CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng

08/03/2022 09:03 AM | Kinh doanh

Theo Tổng giám đốc Sacombank, lợi thế hay bất lợi khi điều hành doanh nghiệp không phụ thuộc vào bạn là giới nào mà phụ thuộc vào việc bạn làm chủ cuộc sống và sắp xếp công việc ra sao.

5 năm ngồi "ghế nóng" ở Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được nhận xét là vị nữ tướng mạnh mẽ và quyết đoán. Bà cũng là tấm gương và là người truyền cảm hứng mạnh mẽ tới toàn thể cán bộ nhân viên Sacombank. Sau nửa chặng đường tái cơ cấu theo Đề án đã được phê duyệt, Sacombank đang băng băng về đích sớm hơn dự kiến với những thành quả ấn tượng. Nhiều điều thú vị trong công việc kể từ khi đảm nhận "ghế nóng" ở Sacombank cũng như những quan niệm về người phụ nữ trong vai trò "thuyền thưởng" được bà lần đầu chia sẻ nhân dịp 8/3 – Ngày Quốc tế phụ nữ.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 1.

Là một nữ tướng hiếm hoi của ngân hàng, lại là ngân hàng phải tái cấu trúc, khi mới nhậm chức Tổng giám đốc Sacombank, chị có suy nghĩ gì?

Tôi luôn tự đặt câu hỏi: "Mình có thể làm được gì?" chứ không lo nhiều về chuyện "mình sẽ được đặt ở vị trí nào", bởi tôi tin khi một người có năng lực, có đạo đức, có tâm huyết lại có một quá trình cống hiến và chứng tỏ được nội lực bản thân thì sớm muộn cũng được tin dùng. Việc là nữ tướng hay nam tướng không ảnh hưởng gì đến suy nghĩ của tôi đâu. Ai có năng lực thì đều có thể làm được, mình giỏi nhưng sẽ có người giỏi hơn, do đó mình phải luôn khiêm tốn. Dù bạn là ai thì khi bạn đã nhận trách nhiệm, bạn phải làm hết mình.

Việc bắt tay với ông chủ hoàn toàn mới của ngân hàng là ông Dương Công Minh, giai đoạn đó cách làm việc của chị cũng như toàn bộ ngân hàng chắc hẳn phải có nhiều thay đổi, chị có thể chia sẻ?

Tôi còn nhớ phiên họp đầu tiên với HĐQT ở vị trí mới, cảm xúc của tôi có thể nói là khá hồi hộp. Mọi việc tưởng chừng như sẽ bị xáo trộn hoàn toàn, nhưng thực tế là ngược lại. Khi tiếp cận và trò chuyện gần gũi, tôi nhận ra anh Minh là người có phong cách làm việc chuyên nghiệp, rõ ràng, nghiêm túc và đặt chữ tín lên hàng đầu. Những quan điểm làm việc này của anh Minh khá tương đồng với văn hóa cốt lõi của Sacombank, vốn đã được các HĐQT tiền nhiệm gầy dựng từ nhiều năm trước, cho nên về tổng thể, phong cách làm việc của Sacombank hầu như không có sự thay đổi lớn.

Riêng tôi, với tư cách là một người phụ nữ rất cá tính, thẳng thắn và trách nhiệm, tôi và anh đã có một buổi nói chuyện khá rõ ràng. Anh tin tưởng, tôn trọng và giao quyền cho tôi chủ động giải quyết công việc theo quy định pháp luật, trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức. Nhờ đó, tôi có thể tự tin làm việc và giải quyết các công việc tại Sacombank.

Chúng tôi cũng thống nhất với nhau rằng sẽ xây dựng bộ máy điều hành theo hướng công khai – minh bạch, tách bạch giữa quản trị và điều hành, tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân sự, bộ máy tổ chức có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm, kiên định với mục tiêu đã đề ra.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 2.

Những khó khăn và thuận lợi mà chị gặp phải khi ngồi ghế nóng Sacombank?

Thời điểm tôi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc, Sacombank phải đối diện với những khó khăn chồng chất. Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97 ngàn tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ tín nhiệm của chúng tôi xuống mức thấp nhất, các định chế tài chính cắt giảm, ngưng hạn mức giao dịch. Uy tín thương hiệu sụt giảm, khách hàng rời đi, nhiều chỉ số an toàn hoạt động dưới chuẩn quy định. Chưa kể, chúng tôi còn phải đối mặt với sự rời đi của nhiều cán bộ nhân viên và nhân sự cấp cao do mất niềm tin vào tổ chức. Tất thảy, đòi hỏi tôi cũng như các anh chị trong HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành phải thật sự quyết liệt, mạnh mẽ và nhạy bén trong các quyết định để đưa Sacombank thoát cảnh ngặt nghèo.

Điểm tích cực là chúng tôi được thừa hưởng một nền tảng hoạt động vững chắc, một quy trình làm việc chuyên nghiệp, một bản sắc văn hóa đoàn kết, kỷ luật và văn minh do các thế hệ lãnh đạo trước đó dựng xây. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi có thể vực dậy và tái ổn định về mọi mặt.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 3.

Riêng bản thân mình, tôi may mắn nhận được sự dẫn dắt và tin tưởng giao quyền của HĐQT, Ban Kiểm soát và đặc biệt là của anh Dương Công Minh, sự đồng hành của Ban điều hành, dù rất nhiều người trong số các anh chị ấy có kinh nghiệm lâu năm hơn tôi, thậm chí từng là cấp quản lý của tôi trước đây nhưng vẫn chân thành, trách nhiệm và sát cánh bên tôi, chấp nhận thay đổi theo những quyết định của tôi trong từng giai đoạn và điều đó giúp chúng tôi vượt qua rất nhiều thử thách.

Quan trọng hơn hết, tôi nhận được một nguồn động lực to lớn là sự đồng lòng của cán bộ nhân viên trên toàn hệ thống, sự yêu mến và ủng hộ của hàng triệu khách hàng, sự tín nhiệm của quý cổ đông. Bấy nhiêu đó thôi đã giúp ghế "nóng" bớt nóng và tiếp thêm cho tôi rất nhiều sự tự tin, bản lĩnh và trách nhiệm.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 4.

Những kinh nghiệm khi còn là Phó TGĐ phụ trách xử lý nợ xấu giúp gì cho chị khi thực hiện tái cấu trúc ngân hàng?

Nói đến lĩnh vực ngân hàng thì mảng khó nhất là xử lý nợ, là khâu quan trọng cuối cùng, cần những người có tố chất đặc biệt, có kinh nghiệm, có am hiểu, mạnh dạn, linh hoạt và tuân thủ pháp luật. Việc xử lý nợ xấu không chỉ căn cứ vào tính pháp lý của tài sản đảm bảo mà còn phải cân nhắc tới hiện trạng, giải pháp, đến sự thấu hiểu và đồng cảm với khách hàng, đặc biệt là xu thế của thị trường. Với nhiều năm trong lĩnh vực này, chắc chắn tôi có đầy đủ những yếu tố trên để được chọn vào vị trí tiên phong.

Thẳng thắn mà nói chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của VAMC, của HĐQT, đã thấu hiểu và cho chúng tôi những cơ chế rõ ràng để chúng tôi thực thi đúng chức năng, vai trò của mình. Bạn thấy đó, sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Chúng tôi đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể. Chúng tôi chỉ còn một phần nhỏ nữa thôi là hoàn thành tái cơ cấu. Các tài sản đảm bảo ở Sacombank đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp, do đó tôi tin là chúng tôi có thể hoàn thành sớm hạng mục này trong tương lai, nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm đầu tư và sự tích cực hợp tác từ các nhóm khách hàng có liên quan.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 5.

Kết quả 5 năm tái cấu trúc toàn diện Sacombank đến nay thế nào? Để có được những thành công này, Sacombank đã có những thay đổi trọng yếu nào, đâu là điều kiện tiên quyết?

Tôi nghĩ với những người thường xuyên theo dõi tin tức ngành ngân hàng, không khó để nhìn thấy được những kết quả vượt bậc của Sacombank. Có lẽ chúng tôi là cái tên hiếm hoi trong các ngân hàng Việt có tốc độ tái cấu trúc quyết liệt như vậy. Bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu đã đề cập ở trên, các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tổng huy động, dư nợ tín dụng đều tăng mạnh. Tuy vẫn đang còn trong giai đoạn tái cơ cấu nhưng Sacombank vẫn dành nguồn lực để trích lập dự phòng, phân bổ lãi dự thu và nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ. Uy tín thương hiệu của Sacombank cũng được phục hồi đáng kể khi được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s tăng hạng, được vào Top 500 thương hiệu Ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Hệ khách hàng phát triển mạnh mẽ ở cả hai phân khúc cá nhân và doanh nghiệp, đạt mốc 10 triệu khách hàng vào cuối 2021.

Để có được những thành quả này, ngoài việc xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản, mô hình quản trị chuyên nghiệp, chúng tôi còn tập trung vào đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cải tiến sản phẩm – dịch vụ theo hướng hiện đại và nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng. Việc chuyển đổi số còn được ứng dụng sâu rộng trong vận hành, tác nghiệp hằng ngày của CBNV để giảm thiểu các thao tác thủ công, nâng cao năng suất lao động và hòa nhịp với xu thế của thị trường.

Tất nhiên, những chiến lược trên sẽ chỉ mãi là chiến lược trên giấy nếu không có yếu tố tiên quyết – con người. Đội ngũ nhân sự của Sacombank đều là những người có chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi đã cùng chia sẻ quan điểm về sự phát triển, chí hướng vươn lên và đồng lòng vượt qua nhiều thách thức. Sacombank khi đã tuyển dụng nhân sự, cũng xây dựng nhiều chương trình đào tạo, lộ trình thăng tiến rõ ràng, trau dồi cho họ những giá trị hữu ích trong sự nghiệp và đảm bảo lực lượng nhân sự của mình luôn được cập nhật những kiến thức mới, thích ứng với biến động thị trường

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 6.

Sacombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào giữa tháng 4, theo dự đoán của chị, liệu ngân hàng có thay đổi gì trong kỳ đại hội tới không?

Đại hội đồng cổ đông của các Ngân hàng nói chung và Sacombank nói riêng luôn được dư luận quan tâm và có nhiều thông tin. Đại hội đồng cổ đông năm nay của chúng tôi cũng không ngoại lệ. Cũng như một đoàn tàu, mỗi khi đến ga, sẽ có khách lên tàu và cũng sẽ có khách xuống tàu, điều quan trọng là đoàn tàu đó sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, sẽ tiếp tục chạy đến ga cuối an toàn.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 7.

Theo chị, lợi thế và bất lợi của một người phụ nữ khi điều hành ngân hàng là gì?

Mọi người hay có quan điểm là, đàn ông thường mạnh mẽ, quyết đoán, chịu được áp lực tốt và không vướng bận nhiều về gia đình, phụ nữ thì thường tinh tế, khéo léo và giỏi giao tiếp, chăm sóc khách hàng hơn. Tôi thì may quá lại có tất cả những lợi thế này. Tôi khác nhiều chị em là không bị vướng bận về gia đình nhưng bù lại tôi có sự ủng hộ từ HĐQT tiền nhiệm, HĐQT hiện tại, có sự quan tâm chăm sóc từ người thân và quan trọng là có sự tin tưởng của hơn 18.000 cán bộ nhân viên cùng gia quyến của họ.

Hơn nữa, giờ xã hội bình đẳng rồi, giới nào thì cũng đều phải chia sẻ cho nhau những trách nhiệm hằng ngày và được tự do theo đuổi hoài bão. Chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều nữ doanh nhân đang đảm nhận vị trí trọng yếu tại nhiều doanh nghiệp như chị Thu Hương của Vingroup, chị Phương Thảo của Sovico, chị Nga của SeABank, chị Mai Kiều Liên của Vinamilk… và thực tế là họ rất thành công. Như vậy, lợi thế hay bất lợi không phụ thuộc vào bạn là giới nào mà phụ thuộc vào việc bạn làm chủ cuộc sống và sắp xếp công việc ra sao. Nhất là khi bạn đứng ở vị trí điều hành một doanh nghiệp, bạn phải biết đâu là ưu tiên của mình, mỗi quyết định đều phải cân bằng giữa sự mạnh mẽ và cả sự tinh tế, nhân văn.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 8.

Ngoài điều hành ngân hàng, chị cũng là một KOL trên mạng xã hội. Việc tham gia mạng xã hội như vậy có giúp gì cho chị trong công việc và cuộc sống?

Việc được mọi người nhìn nhận như một KOL là niềm vui ngoài mong đợi của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một người nổi tiếng và chủ động dùng mạng xã hội để tỏa sáng. Với tôi, nó chỉ như một công cụ để chia sẻ những câu chuyện vui hằng ngày, lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng sống đẹp cho mọi người và góp phần truyền thông các sản phẩm – dịch vụ của Sacombank. Tôi cũng dùng mạng xã hội để kết nối bạn bè, với các đàn anh đàn chị trong nghề và học hỏi kinh nghiệm từ họ, làm giàu vốn sống của mình.

Chị có sở thích gì và dành thời gian thế nào cho riêng mình?

Nói thật lòng thì tôi không có nhiều thời gian rảnh, nếu có thì tôi thường dành cho gia đình và bạn bè.

 CEO Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm: Tôi có cả lợi thế của phụ nữ và đàn ông khi điều hành ngân hàng - Ảnh 9.

Chị có dự định gì xa hơn trong tương lai, sau khi kết thúc đề án tái cấu trúc Sacombank?

Tôi thường tập trung vào những mục tiêu ngắn, rõ ràng hơn là nhìn về quá khứ hay tương lai quá xa. Hiện tôi đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thành luận án tiến sĩ. Xa hơn nữa, mục tiêu của tôi là có thể sắp xếp được thời gian để tham gia giảng dạy tại một số trường đại học hoặc cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tôi mong muốn với kinh nghiệm thực tiễn sẽ có những bài học thiết thực để chia sẻ, truyền lửa cho các bạn sinh viên và góp phần xây dựng những cái nôi đào tạo nên tài năng trẻ cho lĩnh vực tài chính – ngân. Riêng với Sacombank, tôi xem đây là mái nhà thứ hai của mình, mà một khi đã gọi là nhà thì mình phải sống trách nhiệm, yêu thương và cống hiến hết mình cho nó.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Theo Hằng Kim

Cùng chuyên mục
XEM