm được tính tỉ mỉ với lại tôi là người hướng nội, thích làm những công việc đòi hỏi sự chỉn chu như vậy. Hơn nữa khi học đóng giày, tôi thấy mình cũng giải toả được stress trong công việc. Nghề đóng giày thủ công không dễ, bản thân người thợ phải có sự kiên trì bền bỉ mới có thể theo được, nhưng vì trót yêu “bộ môn” này rồi nên tôi quyết tâm đi đến cùng.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 4.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 5.

Đến khi nào anh thành lập thương hiệu giày của riêng mình? 

  • Đến khi tự làm được giày cho bản thân thì tôi hay đăng hình sản phẩm lên các hội nhóm, forum trên các nền tảng mạng xã hội. Lúc ấy tôi mới chỉ làm để phục vụ nhu cầu cá nhân, chưa tính đến chuyện kinh doanh. Bạn bè thấy thích cũng nhờ tôi làm giúp, người này giới thiệu người kia, trong đó có một số người là KOL có tiếng.

Họ nói tôi là mở thương hiệu đi, thì tôi cũng làm thử, thấy nhiều người ở nước khác cũng hứng thú với giày của mình. Họ nhắn tin hỏi thêm thông tin, đặt giày thì tôi nhận lời làm, cũng là để nâng cao tay nghề và thoả mãn đam mê. Đến năm 2015, Ichigo Ichie Shoemaker chính thức “ra đời”.

Tên thương hiệu Ichigo Ichie Shoemaker có ý nghĩa gì?  

  • Nếu muốn bán giày cho bạn bè trên thế giới, mình phải có thương hiệu. Lúc đó tôi nhớ đến thành ngữ “Ichigo Ichie”, đây là câu đầu tiên tôi được dạy khi đến Nhật, do sếp đồng thời là người bạn hiện tại của tôi dạy cho. Tôi quyết định lấy luôn thành ngữ này làm tên thương hiệu. Trong tiếng Nhật, “Ichigo Ichie” có nghĩa là trân trọng mọi khoảnh khắc vì mọi khoảnh khắc trong đời chỉ xảy ra một lần.

Đối với khách hàng cũng vậy, tôi phải làm sao cho họ thấy hài lòng nhất có thể, mang lại cho họ những trải nghiệm tốt nhất. Khách hàng của Ichigo Ichie có thể diện giày đi gặp gỡ đối tác hay tận hưởng niềm vui bên người thân bạn bè. Do vậy, đôi giày phải giúp người trải nghiệm cảm thấy được nâng niu, giúp họ cảm thấy như thể đang sống trong từng khoảnh khắc.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 6.

  • Trở ngại của thương hiệu khi mới thành lập là gì?

Đó là chưa ai biết đến và để làm sao có thể phát triển thương hiệu. Thời gian đầu, Ichigo Ichie chưa mạnh, ít người biết đến và rất khó bán hàng.

Lúc đó tôi làm với tinh thần “làm vì đam mê” thôi chứ làm gì có lãi. Tôi cũng không bị gò ép chuyện kinh tế vì có nghề kỹ sư IT rồi, nhưng yêu nghề nên tôi dồn hết tâm huyết vào đóng giày. Ban ngày tôi làm công việc của kỹ sư IT, tối về thì đi học đóng giày và làm đêm.

Tôi chắt chiu hết những gì tinh hoa vào trong sản phẩm của mình, tiếp cận được đến nhiều KOL khác. Khách hàng đặt làm giày, trải nghiệm dùng hàng thật và cảm nhận được chất lượng thật nên họ chia sẻ đến những người mê giày khác. Nhờ đó mà thương hiệu của tôi chưa cần trả đồng nào cho việc quảng cáo và cũng không có bộ phận nào phụ trách. Nhưng sắp tới, tôi hy vọng có thể mở rộng mảng này.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 7.

  • Vì sao khách hàng phải chờ từ vài tháng đến cả năm mới nhận được đôi giày bespoke?

Hồi tôi mới đến với nghề, lúc ấy tôi còn công việc kỹ sư IT nên thời gian đóng một đôi giày khá lâu. Đôi giày đầu tiên tôi làm là dành tặng cho sếp mình, vì anh ấy đã chỉ dạy tôi nhiều điều và anh ấy cũng thích giày, làm trong vòng một năm. Ngay cả những nghệ nhân làm giày bespoke ở Nhật Bản trung bình làm trong khoảng một năm, cũng có thể 2 năm.

Bởi để tạo nên một đôi bespoke chuẩn chỉnh, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ tư vấn, đo kích thước chân, làm last giày từ khối gỗ (khuôn giày có hình dạng mô phỏng bàn chân) đến thiết kế, chọn chất liệu rồi làm đôi fitting (giày đi thử), nhận phản hồi của khách, chỉnh sửa mới đến bước làm đôi giày hoàn thiện (final).

Với trường hợp remote bespoke (khách đặt giày bespoke từ xa), khách hàng tự đo kích thước nhưng có thể không chuẩn, dẫn đến có 3-4 đôi fitting và vài lần thử là chuyện bình thường. Hay đôi fitting mà không vừa hay khách trải nghiệm thấy chưa ưng ý, tôi làm lại đôi fitting khác cho đến khi chuẩn thì thôi. Qua nhiều lượt phản hồi của khách rồi tôi mới bắt tay vào làm đôi final. Hơn nữa, mọi bước đóng giày đều được làm 100% thủ công nên thời gian chờ đợi lâu.

Tôi có khách từng chờ đến 3 năm để có được đôi giày đặt làm riêng, đáp ứng được các yêu cầu mong muốn.

Sau bao lâu thì Ichigo Ichie có nguồn thu ổn định?

Sau khi thành lập được khoảng 2-3 năm, nhiều người trong giới mê giày bespoke biết đến tôi hơn, đơn đặt hàng về cũng nhiều. Tôi từng có khách hàng ở Việt Nam đam mê giày, đặt cùng lúc 3 đôi, mỗi đôi giá 2.500 USD. Mà họ chuyển khoản luôn 100% tổng hoá đơn rồi chờ đóng giày, nhiều khách khác của thương hiệu cũng vậy.

Tôi có điểm thuận lợi ở chỗ trong thời gian đại dịch, công việc kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều. Vì tôi có dịch vụ remote bespoke, khách không cần qua trực tiếp xưởng của mình vẫn có thể đặt hàng được. Nhưng điều quan trọng là họ cần thực hiện đúng quy trình đo kích thước để có đôi giày vừa vặn nhất, cũng là để hạn chế việc chỉnh sửa giày.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 8.

  • Hiện, giày remote bespoke tại thương hiệu của anh có giá từ 1.500 USD, còn giày bespoke có giá từ 2.500 USD. Điều gì khiến anh tự tin đưa ra mức giá như vậy?

Đây là mức giá cơ bản, thực tế còn tuỳ theo yêu cầu của khách hàng, ví dụ họ muốn giày sử dụng da cá sấu hoặc nhiều chi tiết khó. Tôi từng làm đôi tương tự với chi phí là 10.000 USD.

Đối với dòng giày có sẵn, khách hàng có thể mua ở bất cứ đâu. Nhưng với bespoke, mỗi nhà giày và thợ đóng giày có phong cách riêng, đó là điều thu hút khách hàng. Tôi luôn đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu mỗi khi thiết kế. Có lần khách nói: “Tôi thích giày của anh nhưng cũng thích sự sáng tạo thể hiện trên sản phẩm. Anh có thể thoả sức sáng tạo thế nào cũng được”.

Hiện tại, các nghệ nhân của Nhật họ lấy 5.000 USD là thấp nhất, có những đôi giá dao động 15.000-20.000 USD/đôi và thậm chí khách phải chờ rất lâu.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 9.

  • Khi đã vượt qua thế khó lúc mới thành lập, thách thức của thương hiệu ở thời điểm hiện tại là gì?

Đó chính là chúng tôi muốn đem giá trị của thương hiệu do người Việt thành lập tiếp cận nhiều hơn nữa với bạn bè trên thế giới. Tôi muốn chứng minh rằng ở dải đất hình chữ S này, chúng tôi có thể làm nên những sản phẩm đẳng cấp ngang tầm thế giới.

Để làm được điều đó, tôi cần thêm nhân sự hỗ trợ mình vì hiện tại danh sách chờ mua hàng ở Ichigo Ichie có khoảng mười mấy, gần 2 chục người nhưng chúng tôi làm không kịp. Vậy mà khách vẫn chấp nhận chờ đợi vì họ muốn có đôi giày độc lạ và độc quyền, trên thế giới chỉ mình họ có. Những người đồng hành với tôi không nhất thiết giỏi đóng giày, nhưng họ phải là người trung thực, có tính tỉ mỉ và cẩn thận, tinh thần cầu tiến. Họ không cần là người giỏi nhất nhưng là người phù hợp nhất.

Trong tương lai, tôi sẽ trở lại Nhật Bản để làm công việc kinh doanh giày thủ công.

  • Theo anh, điều gì khiến cho khách hàng tin tưởng và đặt giày ở Ichigo Ichie?

Đầu tiên, đó chính là sự sáng tạo. Chẳng hạn, các nhà xưởng ở Nhật Bản thường làm last mũi giày vuông, tròn và họ ít khi nào muốn phá cách, thường tuân thủ theo truyền thống. Khách hàng thích tôi ở chỗ đó, có sự mới lạ. Ngay cả công việc kỹ sư cũng liên quan đến tính sáng tạo, đầu óc luôn phải suy nghĩ để đưa ra những thuật toán tối ưu nhất. Khi làm giày cũng vậy, lúc nào cũng phải nghĩ tới làm sao cho giày bắt mắt nhất, thiết kế phải thật tinh tế.

Chàng trai bỏ việc kỹ sư lương nghìn USD để làm thợ đóng giày: Không quảng cáo rầm rộ, giày giá nghìn USD vẫn “đắt hàng”, khẳng định làm vì đam mê - Ảnh 10.

Tiếp đến, họ thấy điểm thú vị ở xuất thân của tôi, không biết một kỹ sư IT thì đóng giày thế nào, tính sáng tạo ra sao. Hồi đầu năm ngoái, blogger Jesper Ingevaldsson (chủ blog Shoegazing chuyên về giày thủ công) từng có bài viết về câu chuyện của tôi, chuyển mình từ kỹ sư IT sang thợ đóng giày và anh ấy cũng không nhận đồng quảng cáo nào. Những người yêu thích giày thủ công thường vào trang này để đọc và nghiên cứu về các nhà đóng giày uy tín để đặt hàng.

  • Hồi đầu, anh làm vì đam mê nhưng giờ anh còn làm giày để kinh doanh. Anh cân bằng thế nào giữa đam mê sáng tạo và chuyện doanh thu?

Về chuyện kinh tế, thương hiệu của tôi đã có thêm dòng giày ready-to-wear (RTW, hàng thiết kế sẵn) để cân bằng lại. Dòng giày này là để phục vụ những người yêu thích giày thủ công, chất lượng cao nhưng có mức giá tiếp cận được, tầm 500-550 USD. Vì thương hiệu của tôi vẫn còn trẻ, tôi muốn đưa dòng RTW đến với nhiều người để họ có cơ hội trải nghiệm giày thủ công.

Như vậy, tôi vẫn giữ được niềm đam mê sáng tạo đồng thời đảm bảo được chuyện doanh thu, lấy vốn để nuôi RTW nhưng khi RTW vững chắc, nó có thể tự nuôi được mình. Ngoài ra, tôi còn dòng sản phẩm made to order, tôi không cần lấy số đo của khách mà sản xuất giày theo kích thước giày phổ thông. Ví dụ, khách chỉ cần cung cấp size giày họ thường mang, như size UK 8.5 hay 9.5, tôi dựa vào đó để đóng giày.

Với đội ngũ sắp tới của tôi ở Việt Nam, tôi sẽ hướng dẫn họ làm những công việc nhỏ, đẩy nhanh tiến độ để khách sớm nhận hàng hơn.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Theo Lam Phương

Cùng chuyên mục
XEM