CEO Quỹ khởi nghiệp SVF khuyên các startup định gọi vốn: Nhà đầu tư chọn bạn vì tương lai chứ không vì hiện tại, vậy nên hãy trung thực khi nói về số liệu
Cũng theo anh Phạm Duy Hiếu, để gọi vốn thành công, startup cần lộ trình rõ ràng chứ không nên đợi hết tiền rồi mới đi gọi vốn.
Nếu đã quen thuộc với gameshow Shark Tank Việt Nam, chắc chắn bạn không bất ngờ với những câu hỏi về tình hình tài chính, doanh thu, lỗ, lãi,...đến từ các "cá mập" của chương trình, đặc biệt là Shark Phú. Trong một tập phát sóng đầu mùa 2, Shark Phú cũng từng thẳng thắn thừa nhận: "Anh chẳng tin vào ai cả, anh chỉ tin vào số liệu thực tế".
Không riêng gì Shark Phú, với các nhà đầu tư nói chung, số liệu kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc cân nhắc trước khi đưa ra quyết định rót vốn. Nhìn vào số liệu kinh doanh quá khứ, nhà đầu tư có thể mô phỏng tình hình phát triển ở tương lai để tính toán xem tốc độ phát triển mô hình có gắn liền với lợi ích của mình không.
Thừa nhận số liệu phản ánh nhiều thông tin quan trọng nhưng CEO Phạm Duy Hiếu của Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công Nghệ Việt Nam- Startup Vietnam Foundation (SVF), cho biết những con số lại thường có độ trễ so với tình hình thực tế. Anh lấy ví dụ ở hiện tại, số liệu đang xấu nhưng có thể chỉ vài tháng sau đã bùng nổ, hoặc số liệu ban đầu nhìn rất đẹp nhưng sau khi nhà đầu tư xuống tiền một thời gian là "tan tành".
"Với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư chọn bạn vì tương lại của bạn chứ không vì hiện tại. Hiện tại của bạn nhỏ lắm".
"Với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư chọn bạn vì tương lại của bạn chứ không vì hiện tại. Hiện tại của bạn nhỏ lắm. Người ta xuống tiền không vì cái nhỏ, người ta muốn đầu tư để khi công ty của bạn lớn hơn, sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên", anh Hiếu chia sẻ trên sóng chương trình Cafe Khởi Nghiệp.
"Do đó, vấn đề không phải số liệu đẹp hay xấu, mà vấn đề là người sáng lập có trung thực hay không trước các nhà đầu tư".
Vì vậy, theo CEO của SVF, khi startup được hỏi về các thông số liên quan đến doanh thu, số lượng khách hàng, nên tránh đưa số liệu không đúng sự thật, đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Thay vào đó, những nhà sáng lập có thể thừa nhận chưa có khách hàng nhưng dùng đam mê, lòng tin của bản thân để thuyết phục nhà đầu tư.
"Dù con số ấy nhỏ bé, khiêm tốn thôi nhưng khi kiểm tra thấy đúng sự thật, nhà đầu tư sẽ có niềm tin vào startup. Họ sẽ sẵn lòng bỏ tiền để cùng bạn viết câu chuyện lớn hơn", anh Phạm Duy Hiếu khẳng định.
CEO Phạm Duy Hiếu (ngoài cùng bên phải) trong chương trình Cafe Khởi Nghiệp.
Phần lớn startup chỉ gọi vốn khi đã hết tiền
Bên cạnh vấn đề trung thực khi trình bày số liệu, CEO Phạm Duy Hiếu cho rằng để gọi vốn thành công, startup cần có kế hoạch và lịch trình rõ ràng: Ví dụ ở giai đoạn này cần làm gì, đạt mục tiêu gì nên sẽ gọi lượng vốn là X, sau đó mục tiêu lớn hơn thì gọi số vốn là Y.
"Khi rót vốn, ngoài rủi ro hay lợi nhuận, nhà đầu tư rất quan tâm đến thời điểm thoái vốn. Các startup lên được kế hoạch gọi vốn vòng tiếp theo ngay từ sớm sẽ khiến nhà đầu tư có cái nhìn xa hơn, có kỳ vọng thoái vốn thành công nhiều hơn".
Thông thường ở nước ngoài, các startup khá thông thạo việc này. Khi gặp nhà đầu tư họ nắm rõ mình đang gọi vòng vốn số mấy, sau bao lâu gọi vòng tiếp theo để giá trị vốn góp của nhà đầu tư đó sẽ thặng dư. Trong khi đó, theo anh Hiếu, ở Việt Nam, startup chưa chú ý đến việc xây dựng kế hoạch tổng thể cho vòng gọi vốn, dẫn đến chỉ khi nào thiếu tiền mới đi kêu gọi đầu tư.
"Nếu đi gọi vốn với trạng thái như thế, ai sẽ đầu tư vào các bạn vì lúc đó rủi ro đầu tư rất cao", CEO SVF đặt câu hỏi. "Startup cần lên kế hoạch rõ ràng, đi vào từng vòng gọi vốn một cách chủ động mới làm nhà đầu tư yên tâm. Gọi vốn trong khởi nghiệp cần lộ trình, kế hoạch và chiến lược rõ ràng".
Sai lầm khi nói quá nhiều về sản phẩm, bỏ qua tiềm năng thị trường
Cũng theo anh Phạm Duy Hiếu, một trong những sai lầm nhiều startup mắc phải khi thuyết trình trước nhà đầu tư là nói quá nhiều về sản phẩm, mà quên không nói đến tiềm năng thị trường, trong khi đây mới là điều nhà đầu tư thực sự quan tâm.
"Startup cứ say mê trình bày mình có sản phẩm này sản phẩm kia, làm được việc này việc kia nên bỏ lỡ cơ hội tạo ấn tượng với nhà đầu tư ngay trong những giây phút đầu tiên. Khi đã bỏ lỡ thì rất khó lấy lại vì nhà đầu tư không chú ý nữa rồi".
"Tôi khuyên startup khi gặp nhà đầu tư, hãy nói về tiềm năng thị trường trước khi đi vào thảo thuận, nghiên cứu số liệu".
Anh cho biết hai vấn đề cơ bản nhà đầu tư quan tâm là tiềm năng thị trường ra sao và đội ngũ startup có khả năng giải bài toán của thị trường hay không. Nếu startup trả lời thẳng vào hai điều này thì chắc chắn cơ hội được rót vốn sẽ lớn hơn.