CEO bánh chưng Nương Bắc kể chuyện công ty vừa thành lập đã dừng hoạt động, tặng miễn phí 200 sản phẩm để tìm câu trả lời có nên đi tiếp
CEO của bánh chưng Nương Bắc bắt tay vào thành lập công ty khi chưa biết gói bánh. Để rồi chỉ sau vài tháng xuất hiện trên thị trường, Nương Bắc đã phải tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên chỉ với một dòng tin nhắn không dấu của mẹ, chị đã vực dậy thành công “đứa con” tinh thần của mình.
Là một người làm việc không có kế hoạch, khó đến đâu giải quyết đến đó, CEO bánh chưng Nương Bắc, Nguyễn Hoài tin tưởng 100% vào người bạn đồng hành. Tuy nhiên khi công ty vừa được ra đời vài tháng, chị không ngờ rằng người bạn ngồi chung thuyền với mình lại "quay xe" đầy bất ngờ.
Nương Bắc được xem là ước mơ, niềm hy vọng của nữ CEO 9X. Tuy nhiên khi nhận thấy bản thân không có lợi thế lại phải lo cơm áo, gạo tiền, chị quyết định tạm dừng công ty khi chỉ kịp phục vụ một mùa Tết.
Từ một người kinh doanh online, cột mốc nào khiến chị hình thành nên Nương Bắc?
Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, tôi kết hôn và có em bé ngay sau đó. Để phù hợp với quỹ thời gian của mình, tôi chọn kinh doanh online. Dẫu hình thức này ở thời điểm 2012-2013 còn khá mới mẻ song tôi thích ứng rất nhanh.
Thời gian đầu tôi kinh doanh sản phẩm cho mẹ - bé và làm đẹp cho mẹ sau sinh. Sau khoảng 1 năm, tôi bắt đầu kinh doanh thêm thực phẩm. Thử sức với tất cả loại thực phẩm cảm thấy thích, tôi bắt đầu nhận thấy có một sản phẩm dễ bán, đó là bánh chưng. Bởi đây là loại bánh không thể thiếu vào những ngày Tết. Trong khi đó đa số người dân Hà Nội chọn mua sẵn thay vì làm.
Ở thời điểm đầu vào ngày Rằm hay mùng 1 lớn trong năm tôi cũng chỉ bán được khoảng 60-100 chiếc. Tuy nhiên số lượng bánh bắt đầu tăng dần theo thời gian. Thời điểm 2014-2016, số lượng bánh bán được đến hàng trăm chiếc vào các Rằm lớn. Đến thời điểm Tết, tôi có thể bán 1.000 chiếc.
Sau một thời gian khởi bán, tôi nhận ra khách hàng chủ yếu của mình là các doanh nghiệp. Tôi thường được họ đặt những câu hỏi như có thể xuất được hóa đơn đỏ hay giấy tờ liên quan. Vậy nên nếu muốn làm việc với các doanh nghiệp nhằm có những đơn hàng lớn, tôi buộc phải là một doanh nghiệp để có thể cung cấp giấy tờ theo yêu cầu.
Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần cho chiếc bánh này một cái tên và diện mạo để khách hàng có thể tự tin đem sản phẩm của mình đi biếu tặng. Cuối năm 2016, Nương Bắc chính thức được hình thành.
Khi chính thức thành lập công ty, bánh chưng của Nương Bắc vẫn chỉ dựa vào nguồn nhập từ bên ngoài?
Tôi không phải người con của làng nghề làm bánh chưng, cũng không phải sinh ra trong một gia đình có cha truyền con nối kinh doanh thực phẩm. Thậm chí tôi còn là người không thích nấu ăn.
Song với tinh thần của một người thích kinh doanh và muốn một lần biến ý tưởng của mình thành hiện thực, tôi vẫn bắt tay vào làm Nương Bắc. Cách tôi làm việc là không có kế hoạch trước. Khó khăn ở đâu giải quyết ở đó. Ở thời điểm đầu, tôi vẫn chỉ dựa vào nguồn bánh nhập từ người bạn ở Điện Biên.
Không có một kế hoạch dự phòng, tin tưởng 100% vào người bạn đã đồng hành với mình, tôi đã gặp vấp ngã đầu tiên. Ngay sau khi Nương Bắc chính thức ra thị trường, Người bạn cung cấp bánh cho tôi “quay xe”, cắt nguồn bánh và đứng sang một bên để thành lập thương hiệu tương tự.
Chị đã xử lý thế nào với vấp ngã đầu tiên này?
Nhận thấy bản thân không có bất kỳ một thế mạnh nào, tôi quyết định tạm dừng công ty. Tôi trở về kinh doanh những mặt hàng từng bán trước đó.
May mắn tôi có một người mẹ thương con hơn ai hết. Trong suốt 5 năm kinh doanh online, mẹ đã chứng kiến hết hành trình từ ngày đầu tôi bán chiếc bánh chưng như thế nào cho đến khi thành lập được Nương Bắc. Nên khi nhìn thấy con như vậy, mẹ không đành lòng.
Khi đó mẹ đã âm thầm về quê và học hỏi nhiều người về cách làm bánh chưng. Trong suốt 6 tháng, từ một người không biết gói bánh mẹ đã có thể tự làm chiếc bánh chưng hoàn chỉnh.
Tôi hoàn toàn không biết chuyện này. Cho đến một ngày tôi nhận được một dòng tin nhắn không dấu mẹ gửi với nội dung: “Mẹ thành công rồi”. Chưa hiểu chuyện gì, tôi lập tức gọi lại thì mẹ nói “Mẹ làm bánh chưng thành công rồi”.
Không quan tâm chiếc bánh có đúng ý hay không, chỉ biết rằng trong khi bản thân là người tạo ra thương hiệu tôi lại chấp nhận quên nó một cách nhanh chóng. Trong khi đó mẹ tôi là một người không biết gói bánh chưng nhưng vẫn có thể làm được. Tôi nhận ra rằng thực tế không có gì là quá khó khăn. Không có lý do gì tôi không thể làm lại.
Tôi đã quyết định đón mẹ xuống Hà Nội để vực lại Nương Bắc. Cột mốc này đã khiến tôi từ một người không biết gói bánh chưng phải bắt tay vào học và làm lại từ đầu.
Từ đây, quy trình để sản xuất ra một chiếc bánh chưng Nương Bắc được ra đời như thế nào?
Tôi và mẹ đã dành 2 tuần ăn ở tại các làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng, Tranh Khúc (Hà Nội) và Bờ Đậu (Thái Nguyên) để tìm hiểu về cách làm. Sau khi cùng lên công thức theo yêu cầu thì liên tục tuần nào làng nghề cũng gửi bánh xuống Hà Nội để tôi kiểm định.
Đến khoảng Rằm tháng 8, tôi đã chấm được sản phẩm ưng ý. Từ đây Nương Bắc đã bắt đầu có thể làm chủ được công thức làm bánh với các yêu cầu riêng.
Ở thời điểm này tôi lại gặp vướng mắc là liệu mình có đang làm nhái lại sản phẩm trước đây hay không? Để đi tìm câu trả lời, tôi cho mình một thử thách.
Tôi yêu cầu nhân viên lọc thông tin khách hàng để gửi tặng họ sản phẩm mới với mong muốn nhận được nhận xét sau khi dùng thử. Với 200 chiếc bánh được gửi đi, may mắn, ngay sau khi dùng thử, khách hàng đã quay trở lại mua luôn cho Rằm tháng 8. Lúc này tôi mới tự tin đưa Nương Bắc quay trở lại.
Kinh doanh một mặt hàng mang tính mùa vụ như bánh chưng, chị phải tổ chức sản xuất như thế nào để công ty duy trì hoạt động quanh năm?
Những tháng Tết, Nương Bắc có thể tiêu thụ được 30.000-35.000 chiếc bánh chưng. Tuy nhiên con số này không thể có vào các thời điểm khác trong năm. Trong khi đó với một công ty tôi buộc phải sống được vào thời điểm thấp điểm và đáp ứng số lượng khi nhu cầu tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, tôi phải hợp tác với các làng nghề.
Không phải là người làm nghề lâu năm, tôi không bảo thủ về quy trình làm nên chiếc bánh chưng. Điều tôi hướng đến là sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu về hình thức và chất lượng không?
Thêm nữa đối với việc tuyển nhân sự cho ngành thực phẩm, chúng tôi cần có thời gian đào tạo. Nếu đào tạo trước Tết quá lâu thì không có chi phí. Nếu sát Tết mới tuyển dụng và hướng dẫn cách làm thì không thể tận dụng được nhân sự.
Ngoài ra với việc kinh doanh sản phẩm mùa vụ cũng khá khó khăn trong khoản điều phối số lượng nhân sự do cao điểm cần lượng người nhiều nhưng sau đó thì lại không phù hợp nữa.
Hiện đội ngũ nhân sự chính của Nương Bắc vô cùng tinh gọn, gồm 10 người. Tuy nhiên các bạn đều là những người đa nhiệm trong mọi tình huống. Lúc thấp điểm họ linh hoạt xử lý nhiều công việc. Khi nhu cầu khách hàng tăng họ cần làm tốt thế mạnh của mình và có khả năng phân công nhiệm vụ cho nhân viên part-time hay freelancer.
Khi nhu cầu bánh chưng xuống thấp, Nương Bắc làm gì để có doanh thu?
Tôi từng bỏ hết tâm sức để giáo dục khách hàng về việc sử dụng bánh chưng vào mùa hè thay vì chỉ tập trung vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên đây là bài toán khó. Tôi cần có tiền để trang trải chứ không thể chỉ làm vào cuối năm và trải đều cho các tháng khác. Như vậy kinh doanh là không có lãi.
Lúc này tôi nhận ra Nương Bắc không nên chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng. Cũng như không chỉ có Tết Nguyên đán, người Việt còn có 3 cái Tết lớn khác trong năm, Hàn Thực, Đoan Ngọ, Trung Thu.
Công việc của chúng tôi là tìm ra các sản phẩm đặc trưng vào mùa Tết đó để kinh doanh. Với Tết Hàn Thực, chúng tôi tập trung vào bánh trôi, bánh chay. Tết Đoan Ngọ là rượu nếp và bánh gio. Còn Tết Trung thu, Nương Bắc chuyển sang kinh doanh bánh nướng, bánh dẻo. Nhờ vậy không chỉ có bánh chưng, Nương Bắc được khách hàng nhớ đến là nơi nâng tầm các sản phẩm truyền thống.
Với hình thức kinh doanh cuốn chiếu này tôi cần biết cách từ bỏ để ưu tiên sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở từng thời điểm. Không có quá nhiều kỹ năng về nghề, song từ vụ bánh này đến vụ bánh khác kéo dài đến 3 tháng, chúng tôi kịp thời luyện tập, tổ chức và chuẩn bị để cho ra mắt sản phẩm trong từng dịp Tết.
Ngoài hình thức, điều gì làm nên sự khác biệt trong sản phẩm của Nương Bắc?
Cũng như nấu các món ăn hàng ngày vẫn với gia vị đó nhưng người nấu ngon người nấu dở. Công thức bánh chưng của Nương Bắc không có bất kỳ một bí truyền nào.
Tuy nhiên sau 5 năm hình thành Nương Bắc, chúng tôi vẫn giữ một cảm xúc và tình yêu với chiếc bánh của mình. Không đơn thuần là kinh doanh, thực tế đội ngũ của Nương Bắc đã đặt nhiều tâm huyết vào sản phẩm của mình. Cũng giống như nấu một bữa ăn nếu chỉ làm cho xong và làm bằng tất cả tình yêu thương để dành tặng cho người mình quý thì hương vị hoàn toàn khác nhau.
Vậy nên để mô tả kỹ bánh chưng của Nương Bắc có gì khác biệt, tôi không thể nói được. Điều này phụ thuộc vào sự cảm nhận của khách hàng khi dùng sản phẩm.
Với những hộp bánh chưng có giá lên đến gần 600.000 đồng/2 chiếc, điều gì làm nên mức giá cao như vậy?
Khác nhau về hình thức bên ngoài là điều ai cũng nhận ra. Tuy nhiên không chỉ có vậy, với dòng sản phẩm cao cấp, nguyên liệu và tiêu chí bánh được đề cao hơn.
Với các sản phẩm cao cấp, Nương Bắc sử dụng loại gạo ngon nhất là nếp nương. Với bánh chưng được làm từ loại gạo này, bạn sẽ không bị nóng cổ hay ợ chua khi sử dụng. Loại thịt để sử dụng cho dòng bánh cao cấp cũng chất lượng hơn.
Tỷ lệ gạo, thịt, đỗ cũng quyết định đến mức giá của chiếc bánh. Với dòng bánh cao cấp, tỷ lệ thịt, đỗ được cân đo nhiều hơn.
Đây là cách để chúng tôi tạo nên những chiếc bánh có mức giá cao hơn so với loại thông thường.
Chị nghĩ sao khi Nương Bắc luôn gắn liền với tag name đắt đỏ nhất nhì Việt Nam?
Thực tế không một sản phẩm nào có thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả mọi người. Điều quan trọng là khách hàng mình muốn hướng đến là ai. Với Nương Bắc chúng tôi tập trung vào nhóm khách hàng hiện đại và yêu cầu cao trong cả chất lượng và bao bì sản phẩm.
Tag name này có thể khiến nhiều người biết đến Nương Bắc. Tuy nhiên điều khiến họ quyết định mua sản phẩm của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào những gì Nương Bắc đem đến cho khách hàng.
Vì thế trong kinh doanh thực phẩm, những ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng không phải là thị trường nói gì thì mình lo lắng chạy theo để giải quyết. Việc cần quan tâm là khách hàng của mình là ai và có thực sự ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của khách hàng mình muốn hướng đến không?
Nhìn lại năm 2022, điều gì Nương Bắc đã làm được khiến chị tự hào?
Sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một đứa trẻ. Ở những ngày đầu, đứa bé chỉ cần được ăn no bụng, tức là doanh nghiệp cần có tiền để duy trì. Khi đã sống được rồi, bạn cần học hỏi để phát triển bản thân. Sau giai đoạn đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhân sự, trong năm 2022, tôi đã quay về phát triển đội ngũ của mình để chuẩn bị cho những cột mốc mới, phát triển mạnh mẽ hơn.
Không chỉ phát triển tay nghề, xây dựng đội ngũ ở đây còn là làm thế nào để các bạn có thêm niềm tin vào con đường Nương Bắc đang đi, chung tay cùng tôi thực hiện một ước mơ chung.
Về mặt kinh doanh, trong năm 2022, Nương Bắc đã trở thành đối tác của các đơn vị tập đoàn lớn như Vinpearl, Golden Gate… Điều này cho thấy độ lớn của Nương Bắc và khả năng của chúng tôi đã được ghi nhận.
Ước mơ chị muốn cùng Nương Bắc thực hiện ở đây là gì?
Tôi muốn Nương Bắc là nơi nâng tầm sản phẩm truyền thống. Không chỉ mua một sản phẩm đẹp, ngon để thưởng thức hay biếu tặng, khách hàng còn có cơ hội tiếp cận văn hóa truyền thống thông qua cách Nương Bắc làm sản phẩm.
Khi nhắc đến bánh chưng vào ngày Tết, nhiều người thường nhớ về cảnh cả gia đình quây quần gói bánh chưng. Để khơi gợi điều này cho khách hàng của mình, Nương Bắc có những set nguyên liệu để bạn có thể gói bánh chưng tại nhà. Tôi không muốn con mình hay thế hệ sau đó chỉ nghĩ rằng Tết đến đi mua bánh chưng về ăn là xong. Thực tế, khi được tự tay gói và luộc bánh các em nhỏ sẽ hiểu hơn về món bánh truyền thống của dân tộc.
Ngoài ra từng chi tiết trên mỗi chiếc hộp của Nương Bắc đều có ẩn ý. Hộp quà tặng bánh chưng đầu tiên tôi cho ra mắt được thiết kế theo dạng 2 tầng lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau.
Việc đặt tên set bánh là Lang Liêu cũng là cách để giúp khách hàng có thể khơi gợi về sự tích ra đời chiếc bánh chưng. Bởi với nhịp sống hối hả ngày nay, rất khó để bạn có thể kể cho con mình nghe câu chuyện này.
Với sự xuất hiện các chi tiết trên sản phẩm của Nương Bắc chúng như một sợi dây để mọi người có thể kể cho nhau nghe câu chuyện về sản phẩm truyền thống một cách dễ dàng.
Kế hoạch trong năm 2023 của chị là gì để tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ này?
Năm 2023, tôi xác định đối tượng khách hàng của mình là những công ty , tổ chức có tiêu chuẩn cao hơn và mong muốn chinh phục được những thị trường khó tính. Để đáp ứng được điều này trong năm tới chúng tôi đang có kế hoạch sẽ nâng chuẩn từ nhà xưởng đến đội ngũ nhân viên.
Theo dự báo, 2023 được đánh giá là năm có nhiều thách thức trong đối với những người kinh doanh. Với tình hình này, đây cũng là lúc Nương Bắc cần nhìn nhận lại mình nhằm phát triển từ bên trong để khi có cơ hội chúng tôi có thể chớp lấy.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!