CEO Canifa kể chuyện áp lực tăng trưởng: Nhân viên sốc văn hóa nặng, “chị chị, em em” không còn thân thiết

30/10/2020 09:01 AM | Kinh doanh

Với kinh nghiệm 20 năm kinh doanh và gây dựng thương hiệu Canifa, bà Đoàn Thị Bích Ngọc chỉ ra những thách thức mà các nữ doanh nhân thường gặp phải, đặc biệt là trong giai đoạn công ty đang trên đà tăng trưởng.

Tại Việt Nam, số lượng nữ giới làm chủ và điều hành doanh nghiệp đạt tỷ lệ khá cao nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Việc đưa công ty tăng trưởng sau đó cũng là bài toán nhiều thách thức với các lãnh đạo nữ.

Trong phiên thảo luận tại sự kiện “Nữ doanh nhân - Mở đường tăng trưởng”, CEO Canifa - bà Đoàn Thị Bích Ngọc đã chia sẻ kinh nghiệm của mình qua hành trình gây dựng công ty trở thành thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như ngày nay.

Được biết, bà Ngọc xuất thân là một người theo chuyên ngành xã hội học và “tay ngang” chuyển qua làm về thời trang với hai anh trai. Dưới sự dẫn dắt của nữ CEO, thương hiệu Canifa đã phát triển lên quy mô trên dưới 100 cửa hàng, tổng doanh thu năm 2018 đã lên tới hơn 900 tỷ đồng.

Chia sẻ với các nữ doanh nhân, bà Ngọc nhận định rào cản và thách thức lớn nhất của phụ nữ đó là ở chỗ họ định vị bản thân như thế nào, mình khác biệt ra sao.

Đồng thời, bà cho rằng nhiều chủ doanh nghiệp nữ còn chần chừ trong việc quyết định đưa công ty tăng trưởng quy mô lớn hay tiếp tục kinh doanh quy mô nhỏ, “bình bình” như cũ.

“Đứng trước sự thay đổi, điều đầu tiên là mình có muốn hay không. Rất nhiều chị em của Ngọc cũng bị ngập ngừng giữa việc muốn hay không muốn bởi nếu muốn thì sẽ tìm giải pháp, không muốn thì bạn sẽ tìm lý do. Nhiều khi mọi người không tách bạch được những điều mình sẽ mất và được”.

CEO Canifa kể chuyện áp lực tăng trưởng: Nhân viên sốc văn hóa nặng, “chị chị, em em” không còn thân thiết - Ảnh 1.

CEO Canifa - bà Đoàn Thị Bích Ngọc.

Bên cạnh đó, CEO Canifa chỉ ra một vài thách thức khác mà các nữ doanh nhân thường gặp phải.

Thứ nhất, đối với nền văn hóa Á Đông như Việt Nam, sinh con đẻ cái là một thiên chức quan trọng của người phụ nữ. Theo góc nhìn của bà Ngọc, điều này này chỉ dừng lại ở 9 tháng mang thai hoặc cùng lắm là 12 tháng đầu.

Tuy nhiên, thiên chức chăm sóc, dạy dỗ con sau đó là trách nhiệm chung của cả vợ chồng và gia đình. Cách tư duy này không chỉ giúp giảm áp lực cho nữ giới mà còn tạo sự bình đẳng trong gia đình.

Cũng vì lý do đó mà từ nhiều năm trước, Canifa đã có chế độ nghỉ sinh cho nam giới khi vợ của họ sinh con.

Thứ hai, CEO Canifa đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Thành Nam phát biểu trước đó, rằng phụ nữ có khả năng đàm phán rất tốt, thể hiện ngay từ việc nhỏ như đi chợ mặc cả mớ rau, miếng thịt. Trong làm việc, kinh doanh, họ hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để đàm phán, làm việc với đồng nghiệp hay đối tác.

Thứ ba, cũng là thách thức lớn nhất khi công ty tăng trưởng.

“Tại Canifa có văn hóa ghi nhận sự gắn bó, đặc biệt là với những nhân viên đã làm việc 5-10 năm. Trước kia, mỗi năm, Ngọc đều là người ngồi chỉnh sửa chi tiết, xem và xúc động với từng video kỷ niệm.

Nhưng khi công ty lớn hơn, mình không thể quan tâm được hết nữa, khiến mọi người tủi thân vì không được vinh danh như xưa. Mọi người bị sốc văn hóa nặng.

Thế hệ được gọi là “chị chị, em em” trước kia, bây giờ họ lại thấy lãnh đạo không còn tình cảm và không còn ghi nhận họ.”

Tuy vậy, muốn công ty tăng trưởng thì vẫn phải làm quyết liệt và dần điều chỉnh cho phù hợp. Bà Ngọc cho biết 20 năm qua giống như một cuộc chạy marathon, công ty liên tục tăng trưởng nhưng cũng đến lúc phải dừng lại để nhìn lại mình và tìm những hướng đi tiếp theo.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM