CEO Bamboo Airways: Các hãng hàng không không có động lực kinh doanh vì "càng bay nhiều, càng lỗ nhiều"
Theo ông Lương Hoài Nam, trước Covid-19 Việt Nam có 230 máy bay, nhưng hiện nay chỉ còn 160. Việc thiếu máy bay đã khiến giá vé máy bay tăng, nhưng các hãng hàng không cũng không dám thuê thêm máy bay vì sợ lâm vào cảnh càng bay càng lỗ.
Ngày 12/6 vừa qua, Báo Nhân dân đã tổ chức Hội thảo "Hàng không - Du lịch 'bắt tay' liên kết phát triển bền vững". Tại hội thảo, vấn đề giá vé máy bay một lần nữa trở thành chủ đề nóng.
Theo phân tích của ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), hiện giá vé nội địa Việt Nam thấp hơn nhiều nơi. Nhưng phản hồi của người dân giá vé cao chủ yếu nằm ở chỗ, tỷ trọng giá vé thấp “co lại” so với trước. “Trước đây khoảng 30% tổng lượng vé bán ra là giá khuyến mại thì giờ chỉ còn 5%”, ông Thanh nói.
Do đó, ông Thanh cho rằng, để chống hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, không được dùng dưới giá thành để đánh đối thủ, không được lợi dụng vị thế độc quyền để tăng giá quá đáng, cần phải có giá sàn để chống bán phá giá.
Trong khi đó từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết mặt bằng giá vé máy bay hiện nay làm việc triển khai chặng bay nội địa có lãi không khả thi vì không theo kinh tế thị trường. Theo ông Nam, hiện số máy bay khai thác ở Việt Nam khoảng 160 chiếc, giảm 70 chiếc so với trước Covid-19 (hơn 230 máy bay). Để bù đắp sự thiếu hụt này, các hãng hàng không có thể thuê máy bay trên thế giới, nhưng các hãng không có động lực kinh doanh vì “càng bay nhiều, càng lỗ nhiều”.
Vì thế, theo ông Nam, thay vì áp giá vé trần như hiện nay, cần phải dùng luật cạnh tranh để “trị” những đơn vị lạm dụng vị thế độc quyền. Đồng thời, phải tạo động lực cho hãng hàng không đưa máy bay về, cung ứng cho thị trường nội địa. Khi có nhiều máy bay thì giá vé máy bay giảm nhiệt.
“Chúng ta phải tạo động lực cho ngành hàng không, mới hóa giải được nghịch lý giá vé máy bay tăng nhưng hãng không và công ty du lịch vẫn khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.
Để giảm giá vé máy bay, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số giải pháp.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), giá vé máy bay tăng cao tác động nhiều ngành và sinh kế của địa phương. Nếu giải quyết giá vé máy bay giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau. Đại diện nhóm nghiên cứu Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Chính đề xuất Chính phủ khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới; hỗ trợ chính sách thuế, phí và giá. Chính phủ cũng cần xem xét quy định về giá trần. “Cần áp dụng giá trần linh hoạt theo giá xăng dầu”, ông Chính bày tỏ.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại sân bay, quản lý, điều hành bay cần giảm 50% giá, phí cho các chuyến bay đêm so với các chuyến bay ngày. “Nếu làm được điều này, các hãng hàng không sẽ thuận lợi giảm giá vé”, ông Chính nói.
Theo ông Chính, một cơ chế cứng nhắc nhiều doanh nghiệp khách sạn áp dụng chính sách nhận phòng (check-in) và trả phòng (check-out) khiến nhiều khách du lịch thiệt thòi.
“Nhiều tập đoàn quốc tế đã áp dụng chính sách nhận phòng và trả phòng linh hoạt trong 24 tiếng. Tại sao ngành du lịch Việt Nam không suy nghĩ đến việc các tập đoàn khách sạn thử đưa ra cách thức linh hoạt này. Khi đó, du lịch sẽ bắt tay được với ngành hàng không để áp dụng, tận dụng được chuyến bay đêm với giá máy bay rẻ, sẽ có gói combo tốt hơn”, ông Hoàng Nhân Chính bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết, cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các seri booking vé có giá cạnh tranh. Đây là hình thức hợp tác truyền thống từ nhiều năm qua. Với hình thức này, các hãng hàng không sẽ triển khai biểu giá, thường là mức giá thấp trong một số giai đoạn để các công ty du lịch đặt cọc sớm. Nhờ đó, phần chi phí cho các chuyến bay trong mỗi tour sẽ được giảm bớt khi vé máy bay được mua với mức giá tốt và ổn định.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Viettravel, việc tăng giá vé máy bay là bối cảnh chung trên toàn cầu. “Bình quân giá vé thế giới tăng từ 17-27%, không riêng Việt Nam”, ông Kỳ nói. Theo ông Kỳ, chúng ta không có yếu tố nào ghìm giá vé máy bay xuống nếu không có sự vào cuộc của Chính phủ vì Chính phủ là bệ đỡ, kiến tạo cho doanh nghiệp.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp hàng không, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ, để góp phần giải quyết chi phí đầu vào tăng cao, Cục đề nghị các hãng hàng không tăng hiệu suất sử dụng tàu bay trong ngày. Các địa phương cũng cần có chế độ chính sách hỗ trợ cho các hãng.
Các hãng hàng không đưa ra các chương trình khuyến mại, điều chỉnh giá vé, thực hiện việc cơ cấu giá vé công khai, minh bạch theo quy định pháp luật về giá trần. Trong dải giá vé, các hàng không dành dải giá vé từ thấp tới cao cho người dân tiếp cận giá vé phù hợp với mức chi trả. Chúng ta phải đánh giá lại thủ tục về hành chính, các chính sách pháp luật xem cần điều chỉnh như thế nào để các doanh nghiệp vận hành hiệu quả, hướng tới đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
“Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với cơ quan liên quan, trong đó có Cục Du lịch Quốc gia, xem xét các giải pháp mà các đại biểu đã nêu ra tại hội thảo để phân tích về tính xác đáng của giải pháp, xem xét căn cứ, nguồn lực, cơ quan nào có thể đứng ra chủ trì để có những hành động cụ thể. Chúng tôi mong muốn các địa phương thật sự quan tâm đến kết nối hàng không-du lịch, góp phần hỗ trợ cho hàng không tăng thêm đường bay”, ông Cẩm cho hay.