CEO Goviet và CEO Tiki chia sẻ cách dùng và giữ chân nhân tài: Người không cùng chí hướng thì không cố giữ và muốn giữ người phải giữ bằng cả team
“Bật mí” cách dùng người tài trong tổ chức, mới đây tại một sự kiện, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn và CEO Goviet Lê Diệp Kiều Trang đã có những chia sẻ chân thành
CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn
“Không cố sống cố chết giữ người không cùng chí hướng, không cùng giá trị cốt lõi và không cùng học hỏi”
CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn đặt vấn đề, làm sao để phát triển nhân tài trong thời đại chuyển đổi số, không chỉ là bài toán của các công ty về công nghệ mà là của tất cả các công ty trên thế giới.
Trong tuyển dụng nhân sự của các công ty, nhân tài đến từ mọi nơi trên thế giới, không quá quan trọng là người Việt Nam hay nước ngoài, miễn sao mang lại giải pháp cho công ty. Ông Sơn cho biết công ty ông đang cố gắng chiêu mộ nhân tài từ khắp mọi nơi, miễn sao phục vụ tốt cho định hướng chung. Hiện đội ngũ nhân sự kỹ thuật, công nghệ ở doanh nghiệp này đa số đến từ nhiều quốc gia, bao gồm cả người Việt.
Theo ông Sơn, nhân tài là nước chảy chỗ trũng. Không thể cố sống cố chết để giữ những người không còn cùng chí hướng
Theo quan niệm của CEO Tiki, doanh nghiệp sẽ không cố sống cố chết để giữ người khi không còn cùng giá trị cốt lõi, không còn cùng chí hướng và giá trị học hỏi. Bởi nhân tài cũng như nước chảy về chỗ trũng. Mình không thể giữ được họ nếu họ không muốn cùng mình đi tiếp. Trong số đó, có những nhân tài mở công ty riêng theo định hướng của họ. “Tôi rất khâm phục những bạn như thế”, ông Sơn chia sẻ.
Với những người cùng chí hướng, còn phát triển được, doanh nghiệp vẫn cần đầu tư giữ người, thông qua việc phát hành cổ phiếu, chia thưởng, đào tạo để nhân sự có thể phát triển được.
“Trong 9 năm qua, Tiki tăng trưởng gấp 2-3 lần, vấn đề đặt ra là phải luôn nói với nhân viên rằng phải cố gắng nếu không sẽ kéo đồng đội mình lại. Do đó, dù ở vị trí nào trong công ty thì khả năng học hỏi luôn quan trọng nhất với một con người, với tổ chức, đặc biệt với các doanh nghiệp startup”, ông Sơn nhấn mạnh.
CEO Goviet Lê Diệp Kiều Trang
“Để giữ được người thì phải có đội ngũ tích cực”
Theo nữ CEO này, khi mới bắt đầu một công việc, nhân sự thường bị hấp dẫn về thương hiệu của công ty. Có thể có một hoặc vài lãnh đạo trong công ty tạo động lực và cảm hứng làm việc cho nhân sự, nhưng để giữ được người tài là phải có một đội ngũ tích cực. Làm sao để người tài có môi trường làm việc tập trung, không lo lắng vào những cái không quan trọng, thì phải tạo ra team tin tưởng lẫn nhau, có thể phát triển và học hỏi lẫn nhau.
“Ở đó, mọi người có thể chia sẻ được giá trị cốt lõi. Khi có môi trường mà mọi người xem nhau như đồng chí, chơi cùng một trò chơi sẽ không cảm thấy vất vả. Doanh nghiệp phải tạo được team trong môi trường tích cực như thế”, CEO Goviet nhấn mạnh.
CEO Goviet cho rằng, môi trường làm việc tích cực là yếu tố tạo nên những con người ham học hỏi
Theo bà Trang, yếu tố nhân tài là cốt lõi không thể thiếu được trong doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. “Với các công ty khởi nghiệp, tôi thích dùng từ nhân tài hơn là nhân lực/nguồn lực. Bởi vì cuối cùng, công nghệ chỉ đến từ con người, nếu coi con người là nguồn lực sẽ không sáng tạo, không đổi mới, mà không đổi mới thì công nghệ sẽ chết”, bà Trang chia sẻ.
“Với tôi, tôi thường đi tìm những bạn trẻ ham học hỏi. Các bạn có thể chưa đến mức mình cần nhưng các bạn phải có khả năng học hỏi. Chúng tôi có thể gửi các bạn qua Go-Jek (đối tác "mẹ" của Go-Viet) để đào tạo các bạn nhưng điều quan trọng nhất là phải tìm ra được những con người ham học hỏi. Trong số đó, có nhiều bạn xuất phát từ cộng đồng du học sinh. Các bạn chưa trở về doanh nghiệp ngay mà còn đi lang thang đâu đó, học hỏi được các kỹ năng mà những nhân tài ở trong nước chưa chắc đảm bảo được”, bà Trang cho hay.
Theo CEO Goviet, phải thường xuyên cho đội ngũ của mình đứng trước thử thách để khiến các bạn có thể học hỏi nhiều hơn, có kinh nghiệm nhiều hơn. Cách đầu tư tư tốt nhất vào đội ngũ là bằng cách truyền lửa. Nếu như ngày nào đó công ty trưởng thành, các bạn mở công ty mới, thậm chí kéo theo cả team đi thì đó cũng là một thành công của doanh nghiệp startup.