CEO VNLife nói về "cơn đau đầu" của các ví điện tử: Sự xuất hiện của VietQR
"Trước khi NAPAS cho ra mắt VietQR, chỉ có VNPAY-QR trên các tài khoản ngân hàng. Sự xuất hiện của VietQR tạo ra rất nhiều cạnh tranh, vì nó miễn phí và nhanh chóng tức thì", ông Niraan De Silva, CEO của VNLife – công ty mẹ của dịch vụ thanh toán VNPAY-QR chỉ ra thực tế.
Được thành lập vào tháng 3/2007, VNPAY là một trong những công ty đầu tiên được cấp phép thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán ví điện tử tại Việt Nam, sau đó tới dịch vụ trung gian thanh toán. VNLife là công ty holding được thành lập năm 2018 với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPAY.
Có thể nói tên tuổi của VNPAY gắn liền với sản phẩm VNPAY-QR – một giải pháp thanh toán không tiền mặt tiện lợi. Người dùng có thể thanh toán VNPAY-QR trên hơn 40 ứng dụng ngân hàng và 15 ví điện tử, cùng hơn 400.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc thuộc nhiều lĩnh vực như bán lẻ, thời trang, điện máy, bệnh viện, trường học…
Với tốc độ mở rộng hiện diện nhanh chóng cùng những lần gọi vốn thành công, VNLife đã được định giá trên 1 tỷ USD, trở thành một startup "kỳ lân" của Việt Nam.
Sự xuất hiện của VietQR
Bên cạnh VNPAY, nhiều ví điện tử khác giờ đây cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như MoMo, ZaloPay, ShopeePay… Theo báo cáo của Robocash, ước tính đến tháng 7/2024, thị trường ví điện tử sẽ có 50 triệu người dùng hoạt động, sau đó tăng lên 100 triệu vào tháng 5/2026 và 150 triệu vào tháng 7/2030.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của các ví điện tử đang vấp phải nhiều rào cản. Tại sự kiện Tech in Asia Saigon Summit 2024 diễn ra mới đây, CEO VNLife Niraan De Silva nhấn mạnh mảng thanh toán hiện đang là một lĩnh vực "vô cùng, cực kỳ cạnh tranh".
"Tôi nghĩ mọi người sẽ đồng tình với tôi. Mảng thanh toán đang vô cùng cạnh tranh vì một vài lý do. Trước hết, trên thị trường đã xuất hiện hành vi tiêu dùng mới là thanh toán thông qua nền tảng ngân hàng. Yếu tố đặc biệt thứ hai khiến mức độ cạnh tranh được đẩy lên cao là cơ sở hạ tầng xã hội.
Ở Việt Nam có NAPAS (CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam). Họ đã cho ra mắt VietQR. Mọi người bây giờ đều thanh toán thông qua mã QR từ ngân hàng. Trước khi NAPAS ra mắt VietQR, chỉ có VNPAY-QR trên các tài khoản ngân hàng. Sự xuất hiện của VietQR tạo ra rất nhiều cạnh tranh vì nó miễn phí và nhanh chóng tức thì", ông Niraan De Silva phân tích.
"Tuy nhiên, cơ hội cũng nằm ở đây", CEO của VNLife tiếp tục chỉ ra.
"VietQR là mã QR để chuyển khoản. Đó là giải pháp chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, không phải dịch vụ thanh toán. Theo luật định, chúng là 2 thứ rất khác nhau.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là nhìn vào những người buôn bán muốn một giải pháp thanh toán, ta thấy vẫn còn rất nhiều cơ hội. Nhưng với những người không quan tâm đến thanh toán và hài lòng với hình thức chuyển khoản, thì chúng tôi đang gặp khó".
Tương lai nào cho các ví điện tử?
NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS là Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại. Tháng 6/2021, NAPAS và 14 ngân hàng đầu tiên chính thức ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas 247 bằng mã QR.
Theo số liệu của BDA Partners, quy mô thị trường dịch vụ tài chính số của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng bình quân 38%/năm - nhanh nhất khu vực ASEAN. Thực tế cũng cho thấy người Việt ngày càng chuộng thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, dường như tốc độ phổ biến tới người dùng của mã QR đang nhanh hơn ví điện tử.
Theo Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2023 của Visa, ví điện tử và mã QR đang dẫn đầu các phương thức thanh toán số tại Việt Nam. Trong khi ví điện tử chiếm tỷ lệ 58%, mã QR đã chiếm tới 62% dù bùng nổ muộn hơn.
Từ năm 2020 – trước cả khi VietQR ra đời, trong một lần trả lời truyền thông, các chuyên gia tài chính từ Đại học RMIT đã chỉ ra một vấn đề lớn của các ví điện tử là chưa cho khách hàng thấy được lợi thế rõ ràng về lâu dài so với ngân hàng truyền thống. Hầu hết dịch vụ mà ví điện tử cung cấp (chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn…) đều đã có mặt trong ứng dụng di động của các ngân hàng.
"Để bứt phá khỏi cuộc chạy đua tiêu hao tài chính, ví điện tử cần cân bằng việc tăng trưởng quy mô người dùng với triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Họ cần phát triển hệ sinh thái đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ sử dụng.
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ví điện tử trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, các ví khó có thể tăng phí giao dịch thanh toán cùng lúc với việc mở rộng quy mô người dùng. Thay vì tập trung vào tính phí để có lời, doanh nghiệp ví điện tử có thể chuyển đổi thành các công ty công nghệ tài chính (fintech) và cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính như cho vay, quản lý tài sản và bảo hiểm, tương tự như cách Alipay và Ant Group đã và đang làm ở Trung Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình – giảng viên về tài chính của Đại học RMIT chia sẻ.