Chân dung "ông tổ" xây dựng tàu điện ngầm Nga sắp vào VN: Gần 100 năm kinh nghiệm, xây 90% trạm metro ở Moscow
Tại thủ đô Moscow của Nga hiện nay, có 206 trạm tàu điện ngầm thì trong đó Mosmetrostroy xây dựng 186 trạm. Công ty này hoạt động trong nhiều mảng xây dựng bao gồm tàu điện ngầm, làm đường, thiết kế công trình, xây dựng nhà ở.
Từ 28/6 đến 1/7 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm Liên bang Nga. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, rất nhiều vấn đề về hợp tác giữa 2 nước đã được đem ra thảo luận, trong đó có việc xây dựng đường sắt đô thị (tàu điện ngầm) ở 2 thành phố Hà Nội và TPHCM.
Trên cơ sở đó, Mosmetrostroy, một công ty chuyên xây dựng các đường tàu điện ngầm của Nga đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty Lũng Lô của Việt Nam, và sẽ thành lập liên doanh giữa 2 doanh nghiệp để tiến tới xây dựng các đường tàu điện ngầm.
Buổi ký biên bản ghi nhớ giữa Mosmetrostroy và Lũng Lô
Và đến ngày 10/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chính thức công bố, Mosmetrostroy cùng Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và 5 doanh nghiệp lớn trong nước gồm Vingroup, Xuân Thành, Lũng Lô 5, Tân Hoàng Minh và liên danh Licogi - MIK, là 7 nhà đầu tư đã đăng ký các dự án xây dựng tàu điện ngầm.
Trong số 7 ông lớn, chỉ duy nhất Mosmetrostroy là nhà đầu tư có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Mosmetrostroy là ai?
Mosmetrostroy có thể coi là "ông tổ" của hệ thống tàu điện ngầm tại Nga. Công ty này ra đời từ năm 1931 và hoạt động chính là xây dựng các trạm tàu điện ngầm. Đường tàu điện ngầm đầu tiên được công ty này hoàn thành là vào tháng 5/1935. Tại thủ đô Moscow của Nga hiện nay, có 206 trạm thì 186 được xây dựng bởi Mosmetrostroy.
Ngoài ra, Mosmetrostroy còn hiện diện tại rất nhiều thành phố khác tại Nga, như St. Petersburg, Kiev, Baku... Mosmetrostroy còn xây dựng tàu điện ngầm ở nhiều thành phố khác trên thế giới, như Warsaw, Prague, Budapest, Sofia, Calcutta...
Các công trình của Mosmetrostroy
Tại Nga hiện nay, Mosmetrostroy là một trong số các công ty xây dựng lớn nhất cả nước. Công ty thực hiện trọn gói quy trình từ A đến Z, bao gồm thiết kế, xây dựng, lắp đặt và đến cả khâu trang trí.
Cơ cấu tổ chức của Mosmetrostroy bao gồm 26 đơn vị chuyên môn thực hiện các công việc xây trạm và mạng lưới đường ngầm, lắp đặt thang cuốn, hoàn thiện kết cấu, vận hành thử.
Ngoài ra, các công ty con của Mosmetrostroy xây dựng cả hầm đường bộ, cầu vượt, cầu kết nối các tòa tháp cao tầng. Công ty này có riêng nhà máy sản xuất các sản phẩm bê tông cốt thép cho đường hầm lót. Tính đến năm 2017, Mosmetrostroy hiện có 14.000 nhân viên.
Song song với phát triển hệ thống tàu điện tại Moscow nói riêng và trên toàn nước Nga nói chung, Mosmetrostroy đang có định hướng phát triển ra thế giới. Tháng 7 năm ngoái, công ty này đã trúng thầu dự án 372 triệu USD, xây dựng đường tàu điện ngầm tại Mumbai.
Một trạm dừng tại Moscow được trang trí đẹp mắt bởi Mosmetrostroy
Đường được xây bởi Mosmetrostroy
Mosmetrostroy cũng xây cả các tòa nhà dân dụng
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội lên Thủ tướng về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Hà Nội kiến nghị bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng, để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức PPP, trong đó có các dự án đường sắt đô thị.
Được biết, 10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh); Tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi); Tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai); Tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở); Tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà); Tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc); Tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi); Tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông); Tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá); Tuyến Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai.
Hà Nội đề nghị Thủ tướng trước mắt cho phép lựa chọn nhà đầu tư xây dựng tuyến số 2, tuyến số 5, tuyến số 3. Phương án huy động vốn được Hà Nội đề xuất là kêu gọi ODA, thành phố bố trí ngân sách để làm vốn đối ứng triển khai 2 dự án này.