Moca dừng hoạt động, miếng bánh thị phần ví điện tử được chia lại thế nào?
Trước khi thông báo dừng hoạt động từ 1/7, Moca đứng thứ 6 về thị phần ví điện tử tại Việt Nam với 7% người sử dụng, theo báo cáo Người tiêu dùng số . Khi ông lớn này giã từ cuộc chơi, Momo, ZaloPay, Viettel Money sẽ thâu tóm thị phần người dùng của doanh nghiệp này hay có sự xuất hiện của một thế lực mới.
Ngày 31/5, Moca - ví điện tử chủ yếu trên ứng dụng Grab - thông báo ngừng dịch vụ từ 1/7 với lý do nhằm "thực hiện chiến lược tái cấu trúc".
Thông báo này vừa được Công ty Công nghệ và Dịch vụ Moca - đơn vị quản lý ứng dụng Ví điện tử Moca công bố. Công ty này cho biết "đã có những đánh giá cẩn trọng" và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững.
Việc Moca dừng lại để tái cấu trúc có thể nằm trong tính toán của doanh nghiệp nhưng phần nào cũng phản ánh cuộc đua khốc liệt, mục tiêu giành thị phần ví điện tử tại Việt Nam.
Năm 2015, cả thị trường Việt Nam có khoảng 5 ví điện tử được cấp phép hoạt động. Tính đến 29/3, tức gần 10 năm sau, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, có 51 doanh nghiệp không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ước tính đến hết năm 2023, toàn thị trường Việt Nam có 36 triệu ví điện tử tương ứng, theo dữ liệu từ FiinGroup - doanh nghiệp chuyên lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh.
Số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử tăng lên, song thị phần mảng này lại chủ yếu nằm trong tay một vài ông lớn.
Theo báo cáo "Người tiêu dùng số - The Connected Consumer" quý I/2023 của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam công bố, Momo là ví điện tử dẫn đầu, sở hữu 68% thị phần.
Tiếp sau Momo, Zalopay đứng thứ hai với 53%, Viettel Money chiếm 27%, ShopeePay (Airpay) có thị phần 25%. Hai ông lớn khác là VNPay và Moca chia nhau vị trí thứ 5 và 6 trên bảng xếp hạng với lần lượt 16% và 7%.
Do đó, khi Moca thông báo dừng hoạt động, miếng bánh thị phần có thể vẫn sẽ đổ dồn vào những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ, tài chính. Bởi FiinGroup từng đánh giá, dù thị trường đông đúc, lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam chỉ tập trung ở vài ông lớn, đặc biệt là Momo, Shopee Pay và VNPay.
Vừa qua, Momo thể hiện tham vọng trở thành siêu ứng dụng bằng cách chủ động đa dạng hóa các đối tác liên kết và dịch vụ thông qua M&A cũng như đầu tư vào các công ty khởi nghiệp hoặc công ty khác. Ví điện tử này hiện là ứng dụng giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 31 triệu người dùng. Theo số liệu đến quý III/2023 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, MoMo là kênh thanh toán đứng top 1 chiếm 47% tổng số giao dịch.
Trong khi đó, ShopeePay khai thác thế mạnh thương mại điện tử của Shopee, còn VNPay tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là cổng thanh toán tại cửa hàng bán lẻ địa phương và mạng lưới đối tác trên toàn quốc.
Đang chia nhau mảnh đất thị phần màu mỡ, tuy nhiên, các ví điện tử vẫn chưa thoát khỏi điệp khúc doanh thu tăng nhưng lỗ nhiều.
Trong một báo cáo của FiinGroup, đơn vị này cho biết dù đạt tăng trưởng, nhiều ví điện tử vẫn chưa thoát khỏi cuộc đua tiêu vốn để thu hút và giữ chân khách hàng. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dùng chấp nhận cài đặt ví bởi các ưu đãi, phiếu giảm giá. Điều này khiến người dùng có xu hướng quan tâm đến các chương trình khuyến mãi, sau đó chuyển sang một nhà cung cấp khác.
Trong tương lai, khi Moca giã từ đường đua, sự cạnh tranh lâu dài trong thị trường ví điện tử có thể chuyển từ cuộc đua đốt tiền làm khuyến mãi sang so kè công nghệ, tính toàn diện của hệ sinh thái, trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa doanh thu qua các dịch vụ tài chính bổ sung.