CEO NEO Communications: "Một đôi giày Biti’s kéo xuống khỏi kệ có nghĩa rằng những đôi giày nước ngoài khác, đặc biệt là của Trung Quốc không có cơ hội được mua"

05/01/2017 08:19 AM | Kinh doanh

Đây là những chia sẻ của ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc Neo Communications với Trí Thức Trẻ xung quanh “hiện tượng Biti’s” trong những ngày gần đây.

Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng Biti’s trong những ngày gần đây?

Tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất tốt. Những mẫu giày mới của Biti’s rất đẹp, không thua gì hàng của Adidas hay Nike. Tôi nghĩ đây là thương hiệu một Việt từ xưa đến nay đã làm rất tốt việc “Nâng niu bàn chân Việt”. Nhưng nếu trước đây, Biti’s tập trung chủ yếu vào học sinh thì giờ họ đang dần tiếp cận đến các bạn trẻ.

Biti’s đã có sự lựa chọn hợp lý khi mời Sơn Tùng M-TP và Soobin Hoàng Sơn làm người quảng cáo. Cả Sơn Tùng và Soobin đều là những người có sức ảnh hưởng với giới trẻ. Đây là một hướng đi hay của Biti’s.

Mặt khác, việc hợp tác với hãng Disney cho ra mắt bộ sưu tập giày cho trẻ em cũng rất thông minh, tươi mới. Đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam tận dụng, mượn sức của thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; trước đó, vở Vĩnh Tiến cũng đã mua bản quyền để sử dụng hình ảnh của Disney trên trang bìa của mình.

Biti's Hunter xuất hiện trong clip ca nhạc đang gây sốt của Sơn Tùng M-TP "Lạc trôi".

Với sự ra đời của sản phẩm mới như Biti’s Hunter, hay bộ sưu tập giày cho trẻ em mua lại bản quyền của Disney, ông có cảm thấy slogan “Nâng niu bàn chân Việt” có trở nên quá cũ kỹ, cần thay đổi?

“Nâng niu bàn chân Việt” là branding idea của thương hiệu Biti’s, có nghĩa nó là lẽ sống của thương hiệu đấy, tồn tại mãi mãi đối với thương hiệu. Tuy nhiên, trong một thương hiệu, nó còn có những dòng sản phẩm con, được quyền nói một câu chuyện mới.

Ở Biti’s Hunter cũng có chuyện của “bàn chân Việt”, đó là bàn chân của những người Việt trẻ trung, sành điệu.

Do đó, không thể so sánh được, nó không đúng. Câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt” được thể hiện cho umbrella brand, là cái “nhãn mẹ” mà Biti’s làm được. Trong đó, không nói đến một sản phẩm bất kỳ, không target đến một đối tượng bất kỳ nào. Đấy chỉ là lẽ sống của một thương hiệu, nâng niu đôi chân tất cả những người Việt Nam.

Còn bây giờ, họ tung ra một dòng sản phẩm chuyên cho người trẻ, đấy là product line mà thôi. Cái kia vẫn là core idea (ý tưởng chủ đạo).

Có thể lấy ví dụ như nhãn hàng Unilever, trong ngành dầu gội họ có Sunsilk, phục vụ cho các bạn nữ nói chung, nhưng họ có Clear dùng cho các bạn nữ có gầu, Clear men phục vụ cho các bạn trai mà có vấn đề về tóc hay Dove phục vụ những phụ nữ thích sự chăm chút, chuyên nghiệp hơn. Biti’s cũng như vậy. Họ có dòng dành cho học sinh, cho các bạn tuổi teen, trẻ.

Cách đây 1 năm Biti’s còn nói về umbrella brand value, lẽ sống của thương hiệu. Nhưng lần này, họ chỉ nói đến một product line mà thôi.

Dòng sản phẩm lần này liệu có đưa Biti’s trở lại thời hoàng kim?

Mọi thứ đều rất phỏng đoán. Các cụ hay nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, tuỳ theo thời điểm mà chúng ta phải có cách “đánh” riêng. Đối với Biti’s, thời trước, là xây dựng được niềm tin yêu của người tiêu dùng. Nhưng với các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X thì khác. Các bạn ấy tiếp cận cái mới rất nhanh, hành động, tiêu thụ nhanh nhưng lắng đọng, tìm kiếm những thứ sâu xa hơn thì không có vì không có thời gian.

Tuỳ theo thời, theo thưở, Biti’s phải đánh thật nhanh để gây lại thanh thế. Cho nên họ đã không tìm cách thay đổi người tiêu dùng mà lại tìm xem người tiêu dùng cần cái gì, thích cái gì và đưa ra cái đấy một cách nhanh nhất.

Với thương hiệu Việt Nam, chúng ta khoan nhận xét nó thành công hay thất bại. Chuyện đó cần có thời gian. Nhưng đứng trên góc độ của người làm nghề, bất cứ thương hiệu nào đã làm cái gì mới, thì là đáng khen.

Thương hiệu Việt Nam mình đang trong quá trình học và làm theo các thương hiệu nước ngoài, đương nhiên mình còn kém họ. Vì vậy, đối với Biti’s, tôi nghĩ trào lưu này đang làm khá tốt, nắm bắt được thị hiếu, xu hướng thị trường. Ít nhất hãng đã đáp ứng được điều đó, nhưng sắp tới, để thành công, còn phải tuỳ người quản lý thương hiệu ở thời điểm đó.

Biti’s có nên được xem là một case study điển hình để các thương hiệu Việt khác học theo?

Mỗi thương hiệu có một hoàn cảnh, tình huống riêng phải đối mặt. Chuyện làm thương hiệu trước tiên phải có được sản phẩm chất lượng tốt, ổn định. Tiếp đến là phát triển nó. Cuối cùng, khi dư giả mới làm marketing sản phẩm.

Do đó, phải tuỳ theo hoàn cảnh của mình để thực hiện. Như Biti’s, chất lượng họ đã tốt rồi, họ có tiền, họ chỉ cần cải tiến mẫu mã, tập trung gầy dựng lại thanh thế.

Tuy nhiên, để coi nó là một case study, một “mốc son” chẳng hạn, tôi lại cho rằng không nên duy ý chí như thế. Tôi nghĩ rằng cuối cùng là chúng ta tham gia thị trường, chúng ta phục vụ người tiêu dùng, làm ra thương hiệu mạnh hơn cho thị trường mục tiêu, định hướng kinh doanh…

Không nên nâng quan điểm ở đây. Phải thấy là nước mình toàn những thương hiệu không được chăm chút, kém cạnh để mà lớn lên từng ngày, trong quá trình làm việc có tâm hơn. Chỉ khi nhìn nhận được mình là ai trên bản đồ thế giới thì mới có được cái nhìn thực tế, không so đo máy móc kiểu tại sao nhãn hiệu iPhone thế này, nhãn hiệu Việt Nam thế kia… Nó kém nhân bản và văn minh.

Đừng lôi tính dân tộc vào đây. Thà rằng xác định mình nhỏ bé, nhưng không ngừng phấn đấu phát triển từng ngày, đừng nghĩ cạnh tranh với ai cả, mà tôi đang cạnh tranh với chính tôi ngày hôm qua, làm sao để tôi hôm nay giỏi hơn tôi của hôm qua, phục vụ nhiều hơn… như thế đã là tốt lắm rồi.

Tôi cũng cho rằng không phải so sánh với ai, làm tấm gương cho ai đó. Tôi chỉ là anh hùng của chính tôi, chứ không là của đám đông. Nếu biến những thứ đấy thành anh hùng, thành tượng đài, họ sẽ sớm trở thành quá vãng.

Biti’s cho đến lúc này tôi cho rằng đang là câu chuyện thành công, vì họ được nhắc đến, được người tiêu dùng ủng hộ và có khả năng kiếm được tiền. Một đôi giày Biti’s kéo xuống khỏi kệ có nghĩa rằng những đôi giày khác, trong đó hầu hết là những thương hiệu của nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc không có cơ hội được mua. Đó là niềm vui rất thực, rất đời, rất kinh doanh mà không mơ mộng hão huyền.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM