CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng: LG bán mảng smartphone là bước đi đúng đắn

25/01/2021 15:00 PM | Công nghệ

Riêng tại thị trường Việt Nam, mảng kinh doanh và sản xuất smartphone của LG nhiều năm qua gần như đã không còn tồn tại...

Trên trang cá nhân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng vừa đưa ra góc nhìn liên quan đến thông tin LG bán lại mảng kinh doanh smartphone ở khu vực Bắc Mỹ cho một tập đoàn của Việt Nam.

Theo ông Quảng, khi tìm hiểu các thông tin gốc từ các báo công nghệ uy tín, nhận thấy việc bán mảng smarphone của LG là một bước đi đúng đắn, bởi tập đoàn của Hàn Quốc này chỉ bán các cơ sở sản xuất, tức là các nhà máy, nhưng giữ lại mảng R&D và thiết kế smartphone, chứ không phải là không còn tham vào mảng smartphone như nhiều người nghĩ.

"Smartphone là sản phẩm tinh hoa của công nghệ, hội tụ các công nghệ đỉnh cao. Nhà sản xuất smartphone làm chủ các công nghệ từ thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử đến thiết kế phần mềm. Những công nghệ này sẽ giúp các nhà sản xuất smartphone luôn trong top đầu các công ty trên thế giới về công nghệ", CEO Bkav cho hay.

Cũng theo ông Quảng, từ các công nghệ của smartphone, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều loại sản phẩm công nghệ khác, mà các công ty bình thường không thể làm tốt được. Vị này lấy ví dụ ngay tại Bkav, nhờ mảng smartphone Bkav mới có thể là "một trong những nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công camera với AI tích hợp sẵn AI View".

Ông Nguyễn Tử Quảng còn nhìn nhận rằng LG là một công ty có hệ sinh thái sản phẩm công nghệ phong phú, nếu bỏ smartphone là "tự hủy hoại năng lực công nghệ của mình. Do đó họ chỉ bán các nhà máy sản xuất, giữ lại các bộ phận cốt lõi là R&D và thiết kế là điều dễ hiểu".

Và, sau khi bán các nhà máy, LG sẽ hoạt động theo mô hình giống như Bkav và hầu hết các nhà sản xuất smartphone khác trên thế giới, như Apple, Sony, Huawei. Tức là hãng sẽ nghiên cứu, thiết kế và chuyển các bản thiết kế cho các nhà máy chuyên sản xuất để thuê họ gia công.

"Trong chuỗi giá trị làm ra một chiếc smartphone, giá trị gia tăng lớn nhất ở các công đoạn thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử và phần mềm và nó cũng quyết định sự khác biệt, chất lượng của sản phẩm. Công đoạn sản xuất có giá trị thấp nhất. Ví dụ một chiếc smartphone có giá 10 triệu đồng thì công đoạn này chỉ chiếm khoảng 200 nghìn đồng", lãnh đạo Bkav tiếp tục nêu quan điểm.

Liên quan đến nội dung được ông Quảng bình luận trên, cách đây ít hôm, truyền thông Hàn Quốc đã đồng loạt đưa tin về việc tập đoàn LG Electronics đang đàm phán với tập đoàn Vingroup của Việt Nam về việc bán lại mảng kinh doanh smartphone ở Bắc Mỹ.

Theo báo chí Hàn Quốc, tập đoàn LG Electronics đang xem xét nhiều lựa chọn khác nhau với mảng kinh doanh smartphone. Đặc biệt, tập đoàn này quyết định sẽ bán mảng kinh doanh smartphone tuy nhiên có thể theo từng phần thay vì bán toàn bộ mảng này cùng lúc.

Đáng chú ý truyền thông Hàn Quốc cũng cho biết, tập đoàn Vingroup của Việt Nam quan tâm tới việc thâu tóm mảng kinh doanh smartphone của LG Electronics tại Mỹ để có thể thâm nhập thị trường tiềm năng và khó tính này. Theo đó, trong trường hợp có thỏa thuận diễn ra, việc "thâu tóm" sẽ nằm ở mạng lưới kinh doanh smartphone của LG tại Mỹ, trung tâm hỗ trợ hậu mãi, các nhân viên thuộc trung tâm nghiên cứu và phát triển, cùng nhà máy sản xuất smartphone tại khu vực châu Mỹ Latin.

VnEconomy cũng đã liên hệ với đại diện phía Vingroup và LG Việt Nam tìm hiểu thêm thông tin, tuy nhiên các đơn vị này cho biết không bình luận về sự việc cũng như chưa được biết về nội dung và kế hoạch trên của tập đoàn LG tại Quốc.

Với LG tại thị trường Việt Nam, mảng kinh doanh và sản xuất smartphone (tại Việt Nam) nhiều năm qua gần như đã không còn tồn tại.

Thủy Diệu

Cùng chuyên mục
XEM