Chân dung 9 tỷ phú đô la Đài Loan nổi lên nhờ làm ăn với Apple
10 năm trôi qua, Apple từ một lính mới trên thị trường điện thoại di động đã trở thành gã khổng lồ. Đài Loan nhờ đó cũng được thơm lây không kém với 11 ông trùm tư bản trong đó có 9 tỷ phú đô la và 2 triệu phú đô la.
Là một nền kinh tế mở luôn chào đón với các nhà đầu tư nước ngoài, Đài Loan đã thu hút được nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, đặc biệt là Apple . Tất cả mọi thứ từ ống kính máy ảnh iPhone cho đến sạc pin MacBook đều được sản xuất tại đây. 10 năm trôi qua, Apple từ một lính mới trên thị trường điện thoại di động đã trở thành gã khổng lồ. Đài Loan nhờ đó cũng được thơm lây không kém với 11 ông trùm tư bản trong đó có 9 tỷ phú đô la và 2 triệu phú đô la.
Hon Hai Precision Industry (tên thương mại là Foxconn) là đơn vị chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới - nhà sản xuất chính của dòng điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad. Từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2017, cổ phiếu Apple tăng 52% thì cổ phiếu Hon Hai cũng tăng 29%.
Là sáng lập viên kiêm chủ tịch tập đoàn nổi tiếng thế giới, Terry Gou vẫn luôn né tránh truyền thông càng xa càng tốt. Theo ước tính của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông hiện nay đã lên tới 9,5 tỷ USD. Ông Gou thành lập Hon Hai Precision từ năm 1974 với số vốn điều lệ 7.500 USD và chỉ vài chục nhân viên. Sau hơn 3 thập kỷ, tập đoàn này đã trở nên quá lớn với hơn 500.000 nhân viên và giá trị vốn hóa 160,23 tỷ USD.
Quanta Computer là nhà sản xuất laptop lớn nhất trên thế giới. Khách hàng của tập đoàn này bao gồm 17 hãng điện thoại máy tính, trong đó có Apple và Amazon. Hiện nay Quanta Computer là nhà sản xuất hàng đầu của đồng hồ thông minh Apple Watch. Trong 12 tháng tính đến tháng 6, giá cổ phiếu của Quanta tăng 18%.
Tỷ phú Barry Lam thành lập Quanta Computer vào năm 1988 và hiện nay vẫn giữ chức chủ tịch tập đoàn. Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông Lam là 4,2 tỷ USD.
Scott Lin và Tony Chen thành lập Largan Precision vào năm 1987. Ngày nay, Largan Precision là nhà sản xuất thấu kính máy ảnh chính cho Apple cũng như 2 hãng điện thoại di động của Trung Quốc là Xiaomi và Huawei. Năm 2016, tập đoàn này bán ra gần 6,6 tỷ linh kiện thấu kính cho các hãng điện thoại. Largan sản xuất đến 90% thấu kính cho iPhone và nhận được gần 40% doanh thu từ Apple
Trong bối cảnh thị trường điện thoại di động thông minh phát triển nhanh như vũ bão, sự nổi dậy của những hãng điện thoại mới không chỉ có Apple đã giúp Largan ăn nên làm ra với giá cổ phiếu tăng 63% trong vòng 12 tháng kể từ tháng 6/2016 - cao hơn cả Apple.
Giá trị tài sản ròng của 2 đồng sáng lập Largan ông Lin và ông Chen theo Forbes ước tính lần lượt là 2,7 tỷ USD và 2,2 tỷ USD.
Được thành lập bởi 2 anh em nhà Chang từ 33 năm trước, công ty chất bán dẫn Advanced Semiconductor Engineering (ASE) thông qua chi nhánh Universal Scientific Industrial là nhà cung cấp chip cho rất nhiều bộ phận của iPhone trong đó có bộ phận cảm biến vân tay trên iPhone.
Apple chiếm tới 1/4 doanh thu của ASE. Trong khi cổ phiếu Apple tăng 52% thì cổ phiếu ASE chỉ tăng 7%. Tổng giá trị tài sản ròng của 2 người sáng lập theo Forbes ước tính là 4 tỷ USD.
Tập đoàn Delta Electronics của tỷ phú Bruce Cheng gia nhập thị trường với vai trò là nhà sản xuất các linh kiện TV vào năm 1971. Hiện nay, Delta Electronics dẫn đầu thế giới về điện tử học năng lượng và là nhà cung cấp linh kiện bị động chính cho iPhone và bộ sạc cho MacBook.
Apple là khách hàng lớn nhất của Delta, chiếm 8% doanh thu của hãng vào năm 2016.
Tỷ phú Pierre Chen thành lập từ năm 1977 và 16 năm sau mới đưa công ty ra đại chúng. Yageo là đơn vị cung cấp điện trở chip cho iPhone. Kể từ tháng 6/2016 đến tháng 6/2017, Yageo đã có một năm hoạt động thành công khi cổ phiếu của công ty tăng đến 91% - cao hơn nhiều so với mức tăng của cổ phiếu Apple.