CEO Startup vừa mở ra đã gọi vốn được 3 triệu USD: "Gia đình giúp tôi ăn học, còn đủ lông đủ cánh phải tự lăn lộn thôi"
CEO startup về dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến vừa gọi vốn thành công 3 triệu USD cho biết, về lâu dài, mục tiêu phải là số 1, dù con đường phát triển trên thị trường chắc chắn không đơn giản.
Mới thành lập từ cuối năm 2014 với 10 tỷ đồng tiền vốn, nhưng chỉ sau 18 tháng, Vntrip.vn - công ty đặt phòng khách sạn trực tuyến được điều hành bởi CEO Lê Đắc Lâm đã được những nhà đầu tư nước ngoài định giá 300 tỷ đồng.
Trước đó, Vntrip.vn còn ký hợp tác với booking.com, một trang đặt phòng khách sạn trực tuyến có quy mô toàn cầu. Cái bắt tay này mang lại cho Vntrip lợi thế lớn so với đối thủ cùng ngành khác, đó là dữ liệu khổng lồ của các hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng tại Việt Nam và toàn cầu.
Chia sẻ với chúng tôi, Lê Đắc Lâm - CEO Vntrip.vn không giấu giếm tham vọng vươn lên vị trí số 1 toàn ngành. Nhưng để làm được điều này, Lê Đắc Lâm cũng hiểu rằng, con đường phía trước còn chông gai.
- Đầu tháng 7 vừa qua, Vntrip.vn vừa công bố hoàn thiện vòng gọi vốn đầu tiên với 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại. Đâu là yếu tố giúp Vntrip.vn nhận được cái “gật đầu” từ nhà đầu tư?
- Khi chúng tôi mới tiếp xúc với các quỹ đầu tư nước ngoài thì Vntrip.vn mới bắt đầu đi vào chạy thử được vài tháng. Vì vậy, với những vòng gọi vốn sớm như Series A, yếu tố quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư vào đội ngũ quản lý.
Vấn đề chính là họ phải tin rằng, chúng tôi đủ khả năng để có thể xây dựng được một công ty có giá trị cao hơn so với định giá của họ.
Vốn ban đầu của chúng tôi là 10 tỷ đồng. Còn trong vòng gọi vốn mới đây, Vntrip.vn được các nhà đầu tư định giá khoảng 300 tỷ đồng.
- Vậy niềm tin của nhà đầu tư đến từ đâu? Tại sao họ chọn Vntrip.vn mà không phải startup khác cùng ngành?
- Tôi cho là tiềm năng phát triển. Hiện tại, chúng tôi là trang web đặt phòng nội địa lớn nhất tại Việt Nam, cho phép khách hàng lựa chọn từ 6.000 khách sạn trong nước và gần 900.000 khách sạn trên khắp thế giới.
Ngoài ra, Vntrip.vn là nơi duy nhất cung cấp xe ô-tô đón miễn phí từ tất cả sân bay trong nước về khách sạn, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại và không mất thời gian bắt taxi.
Về giá, hơn 70% khách sạn của chúng tôi hiện tại có giá rẻ nhất thị trường. Số còn lại, khi khách hàng tìm thấy giá rẻ hơn ở nơi khác, chúng tôi sẵn sàng bán bằng giá trong khi vẫn cung cấp dịch vụ đón miễn phí.
Tóm lại, với số lượng khách sạn, giá phòng và chất lượng dịch vụ, chúng tôi luôn cố gắng để mình là số một trên thị trường.
Khi tiếp xúc với nhà đầu tư, chúng tôi tự tin về những gì mình đang làm. Khi ấy, chúng tôi cũng đã có trong tay một đội ngũ giỏi để có thể thực hiện kể hoạch của mình.
Muốn là số 1, phải khôn hơn, cần cù hơn
- Trong bài phỏng vấn, nhà đầu tư Scott Hancock dành khá nhiều lời khen ngợi cho anh và đội ngũ quản lý của Vntrip.vn. Vấn đề nhân sự cũng là yếu tố đầu đầu của nhiều startup hiện nay. Anh quan niệm như thế nào?
- Tôi nghĩ đầu tiên là cái duyên. Khi xây dựng doanh nghiệp, ai cũng muốn tìm được người giỏi về làm cùng mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn gặp được những người như vậy. Còn đến lúc gặp được rồi thì phài tìm cách thuyết phục họ theo mình.
Mỗi người đều có tham vọng riêng, quan trọng là mình phải hiểu được tham vọng đó của họ là gì và khiến họ tin rằng nếu theo mình thì cơ hội đạt được tham vọng đó là cao nhất. Phải làm được điều đó thì mới thu hút được những người giỏi hơn mình về làm cùng. Và nếu hợp tác được với những người giỏi hơn mình thì rõ ràng cơ hội thành công của mình sẽ cao hơn.
- Thương mại điện tử VN (TMĐT) là lĩnh vực không mới song không ít DN trong nước đang lận đận trên thị trường, một số đã phải đóng cửa. Vntrip.vn đang hoạt động theo hình thức này?
- TMĐT ở Việt Nam thực sự là rất khó thành công. Tôi nghĩ muốn xây dựng được một công ty thành công, mình phải có sự khác biệt, phải có lợi thế cạnh tranh và phải có cách để duy trì được lợi thế đó trong dài hạn.
Đối với TMĐT ở Việt Nam, tôi không thấy các công ty hiện tại có được những yếu tố đó. Về khoảng cách từ nhà đến cửa hàng thì ở Việt Nam mọi thứ khá gần, nên các trang TMĐT cũng không thực sự mang lại sự khác biệt.
Lê Đắc Lâm chính là con trai nguyên Tổng giám đốc VPBank Lê Đắc Sơn, hiện là Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đại Nam.
Về giá thì có nhiều mặt hàng phải cạnh tranh với chính những “ông chủ, bà chủ nhỏ” kinh doanh hàng xách tay trốn thuế qua Facebook. Đó là chưa nói về biên độ lợi nhuận lại quá thấp để có thể hoạt động hiệu quả. Vì thế, nhiều công ty chưa thấy được đồng lãi nào thì đã hụt hơi, hết tiền và đóng cửa.
Kể cả những công ty lớn và tên tuổi đang khá nổi tiếng trên thị trường tôi cũng nghĩ về lâu dài khó mà thành công được. Đơn giản vì không thấy được rõ lợi thế cạnh tranh lâu dài của họ là gì.
- Còn Vntrip.vn thì sao?
- Nhìn vào chúng tôi thì tưởng là thương mại điện tử, nhưng thực ra khác ở khá nhiều điểm. Điển hình như việc giao hàng. Chúng tôi không phải giao hàng cho khách mà họ sẽ tự đi đến khách sạn. Như vậy là đỡ phải lo một khâu khá phức tạp rồi.
Với sản phẩm khách sạn thường sẽ không có trường hợp thật hay giả, hoặc chính hãng hay xách tay. Một trong những vấn đề lớn của TMĐT là thanh toán. Còn với chúng tôi, việc cho phép khách hàng thanh toán ngay tại khách sạn khi trả phòng sẽ bớt một khâu rủi ro nữa.
Về lợi thế cạnh tranh, chúng tôi có giá tốt hơn so với giá khách hàng tự đặt với khách sạn, lại có xe đón miễn phí cùng với dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7, nên ít nhất chúng tôi cũng có cơ sở để cho rằng mình đang tạo được sự khác biệt so với các phương pháp truyền thống.
- Theo anh, khó khăn khi kinh doanh trong lĩnh vực này là gì ?
- Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi chính là yếu tố cạnh tranh.
Trong các lĩnh vực khác, nhiều khi có thể có rất nhiều DN cùng tồn tại và cùng nhau thành công ở cùng một thời điểm. Như vậy, bạn không cần phải là người giỏi nhất để có thể thành công. Nhưng với lĩnh vực kinh doanh online này thì hoàn toàn ngược lại.
Muốn thành công trong lĩnh vực này, thường bắt buộc chúng ta phải là số một, nếu không sớm muộn cũng sẽ bị đối thủ chiếm mất thị phần và về lâu dài sẽ bị họ đánh bại. Thực tế đã được chứng minh ở một số nước như Mỹ, Trung Quốc - chỉ có 1 hoặc 2 công ty thống lĩnh cả thị trường, trong khi các công ty khác phải đóng cửa hoặc bị thâu tóm.
Vì thế, để thành công trong lĩnh vực này, cách duy nhất là mình phải làm tốt hơn tất cả đối thủ. Tóm lại, về lâu dài, chúng tôi phải là số một. Và điều đó rõ ràng là không hề đơn giản.
- Vậy làm thế nào để công ty anh trở thành số một?
- Nói chung, cái gì mình cũng phải làm tốt hơn người ta. Và nếu cạnh tranh với người mạnh hơn mình thì mình phải khôn hơn họ. Với người khôn hơn thì mình phải cần cù hơn. Có như vậy, may ra mới có cơ hội trở thành số một được.
Còn nếu người ta vừa mạnh hơn, vừa khôn hơn, lại vừa cần cù hơn mình thì chắc mình phải tìm hướng khác thôi.
- Bản thân anh xuất thân từ một gia đình có điều kiện, vậy tại sao anh lại lựa chọn con đường tự khởi nghiệp mà không tiếp nối sự nghiệp của gia đình như nhiều thiếu gia khác?
- Tôi nghĩ bố mẹ cho mình ăn học và tạo đủ mọi điều kiện trong cuộc sống như vậy đã là may mắn lắm rồi. Khi đủ lông đủ cánh, tôi phải tự mà lăn lộn.
Mỗi người đều có tham vọng riêng. Đối với tôi, có tự lập nghiệp thì mới có thể có được những thứ mình thực sự mong muốn.
Xin cảm ơn anh!