Chấn động: Apple chấp nhận nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ 3 sau khi thua kiện Epic Games

18/01/2024 10:53 AM | Kinh doanh

Mặc dù chấp nhận nền tảng thanh toán bên thứ 3 nhưng Apple vẫn bị coi là dùng chiêu trò tiểu xảo để lách luật và giữ thế độc quyền cho mình.

Chấn động: Apple chấp nhận nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ 3 sau khi thua kiện Epic Games - Ảnh 1.

Tờ Washington Post cho hay Apple sẽ nới lỏng hệ sinh thái iPhone của mình bằng cách cho phép nền tảng thanh toán của bên thứ 3 tại Mỹ tham gia.

Tuy nhiên những nhà phát triển ứng dụng dùng dịch vụ này sẽ phải trả khoản phí 27% tổng giá trị thanh toán, cộng với lệ phí 3-6% của nền tảng bên thứ 3 khiến chúng cao hơn nhiều so với mức mong đợi của các bên.

Đây được coi là chiêu trò lách luật của Apple trước phán quyết của tòa án trong vụ kiện với Epic Games.

Điên rồ

Sau cuộc chiến dài hơi giữa hãng game Epic Games với Apple, hàng loạt doanh nghiệp và chính trị gia đã gây sức ép để buộc nhà táo khuyết phải thay đổi và động thái trên là bước đi mới nhất nhằm nới lỏng các hạn chế của hệ sinh thái iPhone.

Phán quyết của tòa án trong vụ kiện với Epic đã khiến Apple có động thái đối phó, tuy nhiên hãng này đang tìm cách chuyển vụ việc sang tòa án khác nhằm giải quyết theo hướng có lợi hơn.

Trước đây, phía Apple ép các nhà phát triển nội dung sử dụng hệ thống thanh toán nội bộ của họ để buộc phải chịu mức phí lên đến 30%. Hiện dù đã chấp nhận nền tảng thanh toán thứ 3 nhưng Apple vẫn giữ nguyên tỷ lệ ở 27%, đồng thời cho biết họ có quyền kiểm tra các nhà phát triển xem giao dịch có được hoàn thành hay không.

Chấn động: Apple chấp nhận nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ 3 sau khi thua kiện Epic Games - Ảnh 2.

Tỷ lệ thu phí thanh toán quá cao này đã khiến nhiều nhà phát triển tức giận, coi đó là hành vi chơi xấu khi Apple không tuân thủ đúng cam kết như phán quyết của tòa án trong vụ kiện với Epic.

"Apple đang giết chết sự cạnh tranh khi các nhà phát triển không thể chào bán sản phẩm rẻ hơn nếu vừa phải trả nền tảng thanh toán thứ 3 mức lệ phí 3-6%, xong lại phải trả tiếp 27% cho Apple", CEO Tim Sweeney của Epic Games bức xúc.

Đồng quan điểm, nhà phát triển David Heinemeier Hansson của Ruby on Rails coi mức phí 27% của Apple là "điên rồ".

"Apple đang phạm sai lầm tương tự như Microsoft trong thập niên 1990. Việc độc quyền khiến họ có quyền lực tuyệt đối để coi thường các nhà phát triển ứng dụng", ông Hansson nói.

Tương tự, ứng dụng phát nhạc trực tuyến Spotify coi động thái của Apple là "thái quá", đồng thời cho biết đang cố gắng kêu gọi các nhà làm luật thực hiện những chính sách chống độc quyền với nhà táo khuyết như ở Hàn Quốc và Hà Lan.

"Một lần nữa, Apple đã cho thấy họ sẽ không từ bỏ mọi thủ đoạn để bảo vệ lợi nhuận thu được từ các nhà phát triển lẫn người tiêu dùng nhờ sự độc quyền hệ sinh thái của mình", Spotify tuyên bố.

Lách luật

Phía Apple cho biết họ hoàn toàn tuân thủ theo phán quyết của tòa án khi cho phép nền tảng thứ 3 tham gia thanh toán. Đồng thời nhận định mức phí 27% là hợp lý để đảm bảo môi trường an toàn cho người dùng iPhone.

"Tất cả những nhà phát triển ứng dụng trên chợ App Store đang hưởng lợi nhờ nền tảng của Apple, trong khi những công cụ và công nghệ này là độc quyền và được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ", phía Apple nêu rõ.

Nhà táo khuyết cũng cho biết trước đó chợ ứng dụng App Store đã tạo ra doanh thu 1,1 nghìn tỷ USD cho các nhà phát triển trong năm 2022.

Quay ngược dòng thời gian, hãng game Epic Games đã có vụ kiện lịch sử với chợ ứng dụng của Apple và Google khi thu phí quá cao cho trò Fornite của mình vào năm 2020.

Tại thời điểm này, nhiều nhà phát triển không kỳ vọng gì nhiều bởi quyền lực của Apple lẫn Google là quá lớn, qua đó ép cả người mua lẫn bán phải chấp nhận mức phí cao bất hợp lý do họ đặt ra.

Chấn động: Apple chấp nhận nền tảng thanh toán trực tuyến của bên thứ 3 sau khi thua kiện Epic Games - Ảnh 3.

Thế nhưng với những phán quyết có lợi của tòa án cho Epic, ngày càng nhiều hãng phát triển bắt đầu gây sức ép đòi Apple lẫn Google thay đổi chính sách.

Tháng 12/2023, một tòa án tại San Francisco đã trao chiến thắng cho Epic khi nhận định Google đã độc quyền chợ ứng dụng của mình. Phía Google đã ngay lập tức kháng cáo.

Trong khi đó, nhà táo khuyết vẫn chỉ đối phó cho có lệ trước các phán quyết của tòa án, điển hình là việc chấp nhận nền tảng thanh toán bên thứ 3 nhưng thu phí cao hơn như trên.

Mặc dù Epic không thuyết phục được tòa án liên bang ra quyết định coi Apple là độc quyền trong chợ ứng dụng vào tháng 4/2023 nhưng họ vẫn thành công khiến nhà táo khuyết bị phán quyết vi phạm luật cạnh tranh của California. Nhờ đó Apple bị yêu cầu phải cho phép nền tảng thanh toán bên thứ 3 tham gia hệ sinh thái của mình.

Hiện Apple đang phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền khác ở Washington và Châu Âu khi ép buộc cả người dùng lẫn các nhà phát triển phải sử dụng các nền tảng của họ.

Bộ tư pháp Mỹ đã tiến hành điều tra nhiều năm về hành vi của Apple và đang tiến vào giai đoạn cuối.

Tại Châu Âu, Apple là một trong 6 hãng công nghệ lớn gồm Alphabet (Google), Amazon, ByteDance, Meta (Facebook) và Microsoft sẽ phải tuân thủ Đạo luật thị trường công nghệ (DMA) mới được ban hành.

Theo đó, các hãng này sẽ bị cấm ưu tiên dùng sản phẩm, dịch vụ hay nền tảng của mình thay vì để người mua và bán tự do chọn lựa bên thứ 3.

*Nguồn: Washington Post

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM