Chân dung 'người anh hùng' truyền cảm hứng cho Bill Gates, Warren Buffett: Vị đại gia không nhà lầu, xe sang, cho đi hết 8 tỷ USD tài sản để làm từ thiện
"Chuck Feeney là người anh hùng của cả tôi lẫn Bill Gates. Thậm chí ông ấy xứng đáng là anh hùng của tất cả mọi người"- Warren Buffett.
Chuck Feeney là nhà tỷ phú và nhà từ thiện người Mỹ gốc Ireland. Ông là người sáng lập tổ chức The Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương), một trong những quỹ tư nhân lớn nhất thế giới. Tỷ phú Feeney cũng là một đồng sáng lập viên của Duty Free Shoppers Group và là người đi tiên phong trong việc lập nên khái niệm mua sắm miễn thuế.
Bản thân Feeney luôn dấu kín về khối tài sản khổng lồ của mình trong rất nhiều năm cho đến khi một cuộc tranh chấp trong kinh doanh xảy ra dẫn đến danh tính của ông được tiết lộ vào năm 1997. Trong suốt cuộc đời mình, Feeney đã sử dụng số tiền hơn 8 tỷ USD để làm từ thiện, hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và nghiên cứu khoa học.
Dẫu vậy trong căn hộ của ông cũng không có bất kỳ một kỷ niệm chương hay bằng khen, hình ảnh nào ghi lại cống hiến của ông dành cho xã hội.
Tỷ phú Feeney được biết đến là một người rất tiết kiệm khi sống cùng vợ trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco. Mang tiếng là tỷ phú nhưng Feeney không có ô tô hay bất kỳ vật dụng xa xỉ nào, không bao giờ mặc hàng hiệu và chỉ di chuyển hàng không giá rẻ hoặc đi xe buýt hay tàu điện ngầm. Có lẽ, phụ kiện đáng giá nhất của ông hiện giờ là chiếc đồng hồ bằng cao su trị giá 15 USD.
Thậm chí những bữa ăn nhà hàng của vợ chồng nhà Feeney cũng vô cùng bình dân nhưng vui vẻ, khác hẳn khung cảnh xa hoa của giới nhà giàu.
Cuộc đời của ông đã trở thành niềm cảm hứng cho những người nổi tiếng như nhà sáng lập Bill Gates, nhà đầu tư Warren Buffett tham gia làm từ thiện sau này.
Ông trùm hàng miễn thuế
Charles Francis "Chuck" Feeney sinh ngày 23 tháng 4 năm 1931 tại một khu phố lao động ở New Jersey trong thời kỳ Đại suy thoái. Gia đình của Feeney là người Mỹ nhập cư gốc Ireland.
Ngay từ bé, Feeney đã chịu ảnh hưởng từ lòng vị tha của mẹ và chính điều đó đã tạo động lực cho vị tỷ phú này dũng cảm cho đi gần hết tài sản của mình khi đã ở đỉnh vinh quang sau này.
Do nhà quá nghèo nên ngay từ bé Feeney đã phải tìm đủ mọi cách để kiếm tiền, từ bán thiệp Giáng sinh đến đi dọn tuyết thuê. Sau đó Feeney gia nhập quân ngũ rồi quay trở về học đại học dù chẳng có nhiều tiền trong túi.
Với những mối quan hệ trong quân ngũ, Feeney cùng người bạn Robert Warren Miller bắt đầu bán rượu miễn thuế cho quân nhân Mỹ ở Châu Á vào thập niên 1950. Sau đó họ mở rộng các mặt hàng sang bán ô tô, thuốc lá và thành lập nên Tập đoàn Duty Free Shoppers (DFS Group) vào ngày 7 tháng 11 năm 1960.
Những cửa hàng miễn thuế thời kỳ đầu. Nguồn ảnh: Business Insider
Khi đó khái niệm mua hàng miễn thuế vẫn còn khá mới mẻ với người đi du lịch. Thế rồi DFS bắt đầu hoạt động tại Hồng Kông rồi mở rộng sang châu Âu và các lục địa khác.
Sự đột phá lớn đầu tiên của DFS bắt đầu vào những năm 1960, khi họ được hưởng sự nhượng bộ độc quyền cho việc bán hàng miễn thuế tại Hawaii, điều đó cho phép tập đoàn tiếp thị sản phẩm cho các khách du lịch Nhật Bản.
Tiếp đó DFS được mở rộng ra các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay và thương xá lớn ở trung tâm thành phố rồi trở thành nhà bán lẻ du lịch lớn nhất thế giới.
Năm 1964, Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Tokyo và bắt đầu dỡ bỏ những hạn chế du lịch với nước ngoài. Những rào cản này vốn được lập nên để bảo vệ nền kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến II và với quyết định này, du khách Nhật bắt đầu rải tiền của mình ra khắp thế giới. Những địa điểm du lịch hàng đầu của người Nhật khi đó là Hong Kong và Hawai, đều là các thị trường chính của DFS.
Khi đó, những chai rượu Johnnie Walker tại DFS chỉ có giá 7 USD, thấp hơn nhiều so với 35 USD tại Nhật. Thế rồi Feeney còn thuê những cô gái Nhật duyên dáng làm nhân viên bán hàng tại DFS hay thậm chí trích phần trăm cho các nhân viên hàng không, du lịch để họ dẫn khách đến các cửa hàng của ông mua sắm.
Nhận ra tiềm năng của du khách Nhật, Feeney đã thuê các chuyên gia phân tích để dự đoán các thành phố mà họ hay đến nhất để mở chi nhánh DFS. Thậm chí họ đã đầu tư mở sân bay tại các địa điểm du lịch xa xôi chỉ để đón làn sóng du khách Nhật Bản.
Năm 1968, cổ tức của Feeney trong DFS đã lên tới 12.000 USD và con số này tăng 10 lần chỉ 1 năm sau đó. Suốt 10 năm tiếp theo, DFS đã phân phối lợi nhuận đến 300 triệu USD/năm cho Feeney, qua đó giúp ông có nguồn vốn đầu tư cho hàng loạt dự án khách sạn, cửa hàng thời trang, hãng khởi nghiệp công nghệ…
Tỷ phú Chuck Feeney và nhà đầu tư Warren Buffett. Nguồn ảnh: Forbes
Dù rất giàu nhưng mãi đến năm 1988, danh tiếng của Feeney mới được biết đến khi tạp chí Forbes xếp ông là người giàu thứ 31 của Mỹ với tổng tài sản 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên đây mới chỉ là con số ước tính bởi Feeney không công khai tài sản và những khoản làm từ thiện bí mật của mình cũng ít khi công bố.
Im lặng mà làm
Với lối sống giản dị và quan điểm luôn cố gắng giúp đỡ người khác được di truyền trong gia đình, Feeney đã thành lập Quỹ từ thiện The Atlantic Philanthropies (TAP) và ông đã bí mật quyên góp toàn bộ cổ phiếu có giá trị khoảng 500 triệu USD vào năm 1984.
Động thái này của Feeney đã gây sốc cho các luật sư nhưng vẫn được giữ kín, thậm chí các đối tác kinh doanh cũng không biết rằng ông đã cho đi hết tài sản.
Trong nhiều năm, Quỹ Atlantic đã bí mật tài trợ giúp đỡ từ thiện cho nhiều vụ việc, nhưng họ yêu cầu người nhận không được tiết lộ nguồn tài trợ là từ họ. Bản thân tỷ phú Feeney đã đi chu du quanh thế giới làm từ thiện và âm thầm đóng góp cho giáo dục, sức khỏe cộng đồng lẫn công nghệ.
Theo một số ước tính, Feeney đã dành khoảng 8 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện dù những con số này chưa bao giờ được công khai hay thừa nhận. Ví dụ ông đã góp gần 1 tỷ USD cho Đại học Cornell, 125 triệu USD cho Đại học California, 1 tỷ USD xây 8 trường đại học ở Ireland, bỏ tiền cho các dự án phẫu thuật môi hở hàm ếch cho trẻ em nhiều nước…
Tờ Guardian ghi nhận vị tỷ phú này đã chi hơn 3,7 tỷ USD cho các tổ chức giáo dục, hơn 700 triệu USD hỗ trợ y tế cho chương trình ở các nước bao gồm cả Việt Nam. Danh sách sẽ còn rất dài nếu không phải Feeney không muốn "khoe" công cuộc từ thiện của mình.
"Chuck Feeney là người anh hùng của cả tôi lẫn Bill Gates. Thậm chí ông ấy xứng đáng là anh hùng của tất cả mọi người"- Warren Buffett.
"Tôi vẫn nhớ ông ấy nói với tôi rằng chúng ta nên khuyên mọi người không chỉ giới hạn quyên góp 50% tài sản mà là nhiều nhất có thể trong suốt cuộc đời. Chẳng có ví dụ nào về từ thiện tốt hơn Chuck cả. Rất nhiều người đã nói với tôi về việc họ được truyền cảm hứng từ ông ấy như thế nào. Điều đó thật sự tuyệt vời"- Bill Gates.
Dù làm từ thiện nhưng bản năng doanh nhân của Feeney vẫn còn. Ông đề cao nguyên tắc tối đa hóa hiệu quả cho từng đồng quyên góp và chỉ bỏ tiền cho những dự án thực sự có ích. Bản thân Feeney buộc các dự án từ thiện phải cạnh tranh nhau, đệ trình cột mốc và thành quả công việc để nhận tiền quyên góp. Bất cứ dự án nào chậm tiến độ hay kém hiệu quả sẽ bị cắt nguồn vốn.
Chính nhân cách sống đáng ngưỡng mộ này của Feeney đã tạo nguồn cảm hứng cho những tỷ phú như gia đình nhà Bill Gates thành lập các quỹ từ thiện. Đối với tỷ phú Feeney, tiền bạc có thể là chiến lợi phẩm của thành công nhưng nó chưa từng là lẽ sống. Bản thân ông từng nói thà cho đi lúc sống để cảm nhận được sự hữu ích của quyên góp còn hơn cho đi lúc chết rồi chẳng cảm nhận được gì.
Đáng trân trọng hơn, Feeney chưa bao giờ rêu rao về những việc mình làm. Bản thân các trường đại học nhận quyên góp của ông cũng chả biết người đóng góp thật sự là ai. Mọi người chỉ biết nhiều đến ông vào năm 1997 sau thương vụ giữa Feeney và hãng thời trang LVMH.
Dù trân trọng tiền bạc nhưng Feeney rất ghét sự phung phí và ông đã truyền lại tinh thần này cho những người con. Tỷ phú Feeney bắt các người con phải đi làm thêm bồi bàn, tạp vụ… để hiểu giá trị đồng tiền. Hiện những người con của ông dù rất thành đạt nhưng cũng sống giản dị như người cha của mình.
Trong khi nhiều tỷ phú khác để lại gia tài tỷ USD hay những tài sản quý giá cho con cháu hưởng thụ thì Feeney chỉ muốn truyền lại tinh thần sống đẹp, trân trọng đồng tiền nhưng không phung phí và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
*Nguồn: Tổng hợp (Forbes, The Guardian)