CEO METUB: Mong Bộ TT&TT có hướng dẫn rõ ràng để sàng lọc, kiểm duyệt nội dung xấu độc trên YouTube

15/07/2019 19:02 PM | Xã hội

Đối với vấn đề quản lý nội dung xấu, độc, CEO METUB đề nghị Bộ TT&TT có hướng dẫn rõ ràng để có thể sàng lọc, kiểm duyệt nội dung xấu độc và hỗ trợ ngăn chặn, báo cáo những nội dung đó với YouTube.

Theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), hiện có khoảng 136.000 kênh YouTube tiếng Việt, trong đó các mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quản lý khoảng 6.000 kênh, còn lại YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh. Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.

MCN muốn có một hướng dẫn rõ ràng về kiểm duyệt nội dung xấu độc trên YouTube

Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc hiện nay các MCN gặp khó khăn g ì trong việc quản lý các kênh YouTube tiếng Việt ở Việt Nam, bà Hà Thị Tú Phượng, CEO METUB cho hay: “Hiện tại chúng tôi không có database (dữ liệu – PV) toàn bộ các kênh YouTube ở Việt Nam nên chỉ có thể hỗ trợ quản lý một lượng nhỏ kênh trên toàn bộ thị trường. Ngoài ra, những kênh mà chúng tôi phối hợp thường là nội dung của những bạn trẻ sáng tạo, có chuyên môn chia sẻ về 1 lĩnh vực nhất định như: nấu ăn, làm đẹp, hài... hoặc phát hành nội dung của ca sĩ, nghệ sĩ. Về bản chất, METUB chủ yếu làm việc với nghệ sĩ và các bạn sáng tạo nội dung về phong cách sống, giải trí... nên ít gặp những vấn đề về nội dung xấu độc. Do đó, METUB rất mong Bộ có quy định hoặc hướng dẫn liên quan tới việc kiểm duyệt nội dung đầu vào, đồng thời có thêm chương trình khuyến khích sáng tạo nội dung hấp dẫn hoặc chủ động đào tạo những người sáng tạo nội dung tiếp theo, nâng cao nhận thức của khán giả".

Đề xuất với Bộ TT&TT nhằm hỗ trợ các MCN trong việc quản lý nội dung trên YouTube, bà Tú Phượng đề nghị: “Chúng tôi rất mong Bộ TT&TT có chương trình khuyến khích động viên những bạn trẻ sáng tạo nội dung hay hơn, từ đó có thể nâng cao nhận thức của khán giả vì cuối cùng khán giả chính là người quyết định xem gì trên YouTube”.

“Đối với vấn đề nội dung xấu, độc, chúng tôi mong muốn có một hướng dẫn rõ ràng để có thể sàng lọc nội dung và hỗ trợ ngăn chặn, báo cáo những nội dung đó với YouTube”, bà Tú Phượng cho biết thêm.

Muốn quét rác trên YouTube thì phải có công cụ tìm ra rác trước đã

Tại cuộc họp do Bộ TT&TT về quản lý quảng cáo trên nền tảng trực tuyến, đại diện cho WPP, đơn vị đang nắm giữ hơn 50% thị phần quảng cáo trên truyền thông tại Việt Nam chia sẻ, dù WPP rất tuân thủ và ủng hộ các chính sách quy định của Bộ TTT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên ở góc độ là 1 đại lý quảng cáo, những công ty như WPP không được sở hữu, kiểm soát, ngăn chặn các nội dung xấu trên những nền tảng như YouTube hay Facebook.

Các đại lý chỉ tư vấn cho khách hàng, thay mặt khách hàng đặt quảng cáo trên các nền tảng khác nhau. Cho nên khi khách hàng của WPP có xuất hiện quảng cáo bên các video có nội dung xấu độc, WPP sẽ không kiểm soát được, mà chỉ có thể làm việc với Facebook, Google để giải quyết. Gần đây khi khách hàng yêu cầu phải xem lại việc chạy quảng cáo trên toàn bộ các nền tảng, WPP thấy rằng Facebook, YouTube và Google chỉ là một trong các nền tảng thực hiện quảng cáo, do đó hoặc có thể phối hợp với Facebook, YouTube, Google để ngăn chặn quảng cáo xuất hiện trên các nội dung xấu độc, các nền tảng phải có phương án chặt chẽ hơn trong kiểm soát nội dung. Hoặc là WPP sẽ tìm một nền tảng khác để tư vấn cho khách hàng.

CEO METUB: Mong Bộ TT&TT có hướng dẫn rõ ràng để sàng lọc, kiểm duyệt nội dung xấu độc trên YouTube - Ảnh 1.

Nhiều nội dung nhảm nhí, gợi dục trên YouTube đạt lượng người xem hàng chục triệu. (Ảnh chụp màn hình)

Theo đại diện WPP, hiện nay các đại lý không thể quản lý chặt chẽ được các video đính kèm do tính năng tự đề xuất dựa theo sở thích xem của người dùng, tính năng này hoàn toàn do Facebook và Google quản lý. Các đại lý chỉ có thể sàng lọc nội dung, khi xảy ra việc quảng cáo trên clip xấu độc thì phối hợp khách hàng sàng lọc, loại bỏ các đường link dẫn liên quan các vấn đề mất an toàn cho thương hiệu.

Cũng theo vị đại diện WPP, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cần phát triển một công vụ quét video để hỗ trợ các doanh nghiệp phát hiện ra các video có nội dung rác. Bởi các nhà quảng cáo không thể kiểm tra bằng cách thủ công hàng ngày, trong khi công cụ kỹ thuật thì chưa có.

"Muốn quét rác thì đầu tiên phải nhìn ra rác trước đã, rồi mới ra tay dọn dẹp được", đại diện WPP cho hay.

Theo Minh Quyên

Cùng chuyên mục
XEM