Chân dung ông vua bán túi vượt mặt Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới

14/12/2022 15:37 PM | Kinh doanh

Trái với phong cách ồn ào như Elon Musk, tỷ phú Bernard Arnault sở hữu những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton lại hiếm khi dùng Twitter cũng như xuất hiện trước giới truyền thông.

Đại gia thầm lặng

Hãng tin Bloomberg cho biết đại gia Bernard Arnault là một tỷ phú thầm lặng khi chẳng dùng những mạng xã hội như Twitter. Người đàn ông sở hữu LVMH, chủ của hàng loạt thương hiệu xa xỉ đình đám này đã lần đầu tiên bước lên đỉnh vinh quang với danh hiệu người giàu nhất thế giới trên bảng xếp hạng của Bloomberg sau khi vượt qua được Elon Musk.

Trên thực tế, chưa có một đại gia nào từ Pháp cũng như Châu Âu bước lên bục vinh quang này và ông chủ của thương hiệu Louis Vuitton là người đầu tiên vinh dự làm được điều đó.

Chân dung ông vua bán túi vượt mặt Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 1.

Thế nhưng theo Bloomberg, dù là người giàu nhất thế giới nhưng vị tỷ phú 73 tuổi lại chẳng ồn ào xuất hiện trước công chúng hay báo giới như Elon Musk. Dù sở hữu đến 75 thương hiệu xa xỉ, từ Christian Dior cho đến Tiffany&Co nhưng Arnault giữ một cuộc sống khá trầm lặng trước giới truyền thông cũng như sự nổi tiếng, một điều khá hiếm trong giới thời trang và hàng xa xỉ.

Với tổng tài sản trị giá 170,8 tỷ USD, tỷ phú Arnault đã biến ngành công nghiệp thủ công Châu Âu trở thành một trong những đế chế hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Đây cũng là lò đào tạo của vô số những nhà thiết kế muốn trở nên nổi tiếng với thương hiệu riêng của mình.

Đặc biệt hơn nữa, cho dù nền kinh tế khó khăn khiến sức mua hàng xa xỉu giảm đi và làm ảnh hưởng đến khối tài sản của Arnault thì ông vẫn vượt mặt được Elon Musk, một phần là do đà giảm của ngành công nghệ cũng như thương vụ mua lại Twitter.

Tính từ đầu năm đến nay, Arnault đã mất khoảng 7,2 tỷ USD, nhưng nhu cầu với hàng xa xỉ của tầng lớp nhà giàu thì vẫn còn đó bất chấp đại dịch, khiến đế chế của vị đại gia người Pháp vẫn kinh doanh ổn.

Năm 2021, LVMH có doanh số 64 tỷ Euro, tương đương 68 tỷ USD, một con số tăng trưởng vượt bậc từ cuộc khủng hoảng đại dịch năm 2020. Hiện ông Arnault và gia đình nắm giữ 48% cổ phần của LVMH nhưng lại có đến 64% quyền bỏ phiếu.

Màn quay xe lịch sử

Sinh năm 1949 tại miền bắc nước Pháp, ông Arnault ban đầu tốt nghiệp một trường kỹ thuật danh giá với tấm bằng kỹ sư. Sau đó người đàn ông này tham gia công việc kinh doanh xây dựng của gia đình. Năm 1981, Arnault chuyển đến Mỹ và đã sáng lập ra cả một công ty bất động sản.

Thế nhưng bất ngờ vào năm 1984, Arnault quay trở lại Pháp và khởi nghiệp với mảng hàng xa xỉ. Ông đã mua lại tập đoàn may mặc Boussac Saint Freres, vốn là chủ sở hữu của thương hiệu Christian Dior thời đó.

Chân dung ông vua bán túi vượt mặt Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 2.

Tiếp đó, Arnault bán phần lớn mảng kinh doanh khác của công ty để lấy tiền mua lại LVMH, chủ sở hữu của Louis Vuitton và Moet Hennessy.

Trong 30 năm sau đó, Arnault đã biến LVMH thành ông trùm mảng hàng xa xỉ khi kinh doanh mọi thứ, từ rượu Champagne cho đến thời trang, khách sạn, nước hoa hay mỹ phẩm với hơn 5.500 cửa hàng khắp thế giới.

Cũng chính Arnault là người đã tiên đoán Trung Quốc sẽ trở thành thị trường chính cho ngành và mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên tại Bắc Kinh năm 1992.

Với tổng mức vốn hóa thị trường lên đến 365,7 tỷ Euro, lớn nhất Châu Âu, LVMH đã quyết định nâng mức giới hạn số tuổi nắm giữ chức vụ CEO của hãng để Arnault có thể tiếp tục nắm quyền điều hành cho đến 80 tuổi.

Dù quyền lực lớn với khối tài sản khổng lồ nhưng Arnault lại chẳng mấy khi đăng bài về cuộc sống lên mạng xã hội hay xuất hiện ồn ào với giới truyền thông. Khi một tài khoản Twitter cho biết đang theo dõi chuyên cơ tư nhân của Arnault để bày tỏ sự phản đối với tỷ phú về việc bảo vệ môi trường, đồng thời trở thành một chủ đề nóng tại Pháp thì ông đã tuyên bố bán máy bay ngay lập tức vào tháng 10/2022.

“Giờ thì chẳng ai theo dõi được tôi nữa”, Arnault cho biết.

Tập đoàn gia đình trị

Mặc dù thành công biến LVMH thành đế chế tỷ USD nhưng Arnault cũng gặp nhiều thất bại. Vị tỷ phú này từng thua cuộc trước Francois Pinault, một trong những người giàu nhất nước Pháp, khi đấu thầu mua lại Gucci. Ông cũng thất bại trong việc cố gắng mua lại hãng túi Hermes International.

Một thành viên của gia tộc Hermes nói với Bloomberg rằng Arnault cứ như một con sói săn mồi trên thương trường vậy bởi cách mà ông theo dõi, thâu tóm những thương hiệu lớn.

Theo Bloomberg, Arnault đang xây dựng một đế chế gia đình trị tại LVMH khi cả 5 người con của ông đều đang làm việc cho tập đoàn.

Về lối sống, Arnault nổi tiếng là người có thói quen ăn kiêng nghiêm ngặt, thích chơi tennis và sưu tầm nghệ thuật. Chính ông là người đã dẫn đầu cho việc khai trương Fondation Louis Vuitton tại Paris vào năm 2014. Đây là một bảo tàng nghệ thuật tư nhân trưng bày những bộ sưu tập của LVMH cũng như của cá nhân Arnault.

Chân dung ông vua bán túi vượt mặt Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới - Ảnh 3.

Theo thống kê của Bloomberg, phần lớn tài sản của Arnault là nhờ nắm giữ 97,5% cổ phần của Christian Dior, qua đó kiểm soát 41% cổ phần tại LVMH. Những thành viên khác trong gia đình ông nắm giữ khoảng 6% cổ phần của LVMH.

Tính đến thời điểm hiện tại, Arnault cũng đang có khoảng 10,3 tỷ USD tiền mặt hoặc tài sản khác, dựa trên những tính toán về cổ tức, thuế, làm từ thiện...

Như vậy, Arnaul đã trở thành người thứ 5 đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg kể từ khi thống kê, sau những cái tên quen thuộc thường xuyên đổi vị trí cho nhau là Elon Musk, Bill Gates, Jeff Bezos và Carlos Slim.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM