Chàng trai bỏ Sài thành về đảo vắng làm homestay: Hàng xóm luôn miệng hỏi "Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi?" 3 năm sau họ phải nghĩ lại

06/02/2019 08:16 AM | Kinh doanh

Năm 2014, chàng trai Nguyễn Văn Giỏi quyết định bỏ dở công việc ổn định tại Sài Gòn về quê hương vùng đảo Phú Quý lập nghiệp. Ở hòn đảo mà nhiều người Bình Thuận thậm chí còn không biết ấy, người ta vẫn mang nặng tư tưởng trọng cơ quan Nhà nước, công việc ổn đinh, hàng xóm cứ nhìn sang "thằng Giỏi" mà trách: "Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi?". "Rồi giờ họ nói sao?", tôi hỏi. "Họ nói "Nhìn thằng Giỏi mà làm theo", Giỏi cười…

Thông tin sơ lược về nhân vật

- Họ tên đầy đủ: Nguyễn Văn Giỏi

- Biệt danh: Giỏi Phú Quý

- Kinh doanh: Là người kinh doanh homestay đầu tiên trên đảo Phú Quý với Homestay Cô Sang, quy mô 600m2.

- Thành tích: Bằng khen "Thanh niên làm kinh tế giỏi 2017" của tỉnh Bình Thuận

- Châm ngôn sống: Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường

Doanh nhân trẻ đầu tiên làm homestay trên đảo Phú Quý

"Mình về quê làm chủ cuộc sống của mình. Đời chỉ có trăm năm, vùng vẫy làm cho có sự nghiệp, cho bõ công ngồi ô mê ga tê cộng phi", chàng trai rời chốn phồn hoa đô thị về nơi đảo vắng từng trải lòng trên Tony buổi sáng.

Chàng trai bỏ Sài thành về đảo vắng làm homestay: Hàng xóm luôn miệng hỏi Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi? 3 năm sau họ phải nghĩ lại - Ảnh 2.

Năm 2014, Nguyễn Văn Giỏi khi ấy 25 tuổi, quyết định rời Sài Gòn về Phú Quý - một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận - lập nghiệp.

Phú Quý còn được gọi là Cù Lao Thu, nằm cách Phan Thiết 120 km, là hòn đảo xa nhất của Bình Thuận. Nhắc đến Phú Quý, nhiều người dân Bình Thuận còn không biết tỉnh mình có địa danh này.

Mình về quê làm chủ cuộc sống của mình. Đời chỉ có trăm năm, vùng vẫy làm cho có sự nghiệp, cho bõ công ngồi ô mê ga tê cộng phi

Để đến được Phú Quý, chỉ có một cách duy nhất là đến bến cảng thành phố Phan Thiết và đón tàu ra đảo. Thời điểm Giỏi khăn gói về quê hương lập nghiệp, đường từ Phan Thiết ra Phú Quý chỉ có tàu chậm, chạy mất 6 - 8 tiếng mới tới nơi.

"Tàu ấy khá hôi, chở cả heo, bò… phía trước, mùa gió một chút là không chạy", anhcựu sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM kể.

Đi du lịch mà di chuyển bằng tàu ấy, khách ra đảo rồi không quay lại nữa. Những bất tiện trong đi lại khiến Phú Quý khó phát triển ngành công nghiệp không khói. Trong khi những đảo khác như Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc… làm du lịch rất tốt, thì Phú Quý thì "ngay cả người Bình Thuận nhiều người cũng không biết Phú Quý ở đâu", Giỏi kể.


Bỏ công việc ổn định ở Sài thành về vẫy vùng chốn

quê hương

Chàng trai bỏ Sài thành về đảo vắng làm homestay: Hàng xóm luôn miệng hỏi Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi? 3 năm sau họ phải nghĩ lại - Ảnh 5.

Thực ra, Giỏi đã về quê từ một năm trước đó, cùng nhóm bạn làm dự án hỗ trợ đảo phát triển du lịch. Lúc đó Giỏi nhìn nhận Phú Quý chưa phát triển du lịch do cách trở đi lại dẫn đến cách trở về thông tin. Khách du lịch muốn tìm thông tin du lịch của huyện đảo này cũng không có.

Thời điểm đó, Giỏi cùng nhóm bạn đi lại giữa Sài Gòn và Phú Quý, hỗ trợ đăng tải các thông tin về du lịch ở hòn đảo quê hương.

Thời điểm tàu cao tốc Hưng Phát ra đời năm 2014, Giỏi mới ở lại hẳn Phú Quý, bắt đầu sự nghiệp "lông bông" với homestay Cô Sang.

* Chính thức thì homestay Cô Sang ra đời từ khi nào?

Tôi làm homestay từ năm 2014, trước đó thì vẫn nhận khách lẻ lai rai. Những người không muốn ở khách sạn, nhà nghỉ, chúng tôi vẫn mời họ ở lại để trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.

* Bỏ một công việc ổn định để về quê nơi đảo vắng, lúc đó Giỏi có thấy mình mạo hiểm không?

Lúc đó rất khó khăn. Tôi là dân kinh tế, thu nhập ở Sài Gòn cũng tốt. Khi về Phú Quý như vậy, kiểu ở quê, họ coi trọng công việc Nhà nước nhiều hơn là công việc tư bên ngoài. Họ không chào đón mình lắm.

Cha mẹ cũng muốn mình làm công việc ổn định, hàng xóm cũng nhìn sang hỏi: "Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi vậy?" Kiểu nói vậy lúc đầu mình cũng thấy khó chịu.

Nhưng sau kệ thôi. Mình nghĩ: "Ủa, sao lại khó chịu với mấy chuyện đó? Cuộc sống của mình mình phải quyết định, đâu liên quan đến họ? Tại sao mình phải sống theo kiểu sống của họ như vậy". Nghĩ được như vậy, mình cũng thấy dễ chịu hơn.

Người ở quê coi trọng công việc Nhà nước nhiều hơn. Hàng xóm cũng nhìn sang hỏi: "Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi vậy?

* Thế còn bây giờ, hàng xóm còn nói gì nữa không?

Giờ họ nói "Nhìn thằng Giỏi mà làm theo!"

Cũng vui. Thời điểm lúc đầu tuy khó khăn, nhưng làm được một thời gian, mọi người cũng hiểu. Nhiều người thích cách làm của mình. Thời điểm thu hút được khách về Phú Quý rất nhiều, những nhà nghỉ - khách sạn được xây lên, chủ cũng sang hỏi cách làm như thế nào tôi cũng hướng dẫn, vì tối muốn Phú Quý phát triển lên.

Một mình mình thì không thể làm nổi. Để xây dựng Phú Quý phát triển lên cần cộng đồng nhiều người, và những bạn trẻ cũng tham gia vào làm. Đấy là những điều quan trọng nhất. Thế hệ trẻ bây giờ có suy nghĩ mới, tư tưởng mới, họ mới thay đổi được những cái cũ để làm.


Xu hướng bỏ phố thị về quê làm giàu

* Giỏi là người đầu tiên làm homestay ở Phú Quý nhỉ?

Đúng rồi. Thời điểm đó tôi là người đầu tiên làm. Hồi mới làm, những người xung quanh bảo: "Mày rảnh quá mà…" Họ vẫn chưa hình dung ra homestay là gì. Một số nhà nghỉ cũng không chào đón lắm. Họ nói: "Nhà có máy lạnh đầy đủ tiện nghi không ở mà lên nhà nhỏ, lên cái võng nằm mà ngủ. Không hiểu khách nghĩ cái gì?"

Nhiều nhà nghỉ vẫn thấy khó chịu, phản đối chuyện làm homestay, nhưng thực ra họ không hiểu homestay là gì. Giờ họ cũng công nhận homestay đã thu hút được khách ra đảo Phú Quý rất nhiều.

* Phú Quý có tiềm năng du lịch thế nào so với các đảo lân cận?

Theo quan điểm của tôi, Phú Quý có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tốt.

1-Vẻ hoang sơ còn, chưa khai thác du lịch một cách tràn lan như nhiều nơi.

2- Môi trường sạch sẽ, không có rác như nhiều đảo.

3- Con người rất tuyệt vời.

Chúng tôi làm du lịch "được" lắm, tới giờ chưa có khách nào phàn nàn về con người.

Người ở đây đều là dân bản địa, nên ứng xử với khách du lịch rất thân thiện. Chúng tôi đi ngoài đường không biết khách của ai, nhưng họ bị lạc đường hay có vấn đề gì vẫn luôn hỗ trợ hết mình. Khách du lịch ra đảo được dân rất mến nên họ đánh giá rất tốt.

Sự thân thiện của con người Phú Quý là sợi dây gắn kết giữa người dân bản địa và khách du lịch và hiện tại chúng tôi đang muốn phát huy điểm mạnh đó.

Thông thường, khách ra đảo và gắn kết với người dân bản địa như một gia đình nào đó, thì lần sau họ lại ra và ghé thăm chơi.

* Bộ mặt du lịch của Phú Quý thay đổi, giờ cũng rất nhiều bạn làm homestay giống Giỏi đúng không?

Đó là tín hiệu rất mừng, là tín hiệu việc mình làm có hiệu quả, và có sự đóng góp cho quê hương của mình. Thời điểm lúc đầu làm, tôi không nghĩ tới thành công, bởi đa số khi đã về quê làm thì bị nặng tâm lý nhiều. Như hiện tại, tôi cũng không hẳn thành công, nhưng nhìn ra nhiều tín hiệu tích cực cho Phú Quý, từ khách du lịch, số lượng tăng, chất lượng tăng - lượng khách ra đảo có nhu cầu cao hơn.

Khi lượng khách tăng kéo theodịch vụ đi kèm. Nhà nghỉ, khách sạn xây dựng mới nhiều, họ còn sắm thêm thuyền cho khách đi quanh đảo. Dịch vụ ăn uống cũng đi lên, ngư dân bán hải sản được giá hơn. Thực ra ở Phú Quý, hải sản rất rẻ. Nhưng sau này khách ra vào nhiều, thương nhân thấy giá hải sản Phú Quý rẻ bắt đầu vào buôn bán. Giá cả cũng sôi động lên. Ngư dân được lợi rất nhiều từ đó.

* Có một trào lưu tồn tại từ rất lâu là các bạn trẻ kết thúc chặng đường ĐH đều mong muốn bám trụ lại thành phố, nhưng Giỏi đã không làm vậy. Giỏi có nghĩ đến một lúc nào đó sẽ có trào lưu ngược lại, các bạn trẻ sẽ về quê để "Startup" không?

Chàng trai bỏ Sài thành về đảo vắng làm homestay: Hàng xóm luôn miệng hỏi Sao không đi làm mà cứ dẫn khách đi long nhong chơi? 3 năm sau họ phải nghĩ lại - Ảnh 11.

Theo cảm nhận cá nhân, khi tiếp xúc với nhiều bạn, tôi thấy các bạn yêu thích du lịch có xu hướng đó.

Các bạn đi nhiều, học được rất nhiều thứ. Và họ biết điểm mạnh, điểm yếu của quê hương. Trước đây, khi nói chuyện với hơn 500 sinh viên tiêu biểu ra đảo Phú Quý, tôi cũng nói rằng: "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường. Các bạn có ý chí đi, có ý chí quay về quê hương thì rất tốt. Ở đâu cũng có một cái gì đó để khai thác, vấn đề là chúng ta có biết cách khai thác, biết cách tận dụng điểm mạnh của nó hay không. Khai thác ở đây không chỉ là làm thuần du lịch, hay làm nông sản…, mà có thể tận dụng đất đai và ứng dụng khoa học công nghệ để làm.

Nếu các bạn ở thành phố như Sài Gòn, các bạn phải thực sự giỏi vượt trội hơn rất nhiều người mới làm giàu được. Còn các bạn bình bình, không cạnh tranh ở Sài Gòn thì cũng có thể tìm thế mạnh độc đáo ở quê hương để phát triển.Quyết định của tôi cũng như vậy thôi.

* Cảm ơn Giỏi!

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM