CEO 9X của Make My Home: Nửa năm bán hàng trên Facebook đủ vốn lập công ty, thuê mặt bằng, đưa thương hiệu nội thất tối giản tăng trưởng 2,5 lần/năm

12/02/2021 08:01 AM | Kinh doanh

Mượn người dì 10 triệu đồng, cựu sinh viên kiến trúc Phan Trọng Hiếu bán online những món nội thất cơ bản như bàn và ghế làm việc. Sau nửa năm, từ một sinh viên mới ra trường, Hiếu đã trở thành CEO của thương hiệu nội thất tối giản Make My Home do chính anh lập ra, với mức tăng trưởng đạt 3 con số...

Khởi nghiệp

Năm 2016, Phan Trọng Hiếu tốt nghiệp ngành kiến trúc – công trình tại ĐH Văn Lang, TPHCM. Không đi làm ngay sau tốt nghiệp, chàng trai sinh năm 1993 quyết định dành thời gian để suy nghĩ chín chắn về công việc mình thực sự yêu thích.

Cũng trong thời gian này, Hiếu dọn dẹp, bài trí lại phòng trọ bằng cách sửa sang lại phòng ốc và tự tay thiết kế những sản phẩm nội thất ưng ý cho riêng mình.

CEO 9X của Make My Home: Nửa năm bán hàng trên Facebook đủ vốn lập công ty, thuê mặt bằng, đưa thương hiệu nội thất tối giản tăng trưởng 2,5 lần/năm - Ảnh 1.

Chia sẻ trải nghiệm của mình và nhận được nhiều sự phản hồi, Hiếu quyết định lập Fanpage để bán thử những sản phẩm do mình thiết kế và tuyển chọn với mong muốn giúp mọi người cải thiện chỗ ở, ngôi nhà của mình.

"Thời điểm đó mình vẫn được bố mẹ chu cấp và có một số tiền nhỏ nhỏ vừa đi học vừa đi làm từ thời sinh viên. Cộng với số tiền mượn từ một người dì là khoảng 10 triệu, mình bắt đầu kinh doanh nội thất từ những thứ nhỏ nhỏ như bàn và ghế làm việc. Khi mới bắt đầu, mình tham gia mọi khâu vận hành từ đầu đến cuối - từ thiết kế, sản xuất, tìm chỗ gia công, đi chở hàng, giao hàng, lắp đặt cho khách luôn", Hiếu chia sẻ.

Đầu tư mạnh vào hình ảnh, bao gồm tự viết bài, chụp look book và quay video cho các sản phẩm và công trình đã hoàn thiện, sau nửa năm dấn thân vào kinh doanh, nhờ việc xoay vòng vốn nhanh, từ chỗ chỉ bán hàng online và tiếp thị trên Facebook, Hiếu đã có một số vốn để thành lập công ty, tuyển nhân sự, thuê mặt bằng và văn phòng làm việc.

Ngày 3/4/2017, Công ty TNHH Kiến trúc và Nội thất Make My Home chính thức được Sở Kế hoạch & Đầu tư TPHCM cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. CEO Make My Home là Phan Trọng Hiếu, chàng cựu sinh viên kiến trúc tốt nghiệp đại học chưa đầy 1 năm.

Theo Hiếu, bí quyết để Make My Home đạt được thuận lợi ngay từ đầu chính là việc đầu tư nhất quán và chỉn chu về mặt hình ảnh.

"Mình rất chú trọng việc xây dựng team marketing và đẩy mạnh nhiều phần hình ảnh. Công ty lúc đó có khoảng 10 người, thì nhóm phụ trách "visual" (hình ảnh) chiếm một nửa. Tất cả mọi hình ảnh, video của Make My Home đều do nhóm mình tự làm, tự chụp và tự tạo chạy chiến dịch quảng cáo. Ở mỗi khâu, mình đều tham gia sát sao", Hiếu nói.


Bước ngoặt

Chia sẻ về lý do chọn nội thất tối giản làm định hướng kinh doanh, Hiếu lý giải: "Tối giản là phong cách mình yêu thích ngay từ ban đầu. Đây là phong cách rất hợp với đô thị. Ngoài ra, phong cách sống tối giản còn là một xu hướng lớn ở cả Việt Nam và trên thế giới, nên đây là một thị trường rất tiềm năng".

"Cuối cùng, tối giản là một phong cách đơn giản và căn bản nên không dễ bị lỗi thời, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau."

Thực tế, ngành hàng nội thất tối giản cũng có nhiều đối thủ cạnh nhưng Hiếu tự tin giá trị của Make My Home không chỉ ở sản phẩm mà còn là chất lượng, dịch vụ, hay chính là xác là khả năng mang đến concept tối giản cho khách hàng chứ không phải từng mặt hàng đơn lẻ.

"Không có một cái thước đo nào gọi là chuẩn mực cho nội thất tối giản", Hiếu nói.

Tuy vậy, theo anh, một sản phẩm tối giản phải tổng hòa được 3 yếu tố:

Thứ nhất, tập trung về công năng, tức là với mục đích gì thì sản phẩm trước hết được tạo ra bởi nó mang lại giá trị về công năng chứ không phải cái đẹp.

Thứ hai là về hình dáng. Sản phẩm tối giản phải được thiết kế phải gọn ghẽ, không cầu kỳ.

Thứ ba là về sắp đặt. Sự sắp đặt tạo nên sự đơn giản. Sản phẩm mình tối giản nhưng đặt trong một không gian không tối giản hoặc sắp xếp không tối giản thì không thể tạo nên phong cách tối giản.

Thuận lợi ở những bước đầu, nhưng CEO thừa nhận để phát triển Make My Home từ ban đầu đến như hiện nay – là một công ty có hơn 40 nhân sự, cung cấp 1.500 mặt hàng với 500 chủng loại khác nhau là điều không hề đơn giản. Đặc biệt, khi chàng CEO 9X xuất thân từ kỹ thuật chứ không phải kinh doanh hay quản trị.

"Cuối năm 2017, mình nhận ra Make My Home chững lại, không còn tăng trưởng nhanh nữa, dù kỳ vọng của mình rất cao. Lúc đó, mình không thể lý giải được và rơi vào bế tắc. Mình cứ nghĩ và tìm hiểu hoài, tìm kiếm nguyên nhân tại sao nó đang phát triển rồi nó lại dừng, thì mới may mắn gặp một người anh và nhận ra được nhiều điều", Hiếu tâm sự.

Sau giai đoạn khó khăn và được đàn anh cố vấn, Make My Home đã đầu tư vào việc nghiên cứu thị trường, thu thập và xử lý dữ liệu, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản về sản phẩm, giá và tiếp thị. Kết quả của lần củng cố này là Make My Home đã lấy lại đà tăng trưởng 250% một năm, phần nội tại – chiến lược kinh doanh, quản trị cũng được củng cố vững chắc hơn nhiều.

Tuy vậy, đây cũng là thời điểm, Hiếu học được bài học quan trọng về sự thay đổi, bởi cũng trong thời điểm đó, rất nhiều nhân viên đi từ ngày đầu của Make My Home không thích ứng được, dẫn đến hiện tượng nghỉ việc hàng loạt.

"Bài học lớn nhất là sự thay đổi cần có tiến trình, chứ không phải mình nghĩ nó thay đổi thì nó sẽ thay đổi. Cái quan trọng nhất vẫn là con người, đội ngũ bên trong. Mình phải cho họ thời gian nhất định và ở phía mình, mình phải từng bước giúp họ thay đổi. Ở thời điêm hiện tại, với mình bất cứ sự thay đổi lớn nào cũng cần cân nhắc rất nhiều, có kế hoạch để chuẩn bị", Hiếu đúc rút.


Covid -19

Năm vừa qua, dịch bệnh là một trong những thách thức lớn nhất của ngành bán lẻ. Nhưng theo Hiếu, dịch Covid-19 cũng mang lại những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực cho Make My Home.

"Tích cực là việc mình đo lường được rủi ro. Bắt đầu năm 2020, mình có kể hoạch mở rộng hệ sinh thái của Make My Home, tăng số lượng sản phẩm, kho hàng, cửa hàng rất nhiều. Nhưng khi Covid-19 tới, mình nhận ra đôi khi kế hoạch mình là như vậy nhưng sẽ luôn có những rủi ro lường đi kèm và không lường trước được. Trong dịch Covid-19, mình nhận ra khách hàng cũng chuyển đổi sang mua hàng trên các trang thương mại điện tử khá nhiều. Đây là cũng là một ảnh hưởng tích cực để mình thấy nên làm gì trong giai đoạn tiếp theo", Hiếu chia sẻ.

Về tiêu cực, thực tế thị trường không biến động nhiều vào lúc dịch bùng phát hồi đầu năm. Thậm chí ghi nhận sự tăng trưởng vì khách hàng có nhiều thời gian hơn để lựa chọn sản phẩm, nhưng có sự chững lại về doanh số cuối năm so với các năm trước. Tuy vậy theo Hiếu, về cơ bản Make My Home vẫn đạt được mức tăng trưởng cao không thua các năm trước, chỉ là không đạt một số mục tiêu đề ra từ đầu năm, như trước khi có dịch bệnh.

Định hướng phát triển trong tương lai của Make My Home vẫn là xây dựng một thương hiệu nội thất thuần Việt (local-brand), nhưng tạo ra sản phẩm mang tinh thần quốc tế. Sản phẩm phải đi với thời đại nhưng đạt chất lượng và có giá cả hợp lý, phải chăng để tiếp cận đến nhiều người.

"Kế hoạch dài hạn của Make My Home chuyển đổi theo hướng số hóa hơn. Mọi người có thể ở nhà tự vẽ căn nhà của mình và Make My Home sẽ đem tới sản phẩm nội thất cho mọi người. Ngoài ra, mục tiêu ngắn hạn của Make My Home là từng bước thâm nhập thị trường và ảnh hưởng người tiêu dùng. Kế hoạch 2 năm tiếp theo của Make My Home là mở rộng các chi nhánh ra các thành phố top 3, top 6 ở Việt Nam," Hiếu chia sẻ.

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM