CEO Nhậm Chính Phi: Huawei đang phát triển công nghệ 6G, nhưng còn lâu mới ra mắt
Ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc tuyên bố Huawei đã bắt đầu nghiên cứu về mạng 6G.
Mới đây, nhà sáng lập đồng thời là CEO của Huawei, ông Nhậm Chính Phi tuyên bố Huawei đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ mạng không dây 6G - thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 5G, vốn còn chưa được độ phổ biến rộng rãi.
"Huawei phát triển song song đồng thời cả công nghệ 5G và 6G, vì vậy chúng tôi đã bắt đầu (nghiên cứu) 6G từ lâu," ông Nhậm Chính Phi tiết lộ trong một buổi hội thảo do CNBC tổ chức hôm qua (26/9).
Tuy nhiên, người sáng lập của Huawei cho biết, công nghệ 6G vẫn đang trong "giai đoạn thai nghén", đồng thời cho rằng "vẫn còn rất lâu nữa" công nghệ này mới đi vào giai đoạn thương mại hóa. Theo đó, 6G có thể ra mắt vào khoảng 10 năm nữa, vào năm 2029, theo dự đoán của ông Nhậm Chính Phi.
Trang CNBC bình luận, trong bối cảnh công nghệ 5G còn chưa được phổ biến, ông Nhậm đã đề cập đến công nghệ 6G là khá bất ngờ.
5G là tên của các mạng di động thế hệ mới, cho phép người dùng trải nghiệm tốc độ kết nối dữ liệu siêu nhanh, đồng thời hứa hẹn mang tới các công nghệ mới như xe không người lái. Hiện tại, công nghệ mạng 5G đang dần triển khai ở những quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Anh và Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa được các nhà mạng triển khai trên quy mô toàn cầu.
Cũng theo CNBC, các nhà mạng hay các hãng công nghệ vẫn phải thực hiện rất nhiều việc trước khi 6G trở thành hiện thực. Cụ thể, các tiêu chuẩn mới dành cho công nghệ 6G cần phải được thiết lập và thống nhất bởi nhiều bên trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông. Thực tế, các cuộc thảo luận ban đầu liên quan đến 6G cũng đã diễn ra, tuy nhiên các tiêu chuẩn cho mạng di động thế hệ thứ sáu có thể mất nhiều năm để thành hình.
Về phần Huawei, hãng công nghệ này hiện đang tập trung mọi nỗ lực vào công nghệ 5G. Theo CNBC, Huawei đã ký hơn 50 hợp đồng thương mại 5G, nhiều hơn cả các đối thủ cạnh tranh như Nokia và Ericsson.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực liên tục từ Mỹ, với các cáo buộc hãng này là một rủi ro an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho chính phủ Trung Quốc theo dõi người Mỹ. Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc đó.